Dịch Covid đã tạo nên làn sóng 'tiền bối công nghệ số' ở châu Á
Người cao tuổi ở châu Á sẵn sàng tiếp nhận công nghệ số hơn so với người già ở các nước phương Tây trong bối cảnh thế giới phải đương đầu với các khó khăn do Covid-19 gây ra. Xu hướng này buộc các doanh nghiệp và trang web bán lẻ phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để khai thác dòng sức mua mới.
Báo cáo “10 xu hướng tiêu dùng toàn cầu trong năm 2022” của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor công bố tuần rồi chỉ rõ rằng ngày càng có nhiều người cao tuổi ở châu Á chuyển sang sử dụng mạng xã hội, trò chơi trực tuyến và các dịch vụ internet khác khi họ buộc phải ở nhà lâu hơn do giãn cách xã hội hay phong tỏa.
Người cao tuổi học cách sử dụng smartphone tại một trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters
Người cao tuổi châu Á rất “sành điệu”
Khảo sát của Euromonitor cho thấy khoảng một nửa số người được hỏi từ 60 tuổi trở lên sống ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sử dụng Twitter nhiều lần trong ngày, so với 28% ở châu Âu và 36% ở Bắc Mỹ. Điều này cũng tương tự với các phương tiện truyền thông xã hội khác.
Khoảng 10% người cao tuổi được khảo sát trong khu vực cho biết họ có kính thực tế ảo, giúp họ khám phá vũ trụ ảo, tức các trải nghiệm trực tuyến được mở rộng hơn nữa trong không gian số. Tỷ lệ này ở Bắc Mỹ và châu Âu đều là 2% – tức chỉ bằng 1/5.
Các con số này cho thấy các bậc cao niên ở châu Á “sành điệu” về công nghệ hơn so với người cùng tuổi ở các khu vực khác trên thế giới. Họ là “những tiền bối công nghệ số” (digital senior) – như cách gọi của Nikkei Asia.
Bà Pechara Voracharusrungsri, 70 tuổi sống ở Bangkok, kể rằng trước khi dịch bùng phát, bà chỉ sử dụng Facebook và ứng dụng nhắn tin LINE để mua trái cây vài lần trong năm. Gần đây, bà đã chuyển sang LINE để mua bánh trái cây ở một tiệm quen hay mua trước đó. Bà sử dụng mạng xã hội chủ yếu để mua đồ từ các nơi mình tinh tưởng, chẳng hạn như trang trại bán trứng mà bà biết tại một sự kiện ở trung tâm thương mại. Bà cũng lên mạng để tìm kiếm các mặt hàng mới.
Không hiếm những người cao tuổi trở nên thông thạo với việc sử dụng các thiết bị số. Họ cũng trở thành những ngôi sao có ảnh hưởng trên mạng xã hội với sự giúp đỡ của con cháu.
Một cặp vợ chồng ở độ tuổi 80 đang điều hành tiệm giặt ủi ở Đài Loan đã gây bão mạng. Trang Instagram có trên 660.000 người theo dõi của họ đã tràn ngập những lời bình và tương tác khi cả hai mặc những đồ khách bỏ lại nhiều năm ở tiệm giặt với thông điệp “Bạn đừng quên mình đã bỏ đồ ở tiệm giặt chúng tôi”. Hay như bà cụ Park Mak-ryecó 1,35 triệu người đăng ký theo dõi kênh Korea Grandma của bà trên YouTube.
Yếu tố chính góp phần gia tăng mạnh mẽ số người cao niên sử dụng thiết bị số ở châu Á là sự tồn tại của các gia đình nhiều thế hệ. Thống kê của Liên hiệp quốc nói rằng đa phần người cao tuổi ở châu Âu và Bắc Mỹ sống một mình hoặc chỉ với vợ chồng với nhau. Ngược lại, nhiều hộ gia đình châu Á có hai hoặc nhiều thế hệ trưởng thành hoặc một ông bà với ít nhất một thế hệ khác.
Các đợt phong tòa và hạn chế đi lại trong dịch đã khiến mọi người trong gia đình dành nhiều thời gian hơn cho nhau. Người cao tuổi châu Á đã có nhiều cơ hội hơn để học cách sử dụng các ứng dụng, công nghệ và nền tảng truyền thông xã hội khác nhau từ các con cháu trong nhà – thế hệ lớn lên trong môi trường công nghệ số.
Natasha Cazin, cố vấn nghiên cứu tại Euromonitor, cho biết: “Các nền tảng truyền thông xã hội, chẳng hạn như YouTube, WeChat và Instagram, được kỳ vọng sẽ trở nên phổ biến với các bậc tiền bối công nghệ số ở châu Á trong tương lai gần”.
Thị trường mới
Dân số châu Á đang già nhanh. Euromonitor ước tính số lượng người từ 65 tuổi trở lên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2021-2040, đạt 767 triệu người.
Mọi người hy vọng làn sóng công nghệ số sẽ tạo nên sự thay đổi năng động về cách thức mua sắm và cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng cao tuổi. Các doanh nghiệp đang chạy đua để không đứng ngoài cuộc của trào lưu mới.
Hồi tháng 10 năm rồi, nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao của Alibaba bắt đầu đưa “định dạng cấp cao” với co chữ lớn hơn và công cụ tìm kiếm bằng giọng nói. Dịch vụ mua sắm trực tuyến HKTV ở Hồng Kông đang cung cấp các ứng dụng dành cho những người cao tuổi không quen mua hàng qua internet.
Bà Cazin của Euromonitor cho biết: “Các phiên bản dễ sử dụng của cả hai ứng dụng thương mại điện tử hàng đầu này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự thâm nhập thương mại điện tử của những người lớn tuổi ở châu Á.
Trong khi đó, 18% người châu Á – Thái Bình Dương được hỏi trong cuộc khảo sát của Euromonitor cho biết họ có kế hoạch đăng ký thêm các chương trình streaming. Tỷ lệ người tăng số lượng tài khoản mạng xã hội mà họ thường dùng cũng tăng lên. Hai tỷ lệ cao hơn nhiều so với các khu vực khác.
Ricky Hồ