Dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự: Mải mê con chữ...

Dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự đã ở độ tuổi 'bát thập đắc hy hỷ'. Khi đã đi sang bên kia con dốc cuộc đời, sau bấy nhiêu năm mải mê với văn chương, nếm trải đủ thăng trầm và thăng hoa của nghề, điều mà dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự cảm thấy tự hào và nuối tiếc, trăn trở là gì? Ông điềm tĩnh nhìn vào khoảng không trước mặt, nhẹ nhàng trao tay tôi hai tập sách vừa xuất bản mà ông ưu ái gọi là 'bộ sách song sinh': 'Lê Bá Thự - Tác phẩm và dư luận' (2024, NXB Hội Nhà văn) và 'Lê Bá Thự - Tiểu luận và Phê bình văn học' (2024, NXB Hội Nhà văn). Tôi chợt nghĩ: Thì ra tất cả cuộc đời Lê Bá Thự đã gửi gắm cả vào những trang văn.

Dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự đã cho ra mắt bạn đọc “bộ sách song sinh” có ý nghĩa tổng kết thành tựu trên hành trình sáng tạo.

Dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự đã cho ra mắt bạn đọc “bộ sách song sinh” có ý nghĩa tổng kết thành tựu trên hành trình sáng tạo.

Những “ngã rẽ” cuộc đời và “nghiệp văn”

Cuộc đời Lê Bá Thự có nhiều ngã rẽ đầy bất ngờ và thú vị. Ông vốn là học sinh giỏi văn của Trường THPT Chuyên Lam Sơn danh giá của tỉnh, đã thi và nhận giấy báo trúng tuyển vào Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhưng cuối cùng, giấc mộng văn chương khi ấy không thành. Ông được cử sang Ba Lan học Đại học Bách khoa Warszawa. Tốt nghiệp đại học với bằng thạc sĩ, ông trở về nước làm cán bộ giảng dạy ở Trường Đại học Mỏ - Đại chất Hà Nội, sau đó chuyển sang công tác tại Bộ Ngoại giao, rồi sang Ba Lan làm Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam (1996 - 2000). Tuy nhiên, ở bất kỳ cương vị nào, cuộc đời Lê Bá Thự cũng không thể xa rời “nghiệp văn”.

Kể từ “cái thuở ban đầu” quyến luyến với văn chương, đến nay, Lê Bá Thự đã có hơn 30 năm “tuổi nghề” với 37 đầu sách ra mắt bạn đọc. Văn học dịch vẫn chiếm phần lớn với 30 đầu sách, tất cả là văn học dịch Ba Lan. 7 cuốn sách khác tập trung các sáng tác thơ, truyện, truyện ký... Đặc biệt, trong số các sáng tác của Lê Bá Thự có 3 cuốn mang tính tổng kết theo hướng tuyển tập, đó là: “25 năm dịch và viết” (2 tập, NXB Phụ nữ, 2016); “Lê Bá Thự - Tác phẩm và Dư luận” (NXB Hội Nhà văn, 2024); “Lê Bá Thự - Tiểu luận và Phê bình văn học” (NXB Hội Nhà văn, 2024)... Ông “sở hữu” nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật như: giải thưởng - bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam cho bản dịch tiểu thuyết “Quà của Chúa”, 2010; giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cho bản dịch tiểu thuyết “Hy vọng”; giải thưởng cuộc thi thơ 1999 - 2000 của Báo Người Hà Nội; giải nhì cuộc thi “Ký ức tết trong tôi” do báo điện tử Dân Việt tổ chức, Tết Canh Tý 2020; giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2020 của Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa cho tác phẩm “Tôi và làng tôi”...

