'Địch phá, ta sửa, ta đi…'
Trong cuộc đấu tranh Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, biết bao chàng trai, cô gái ở mọi vùng miền đã lên đường vào Nam chiến đấu, cống hiến tuổi thanh xuân và ngã xuống vì đất nước.
Những chàng trai, cô gái hậu phương đã nỗ lực gấp đôi, gấp ba để sống và chiến đấu cho ngày thống nhất non sông.
Năm tháng trôi qua nhưng trong tâm trí, những ký ức thiêng liêng ấy còn sống mãi. Đó là điểm tựa, là tài sản tinh thần vô giá để họ kể lại cho thế hệ hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Sang (bìa trái) chia sẻ ký ức về những chuyến tàu năm xưa
Trên những chuyến tàu vào Nam
Ký ức về thời khắc rời Thủ đô tiến vào Nam trên những đoàn tàu quân sự vẫn còn nguyên vẹn, như một cuốn phim quay chậm trong tâm trí bà Nguyễn Thị Sang, nguyên Trưởng tàu, phụ trách Tổ tàu “Ba đảm đang” ngành đường sắt Việt Nam: “Tôi đã tham gia biết bao chuyến tàu chở bộ đội vào Nam. Nhưng nhớ mãi không quên là những đoàn tàu quân đội chở sinh viên các trường đại học ở Hà Nội”.
Nhiều thập kỷ trôi qua, mỗi khi nhắc đến những chuyến tàu ngày đó, bà Sang lại bồi hồi xúc động.
Vừa giơ chiếc đèn báo hiệu, kỷ vật thời chiến năm xưa, bà Nguyễn Thị Sang vừa nghẹn ngào kể chuyện: “Lúc bấy giờ, tổ tàu Ba đảm đang rong ruổi trên nhiều cung đường, vượt qua mưa bom bão đạn để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tất cả vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”.
Lúc bấy giờ, tổ tàu Ba đảm đang rong ruổi trên nhiều cung đường, vượt qua mưa bom bão đạn để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tất cả vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai.
(Bà NGUYỄN THỊ SANG, nguyên Trưởng tàu, phụ trách Tổ tàu “Ba đảm đang”)
Bà Sang lớn lên và trưởng thành trong thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh xâm lược Việt Nam, phá hoại miền Bắc. Năm 1965, bà thi đỗ vào trường Trung học Vận tải đường sắt (Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc), nhà trường sơ tán ở đồi Ma Lò ở thị xã Vĩnh Yên.
“Bàn ghế của lớp học phải kê trên nắp hầm trú ẩn để thuận tiện cũng như an toàn khi có báo động máy bay Mỹ bắn phá. Sau ba năm học, chúng tôi nhận bằng tốt nghiệp Trung cấp cùng với quyết định phân công công tác của nhà trường”, bà Sang kể.
Nhận nhiệm vụ Trưởng tàu, phụ trách những đoàn tàu quân sự chở bộ đội vào Nam tiếp viện cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và tiếp nhận thương binh từ chiến trường ra Bắc để điều trị, bà Sang khi đó mới 20 tuổi.
Chậm rãi, bà kể chuyện, nhiệm vụ của người trưởng tàu thời bấy giờ là phụ trách chung của cả đoàn. Tổ tàu Ba đảm đang đều là nữ, với 8 thành viên, phục vụ đoàn tàu có từ 13-15 toa.
Mỗi người một nhiệm vụ, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình của máy bay địch. Khi có máy bay địch đánh phá, thành viên tổ tàu phải phát tín hiệu cho tàu dừng kịp thời.
Hồi đó, mạch máu giao thông vận tải đường sắt từ mỗi nhà ga, cây cầu, cung đường đều là mục tiêu đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, nhằm ngăn chặn mọi nỗ lực chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Đoàn tàu mà bà Sang phụ trách cứ mỗi lần qua cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), cầu Cấm (Nghệ An)…, mỗi thành viên đều lo lắng. Thật may mắn, trên những chuyến tàu bà Sang phụ trách chưa lần nào phải hứng bom đạn ở những điểm xung yếu này.
Nhiệm vụ của chị em trên tổ tàu Ba đảm đang tưởng đơn giản nhưng hoàn toàn không phải vậy. Những người phụ nữ rong ruổi dài ngày trên những cung đường, ăn ngủ sinh hoạt giữa bom rơi, đạn lạc vẫn phải đảm bảo an toàn cho hành khách, cho đoàn tàu từ ga xuất phát đến ga cuối cùng.
Đó thực sự là những hành trình khốc liệt. Bởi thế, sau bao năm tháng, ký ức về ngày ấy vẫn nguyên vẹn trong tâm trí người nữ Trưởng tàu năm xưa. Bà xúc động kể về những chuyến tàu chở các đoàn sinh viên Hà Nội vào Nam chiến đấu, các toa tàu đều hát vang những bài ca cách mạng.
Những chàng trai trẻ tuổi, tất cả gác bút nghiên theo tiếng gọi của Bác Hồ, vì tiền tuyến thân yêu, vì đồng bào miền Nam ruột thịt.
