Dịch Covid-19 tăng nhanh, tập trung chống dịch trong học đường
Dịch Covid-19 đang tăng nhanh tại tỉnh Bến Tre và đang tấn công vào học đường. Đến nay, có trên 12.300 học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học nhiễm bệnh. PV VOV đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế tỉnh về công tác ứng phó với dịch bệnh này.
PV: Xin ông cho biết các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 diễn biến trong trường học?
Ông Ngô Văn Tán: Ngành Y tế luôn sát cánh với ngành Giáo dục - Đào tạo, giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục, từng lúc, thường xuyên để làm công tác tuyên truyền, vấn đề 5K là quan trọng nhất hiện nay, không những dành cho các giáo viên, nhân viên ở các trường học mà để các em học sinh ý thức nhiều hơn. Bởi vì trẻ em phải có người lớn giám sát, sự thận trọng của người lớn là tấm chắn bảo vệ cho các em, nếu người lớn không có ý thức tốt để tập trung cho công việc này thì các em sẽ bị nhiễm.
Khi các em bị nhiễm thì ngành Y tế và ngành Giáo dục sẽ sát cánh với nhau, bắt đầu xác định các ca F0, xử trí các F0 theo các quy định của Bộ Y tế và xử lý các ca F1 gần, bằng cách thực hiện theo chương trình vừa học trực tiếp vừa trực tuyến. Nếu những cơ sở nào cảm thấy không an toàn cho các em thì sẵn sàng trở lại phương án học trực tuyến. Còn những nơi an toàn có thể chấp nhận được thì tổ chức học trực tiếp. Quyết định này phải có sự phối hợp giữa cơ sở học đường và cơ sở y tế để giúp cho phụ huynh an tâm hơn trong vấn đề này.
Ngoài ra, việc bảo vệ các em ngoài giờ đi học cũng rất quan trọng, bởi vì khi bước ra khỏi nhà trường rồi thì các em dễ bị đe dọa bởi các nguồn lây khác. Vì hiện nay, ở ngoài cộng đồng, số lượng ca nhiễm đã tăng và qua theo dõi của ngành y tế, ngành giáo dục tỉnh Bến Tre thì số ca ở trong các cơ sở học đường chiếm từ 30% đến gần 50% trong tổng số ca mắc. Như vậy phải quan tâm mối quan hệ giữa nhà trường và ở bên ngoài.
PV: Đối với các ca dương tính là học sinh thì xử lý ra sao, thưa ông?
Ông Ngô Văn Tán: Nếu có ca F0 là học sinh ở mức độ nặng phải được điều trị tại các cơ sở y tế. Dĩ nhiên rất khó nhưng chúng tôi phải triển khai công việc này, ở những vùng có số ca mắc nhiều theo quy định của Bộ Y tế thì phải học trực tuyến còn những cơ sở giáo dục, những địa phương có sự án toàn thì vẫn học trực tiếp. Học trực tiếp chất lượng cao hơn, những khối lớp chuẩn bị thi phải đặt lên hàng đầu cho các em. Vấn đề giữa học trực tiếp hay trực tuyến khi lựa chọn thì vẫn đặt vấn đề sức khỏe của các em lên hàng đầu.
PV: Theo ông, dịp nghỉ lễ 30/4, quốc tế lao động 1/5, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cần được mọi người quan tâm, thực hiện như thế nào?
Ông Ngô Văn Tán: Vấn đề dịch bệnh thì hiện nay các chủng mới cũng đang nghiên cứu, không loại trừ dịch có những làn sóng mới. Đến thời điểm 30/4 chắc chắn rằng sẽ có những biến động về vùng miền để tổ chức các lễ hội, bà con đi du lịch, đi thăm viếng lẫn nhau; những ngày nghỉ là những ngày đoàn viên của các gia đình, bạn bè, người thân.
Trong giai đoạn này chúng ta đều biết rằng, chưa thật sự hết dịch và dịch có khả năng diễn biến phức tạp cho nên trên cơ sở đó cần có ý thức của mỗi người, mỗi cá nhân.
Trong cộng đồng, trong gia đình và các cơ quan, các tổ chức đều phải ý thức đều này để chúng ta vừa bảo vệ được mình, vừa bảo vệ được tập thể mà mình đang sống, lao động, học tập. Dịch không thể nói địa phương nào mà phải nói vùng miền, cả một đất nước, phải có sự đồng nhất thì mới có khả năng hạn chế sự lây lan.
PV: Xin cảm ơn ông./.