Trong “gia tài” đồ sộ” ấy, cuốn hồi ức “Tôi và làng tôi” - cuốn sách được viết sau khi ấp ủ hàng chục năm, gói ghém những tâm sự rất riêng của tác giả: “Tôi đã ấp ủ, tôi đã tự nhủ, tự hứa với làng và chính cá nhân tôi là nhất định tôi sẽ viết về làng, về quê Thanh. Toàn bộ sáng tác văn học của tôi cho thấy, tôi đã thực hiện trọn vẹn lời hứa danh dự này. Hầu như toàn bộ sáng tác của tôi (thơ, truyện ký, hồi ký) đều viết về xứ Thanh, về làng Nguyệt Lãng quê hương tôi”. Cuốn sách được trao tặng giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lê Thánh Tông năm 2020; được chọn làm tặng phẩm tặng các đại biểu và khách mời dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Với những đóng góp lớn lao của mình trong việc quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa, văn học Ba Lan, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Ba Lan, dịch giả Lê Bá Thự đã có 2 lần vinh dự được trao tặng Huân chương Công trạng Cộng hòa Ba Lan do Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski trao tặng vào các năm 2012, 2017; Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan “về những đóng góp xuất sắc trong việc phát triển quan hệ Ba Lan - Việt Nam, bằng việc giới thiệu và quảng bá văn học Ba Lan tại Việt Nam” năm 2023.

“Bộ sách song sinh” và bản thể Lê Bá Thự

Khi đã đi sang bên kia con dốc cuộc đời, sau bấy nhiêu năm mải mê với văn chương, nếm trải đủ thăng trầm và thăng hoa của nghề, dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự trải lòng về những điều nuối tiếc: “Vật đổi sao dời. Đời người ai cũng phải tuân theo quy luật của tạo hóa. Là một con người, tôi phải tuân theo quy luật này thôi. Năm nay tôi đã ngoài 80. Tôi muốn viết thật nhiều và dịch thật nhiều tác phẩm để phục vụ bạn đọc nước nhà. Tiếc rằng tôi “lực bất tòng tâm” mất rồi. Đó chính là tiếc nuối, đó là trăn trở của tôi. Tất nhiên, tôi sẽ còn làm công việc sáng tạo, chừng nào sức khỏe và trí tuệ của tôi còn cho phép”.

Có lẽ vì những nuối tiếc và “lo xa” ấy, vừa qua, Lê Bá Thự đã cho ra mắt bạn đọc 2 cuốn sách “Lê Bá Thự - Tác phẩm và Dư luận”; “Lê Bá Thự - Tiểu luận và Phê bình văn học”. Đây là 2 tập sách có ý nghĩa tổng kết thành tựu của dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự sau mấy chục năm mê mải cùng con chữ.

Cuốn sách “Lê Bá Thự - Tác phẩm và Dư luận”, dày 560 trang, gồm hai phần: phần I - Về sáng tác và phần II - Về dịch thuật, tập hợp những bài phê bình, tiểu luận, những bài phát biểu, nhận xét, những bài phỏng vấn của trên 80 tác giả, phóng viên về những tác phẩm sáng tác và dịch thuật đã ấn hành.

Cuốn sách “Lê Bá Thự - Tiểu luận và Phê bình văn học”, dày 436 trang, gồm hai phần, phần I - Về dịch thuật và phần II - Về sáng tác. Đây là cuốn sách chủ yếu gồm những bài tiểu luận và phê bình về văn học dịch và dịch văn học mà tác giả Lê Bá Thự đã viết trong mấy chục năm qua. Trong số 436 trang của cuốn sách này thì có tới 300 trang viết về văn học dịch và dịch văn học, phần còn lại dành cho sáng tác.

Nếu cuốn “Lê Bá Thự - Tác phẩm và Dư luận” cho thấy sự cộng hưởng, tri âm sâu sắc giữa nhà văn - tác giả - độc giả thì cuốn sách “Lê Bá Thự - Tiểu luận và Phê bình văn học” giúp ta đi sâu vào thế giới sáng tạo của Lê Bá Thự và thể hiện rõ nét nhất đóng góp của ông cho văn học nước nhà nói chung, văn học dịch nói riêng.

