Dịch giả đặc biệt
Một người bạn nhắn tin cho tôi: 'Dịch giả Dương Tường qua đời rồi', tôi lặng người đi, chợt nhớ tới hình ảnh người dịch giả gầy gò có thể ngồi cả buổi trầm ngâm không nói câu gì, nhưng mấy năm ông lại cho ra đời một tác phẩm đồ sộ, đọc mãi không chán.
Tôi nhớ những năm 1990, tôi ra Hà Nội, đầu quân cho Thông tấn xã Việt Nam. Trong mắt mọi người, hai người được kính nể đặc biệt là dịch giả Nguyễn Trung Đức và dịch giả Dương Tường, cả hai đều nguyên là phóng viên chứ không có chức tước gì đáng kể.
Một lần, tôi đưa nhà thơ Thanh Thảo tới thăm dịch giả Nguyễn Trung Đức trong căn gác nhỏ, cầu thang bằng gỗ cũ kỹ. Anh Nguyễn Trung Đức rất nổi tiếng sau khi dịch “Trăm năm cô đơn” của Marquez. Anh giỏi tiếng Tây Ban Nha và hầu như chỉ thích chữ nghĩa, văn hóa. Anh và Thanh Thảo nói chuyện văn chương mãi không dứt.
Tôi tới nhà dịch giả Dương Tường lần đầu tiên là do nhận nhiệm vụ tòa soạn cử tới nhờ bác thẩm định một bản dịch. Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt (báo Tiền Phong) bảo tôi đến gặp bác Dương Tường, để bác xem một bản dịch xuôi, dịch ngược đã ổn chưa. Tôi lấy làm lạ, vì bản thân nhà báo Hữu Việt cũng là một dịch giả, nhưng lại coi người đồng nghiệp như một người thầy.
Khi gặp bác Dương Tường và nghe bác trao đổi về bản dịch sẽ in, tôi mới hiểu vì sao người ta lại cần đến những dịch giả uy tín, có kinh nghiệm và uyên bác.
Bác Dương Tường nói với tôi: “Văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam có những nét khác biệt, hoàn toàn không giống bất kỳ nơi đâu, nên khi chuyển ngữ, dịch thuật, phải làm sao cho mình hiểu, người ta cũng hiểu mà không bị kênh nhau. Ví dụ chúng ta thường nói tiến hành chiến tranh nhân dân, nhưng nếu dịch như thế thì người nước ngoài chưa chắc đã hiểu, vì họ thường nghĩ chiến tranh là công việc của quân đội, của nhà nước, họ không hiểu lịch sử Việt Nam là giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh, cái này là truyền thống dân tộc của mình”.
Bác Dương Tường điểm cho tôi hàng trăm từ ngữ “đặc biệt, rất Việt Nam”, rồi phân tích rằng những từ như thế, các dịch giả chúng ta đã dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp ra sao, rồi người nước ngoài khi viết về Việt Nam thì họ dùng những từ gì, ổn hay chưa ổn. Dịch giả Dương Tường nói: “Rất nhiều từ ngữ, thuật ngữ rất Việt Nam mà chưa có từ điển nào ghi lại cả, song thực tế sách báo thì đã sử dụng. Phải đọc nhiều, phải ghi chép lại, mới có cơ sở để sử dụng khi dịch thuật”.
Dịch giả Dương Tường thường nói: “Dịch một tác phẩm là chuyển tải một tác phẩm tiêu biểu của một đất nước, giới thiệu một khuôn mặt xuất sắc một quốc gia, là đem đến một tác phẩm, một nét văn hóa, thậm chí một nền văn hóa thú vị đến cho đất nước của chúng ta. Vì thế, người dịch giả phải thận trọng, phải yêu quý tác phẩm mình dịch như một báu vật”.
Vì công việc viết báo và văn chương tôi may mắn quen biết nhiều dịch giả như Đoàn Tử Huyến, Phan Ngọc, Trần Đình Sử, Thúy Toàn… Tình yêu của họ với sách vở, chữ nghĩa, với các nền văn hóa là vô tận. Kiến thức rộng rãi và cập nhật khiến các dịch giả luôn trẻ hơn tuổi thật của họ rất nhiều. Nói chuyện với dịch giả chẳng khác gì được du lịch một chuyến vòng quanh thế giới bằng ngôn từ vậy.
Ấy thế nhưng ít ai biết được sau mỗi cuốn sách là bao nhiêu mồ hôi của những người “phu chữ” vận chuyển chữ nghĩa từ năm châu vào tiếng Việt. Bác Dương Tường thường nói: “Dịch không phải một nghề mà là một nghiệp. Thậm chí có khi biết rằng tác phẩm rất khó được in, mà người ta vẫn dành nhiều thời gian để dịch, rồi để đó”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dich-gia-dac-biet-post1513516.tpo