Bà kể về những lần máy bay ném bom bắn phá, đoàn tàu phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn; những lần máy bay B52 rơi cách hầm trú ẩn của tổ tàu Ba đảm đang chỉ một nóc nhà, nóc hầm trú ẩn bay đi, cả bầu trời rực lửa…
Không điều gì khác ngoài tinh thần yêu nước đã hun đúc, tạo nên sức mạnh để trước bom đạn kẻ thù, những người phụ nữ kiên cường ấy đã vượt qua tất cả.
Tổ tàu xác định phương châm “Mỗi người là một chiến sĩ trên mặt trận giao thông vận tải”; Tất cả vì tiền tuyến; Tất cả vì miền Nam ruột thịt; với khẩu hiệu “Tiền tuyến gọi, hậu phương trả lời”, “Địch phá, ta sửa, ta đi”… Tổ tàu Ba đảm đang đã vượt qua nhiều cung đường, băng qua bom đạn để hoàn thành nhiệm vụ.

Hình ảnh người nữ dân quân Đặng Thị Ty ngắm bắn máy bay Mỹ
Những tài sản vô giá
Những ngày đất nước kỷ niệm chiến thắng 30.4, bà Đặng Thị Ty, nữ chiến sĩ dân quân Trung đội Pháo cao xạ 12ly7 tham gia trận chiến bảo vệ Đập Phùng tháng 2.1965 luôn xốn xang, chộn rộn.
Ngước nhìn hình ảnh của chính mình trong tấm ảnh chụp nữ dân quân bảo vệ Đập Phùng đang ngắm bắn máy bay Mỹ, bà Đặng Thị Ty kể, năm ấy bà mới 19 tuổi.
Biết bao thanh niên Hà Nội nghe theo tiếng gọi Tổ quốc đã luôn sẵn sàng lên đường chiến đấu. “12 chị em phụ nữ ở độ tuổi 18-19, trong đó có tôi được kết nạp Đảng, được phân công lên làm nhiệm vụ trực chiến tại đập Đáy (đập Phùng) với khẩu súng 12ly7”, bà Ty bồi hồi.
Vác trên vai khẩu súng 12ly7, với sức vóc của cô gái chưa đến tuổi đôi mươi, “ban đầu cũng nặng lắm”. Chỉ riêng trận chiến ngày 28.4.1967, bốn nữ dân quân đã hy sinh.
Phong trào Ba đảm đang khởi nguồn từ Đan Phượng và trong ba nhiệm vụ của phong trào, nhiệm vụ thứ 3 rất cần sức khỏe.
Những người phụ nữ sẵn sàng gánh vác công việc của đàn ông, vừa cầm súng, vừa đảm nhiệm công việc gia đình.
Với khẩu hiệu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, chị em quyết tâm, ngày làm cỏ, cấy lúa, nuôi bèo hoa dâu, đêm đi đào mương tiêu và sẵn sàng chiến đấu.
(Bà ĐẶNG THỊ TY, nữ chiến sĩ dân quân Trung độiPháo cao xạ 12ly7)
Nhưng cô gái Đặng Thị Ty và đồng đội vẫn không nao núng, sờn lòng. “Phong trào Ba đảm đang là quãng thời gian không thể nào quên của cuộc đời tôi. Ngày ấy đàn ông thì lên đường đi chiến đấu, ở nhà chỉ còn phụ nữ.
Phong trào Ba đảm đang khởi nguồn từ Đan Phượng và trong ba nhiệm vụ của phong trào, nhiệm vụ thứ 3 rất cần sức khỏe. Những người phụ nữ sẵn sàng gánh vác công việc của đàn ông, vừa cầm súng, vừa đảm nhiệm công việc gia đình.
Với khẩu hiệu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, chị em quyết tâm, ngày làm cỏ, cấy lúa, nuôi bèo hoa dâu, đêm đi đào mương tiêu và sẵn sàng chiến đấu”, nữ chiến sĩ dân quân năm xưa kể chuyện.
Ở tuổi xấp xỉ 80, bà Ty vẫn nhớ như in: “Đập Phùng điều tiết nước cho Hà Nội nên là một mục tiêu quan trọng khi Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc. Nếu đập bị phá, nước lũ dâng lên sẽ rất nguy hiểm cho Hà Nội…”.
Dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng vĩ đại của dân tộc, bà Ty luôn mang theo bên mình nhiều huy hiệu, huy chương, trong đó có chiếc huy hiệu 5/8, một kỷ vật thiêng liêng.
“Huy hiệu 5/8 là biểu trưng cho trận đánh thắng đầu tiên của toàn quân và dân ta khi đế quốc Mỹ tấn công miền Bắc, dành tặng cho những người tham gia chiến đấu và có nhiều thành tích. Ngày đó, ai được mang Huy hiệu Chiến thắng 5/8 trên ngực là niềm tự hào to lớn, khích lệ tinh thần yêu nước, lòng quả cảm của người dân Việt Nam. Tôi còn nhớ mỗi khi đeo chiếc huy hiệu, nếu đi ô tô hoặc những chỗ đông người phải xếp hàng, tôi đều được ưu tiên…”, bà Đặng Thị Ty nghẹn ngào xúc động.
Với bà, ký ức là những tài sản vô giá được gìn giữ, nâng niu trong suốt cuộc đời…
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/dich-pha-ta-sua-ta-di-129457.html