Dịch COVID-19 tại 10 quốc gia EU đang 'rất đáng lo ngại'
Cơ quan quản lý dịch bệnh châu Âu đánh giá, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục xấu đi tại khu vực EU, trong đó tình hình dịch tại 10 quốc gia được coi là 'rất đáng lo ngại'.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 253.131.192 ca, trong đó có 5.102.441 người tử vong.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 467.941 trường hợp mắc COVID-19 và 6.316 ca tử vong. Ngày 12/11, thế giới có 121 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 97 quốc gia, vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.
Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Ventspils, Latvia. Ảnh: AFP
Tại Liên minh châu Âu (EU), Cơ quan quản lý dịch bệnh châu Âu ngày 12/11 cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục xấu đi.
Trong báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro về tình hình dịch bệnh ở châu Âu, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) nhấn mạnh tình hình dịch tễ học ở EU hiện nay nổi bật là sự gia tăng nhanh chóng và đáng kể các ca bệnh, tỷ lệ tử vong thấp. ECDC cho biết số lượng các ca bệnh, người nhập viện và số người chết dự kiến sẽ tăng trong hai tuần tới.
Trong số 27 quốc gia thành viên EU thì có 10 nước: Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia nằm trong danh sách "rất đáng lo ngại".
Nằm trong danh sách “đáng lo ngại” hiện có 13 quốc gia: Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Iceland, Liechtenstein, Luxembourg, Na Uy, Romania, Slovakia, Litva, Ireland và Latvia.
Cộng hòa Síp, Pháp và Bồ Đào Nha nằm trong nhóm 3, "tình hình đáng lo ngại vừa phải" và Malta, Tây Ban Nha, Italy và Thụy Điển nằm trong nhóm cuối cùng.
Phương pháp được ECDC sử dụng cho các đánh giá trên đây là sự kết hợp giữa các giá trị tuyệt đối (số ca nhập viện và tử vong) với sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh mới gần đây. Theo dự báo mới nhất, số ca mắc và tử vong dự kiến sẽ tăng khoảng 50% trong hai tuần tới, đạt tỷ lệ hàng tuần là 300 ca mắc mới và 2,7 ca tử vong/100.000 dân.
Tại cuộc họp báo tối 12/11, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã thông báo về việc áp dụng lại một loạt hạn chế về sức khỏe, đặc biệt đối với lĩnh vực nhà hàng, để đối phó với số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục. Theo đó, kể từ ngày 13/11, các quán bar, nhà hàng và các cửa hàng thiết yếu như siêu thị sẽ phải đóng cửa lúc 20h và các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa lúc 18h.
Người dân Hà Lan được kêu gọi không đón tiếp quá 4 người trong nhà và nên làm việc từ xa. Các cuộc tụ tập của công chúng bị cắt giảm và các trận đấu bóng đá sẽ diễn ra mà không có khán giả, bao gồm cả vòng loại World Cup giữa Hà Lan và Na Uy vào tuần tới. Tuy nhiên, trường học vẫn mở cửa và người dân vẫn được phép ra khỏi nhà.
Chính phủ Hà Lan chuẩn bị tái áp đặt việc chỉ cho phép người đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hoặc người đã có kháng thể virus SARS-CoV-2 sau khi mắc COVID-19 được tới các cơ sở ăn uống và giải trí. Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng.
Tình hình dịch bệnh tại Hà Lan vẫn tăng cao bất chấp việc 82% người dân trên 12 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ. Những người không được tiêm chủng chiếm hầu hết là các trường hợp chăm sóc đặc biệt (69%) và nhập viện (55%), nhưng việc giảm hiệu quả của vaccine, đặc biệt là ở người cao tuổi, cũng có liên quan. Chính phủ Hà Lan đã thông báo chiến dịch tăng cường vaccine sẽ bắt đầu vào tháng 12.
Hà Lan đã ghi nhận 16.364 trường hợp mắc mới COVID-19 trong ngày 11/11, phá vỡ kỷ lục trước đó là 12.997 ca hồi tháng 12/2020. Kể từ đầu dịch, Hà Lan đã có 2,2 triệu trường hợp mắc và 18.612 ca tử vong trên tổng số 17 triệu dân.