Trong cuốn “Lê Bá Thự - Tiểu luận và Phê bình văn học” đã tập trung phân tích, xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học dịch đối văn học nước nhà, khẳng định những thành tựu đã đạt được trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của văn học Việt Nam. Cùng với việc nhận diện những sai sót hiện hữu trong dịch văn học, tác giả đã mạnh dạn đề ra hướng đi cho văn học dịch và dịch văn học trong thời gian tới.

Cuốn sách đã đề cập và bàn kỹ chuyện “bếp núc”, cụ thể là “những công việc chuyên môn cần làm trong dịch văn học”. Tác giả Lê Bá Thự cho biết: “Đúng và hay là tiêu chí của dịch văn học. Đúng với nội dung, đúng với hình thức, đúng với văn phong của bản gốc (hoặc tác giả). Còn “hay” là ý muốn nói bản dịch tiếng Việt phải thuần Việt, phải được Việt hóa nhuần nhuyễn... Tôn trọng nguyên tác là nguyên tắc bất di bất dịch trong dịch thuật. Chọn từ thật đúng, thật trúng, thật đắc địa cho bản dịch là điều hệ trọng trong dịch văn học. Xét cho cùng, mỗi dịch giả văn học phải là một “người nội trợ thông thái” trong dịch thuật và sách dịch của chúng ta phải là “sách sạch”, sạch cả nội dung lẫn hình thức. Có như vậy, chúng ta mới có thể “bảo vệ” người đọc, tránh cho họ không bị “ngộ độc sách”.

Điều đặc biệt, trong cuốn sách này có hàng loạt bài tiểu luận và phê bình viết về những tác phẩm dịch đã ấn hành của Lê Bá Thự, nhất là các tiểu thuyết và các tập truyện ngắn. Lý giải về cách làm này, Lê Bá Thự phân tích: “Làm như vậy tôi muốn bạn đọc của mình được thưởng thức trọn vẹn cả nội dung lẫn hình thức của tác phẩm, nắm bắt được giá trị, cái hay, cái đẹp, văn phong, bút pháp, trí tuệ và tài năng của từng tác giả thể hiện trong tác phẩm của họ. Là người chuyển ngữ tác phẩm, nắm bắt tác phẩm và tác giả đến từng chân tơ kẽ tóc, tôi có đầy đủ mọi lợi thế và tiền đề để hiện thực hóa những điều này. Tôi tự xác định trách nhiệm của mình là phải thực thi tốt vai trò người nội trợ thông thái trong dịch thuật”.

Dõi theo hành trình, thông qua các tác phẩm, nhất là soi chiếu ở “bộ sách song sinh” mà dịch giả, nhà văn Lê Bá Thự vừa ấn hành, để thấy rằng: Luôn tồn tại 2 cá tính, phong cách sáng tạo khác nhau trong một bản thể Lê Bá Thự. Đó là Lê Bá Thự của đất nước Ba Lan, văn học Ba Lan và Lê Bá Thự của làng Nguyệt Lãng, xứ Thanh. Đó là một Lê Bá Thự uyên bác, sang trọng, tỉ mỉ trong những tác phẩm dịch, phong cách dịch và Lê Bá Thự mộc mạc, chân tình quá đỗi khi bước sang địa hạt sáng tác (thơ, truyện ngắn, truyện ký...). Nhưng dẫu ở địa hạt nào đi chăng nữa, độc giả vẫn luôn cảm mến, trân trọng niềm đam mê, tài năng và những đóng góp của ông cho sự phát triển của văn học nước nhà, nhất là văn học dịch cùng những kết nối, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị Việt Nam - Ba Lan.

“Nắng được thì cứ nắng”, Lê Bá Thự vẫn cứ miệt mài...

Bài và ảnh: Hương Thảo

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dich-gia-nha-van-le-ba-thu-mai-me-con-chu-31646.htm