Dịch sởi ở TPHCM: Trắng đêm chăm con nằm viện

'Từ ngày con nhập viện điều trị đến nay, không đêm nào tôi ngủ ngon giấc. Nhiều khi mệt quá, tôi gục xuống bên giường bệnh nhưng chỉ chút xíu là choàng tỉnh, lại sờ người con, lấy nhiệt kế đo xem con sốt bao nhiêu độ', chị Bùi Bích Ngọc (28 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chăm con mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) chia sẻ.

 Phụ huynh chăm sóc con tại bệnh viện

Phụ huynh chăm sóc con tại bệnh viện

Số ca bệnh tăng

Bữa nay là ngày thứ 3 bé Minh Quân (14 tháng tuổi), con của chị Ngọc, nằm điều trị tại khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 2) và cũng là ngày thứ 10 bé phải nằm viện điều trị bệnh. Chị Ngọc cho biết, con đã phải nhập viện tại địa phương với các triệu chứng ho, sổ mũi, tiêu chảy. Sau vài ngày điều trị, tình trạng tiêu chảy có đỡ nhưng lúc này bé lại bị sốt cao, phát ban.

Sau 7 ngày nằm điều trị tại bệnh viện địa phương, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. "Bé được bác sĩ thăm khám và được xác định mắc sởi. Vào thời điểm 9 tháng tuổi, do bé đang mắc bệnh nên tôi không đưa con đi chích ngừa được. Hiện bé vẫn đang sốt hơn 38 độ", chị Ngọc chia sẻ.

Thương và lo lắng cho con, suốt những ngày con nằm viện, người mẹ trẻ này luôn túc trực bên con, nhiều đêm thức trắng. Ban đêm, hai mẹ con nằm trong phòng bệnh, còn ban ngày, chị Ngọc đưa con ra nằm ở giường bệnh được đặt ngoài hành lang bệnh viện cho thoáng mát.

"Đêm cũng như ngày, tôi đều phải thức để cho con uống thuốc hạ sốt, cứ 4 tiếng lại cho con uống thuốc một lần. Để con nhanh khỏe thì vất vả mấy mình cũng chịu được", chị Ngọc nói.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Ngọc Lưu (khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết, khoảng 2 tuần gần đây, số ca mắc sởi phải nhập viện khoảng 4-5 ca mỗi ngày. Hiện có 14 ca điều trị nội trú tại khoa, đa số đều từ các tỉnh chuyển lên và là trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm vaccine phòng sởi.

Do một số bệnh nhi có kèm theo một số biến chứng như viêm phổi, khò khè, phải điều trị thêm kháng sinh nên thời gian điều trị kéo dài hơn.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi được điều trị tại bệnh viện

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi được điều trị tại bệnh viện

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), hơn 50 bệnh nhi mắc bệnh sởi cũng đang được điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh. Bác sĩ Dư Tấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), cho biết, hơn 1 tháng nay, số trẻ mắc bệnh sởi nhập viện có xu hướng tăng và tăng đột biến trong khoảng hơn một tuần nay. Phần lớn trẻ mắc sởi đều chưa được chích ngừa, một số ít trẻ mới được chích một mũi.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu, ở giai đoạn khởi phát của bệnh sởi, trẻ thường có các biểu hiện như đỏ mắt, ho, hắt hơi, sổ mũi; một số trẻ kèm theo vết loét, nổi ban trong miệng. Khi mắc sởi, trẻ sốt cao và khó hạ trong vòng 5-7 ngày đầu, sau ngày thứ 4, thứ 5 của phát ban thì tình trạng sốt sẽ giảm.

Khi mắc sởi, trẻ cũng dễ gặp phải các biến chứng như viêm loét giác mạc, viêm tai giữa, viêm phổi. Bác sĩ lưu ý, khi đưa trẻ đi khám, phụ huynh nên thông báo cho nhân viên y tế về việc trẻ có triệu chứng của sốt phát ban để được phân luồng vào khu vực khám, theo dõi nhằm hạn chế lây lan.

"Khi trẻ mắc sởi, tốt nhất là nên chăm sóc trẻ trong môi trường đủ thông thoáng, đủ ánh sáng để quan sát kịp thời các dấu hiệu bất thường như chảy mủ tai, nhòe mắt nhiều, trẻ thở nhanh, thở mệt. Một số trẻ mắc sởi còn kèm theo các vấn đề về đường tiêu hóa, trẻ có thể bị tiêu chảy nhiều, dẫn đến mất nước.

Do vậy, phụ huynh nên chia nhỏ cữ ăn, cho trẻ ăn những thức ăn dễ tiêu, không nên kiêng ăn tuyệt đối vì có thể khiến trẻ bị thiếu chất. Trẻ bị sởi không cần kiêng gió, kiêng nước, nên cho trẻ tắm hoặc lau người nhẹ nhàng cho trẻ", bác sĩ Lưu khuyến cáo.

Phụ huynh chăm sóc con tại bệnh viện

Phụ huynh chăm sóc con tại bệnh viện

Cần tăng độ bao phủ vaccine

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết, năm 2021-2023 chỉ ghi nhận 1 ca bệnh sởi ở TPHCM. Tuy nhiên, từ ngày 23/5/2024 đến sáng 12/8/2024, TPHCM ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi.

Trong đó, có 346 ca dương tính sởi (Thành phố có 153 ca, chiếm 50% tổng số ca; còn lại là từ các tỉnh). Thống kê trên 115 trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên (đủ tuổi tiêm chủng) mắc bệnh sởi thì có đến 73% trẻ chưa được tiêm mũi nào, số còn lại không rõ tiền sử tiêm chủng.

Đặc biệt, các bệnh viện của thành phố đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi. Theo bác sĩ Nga, hiện nay, sởi đã xuất hiện tại 57 phường/xã, 16 quận/huyện của Thành phố. Trong đó, 9 quận/huyện có 2 ca trở lên; 3 quận/huyện có số ca sởi cao nhất là huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và quận Bình Tân.

Trước sự gia tăng số ca bệnh sởi, Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở đã chỉ đạo nhiều biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của bệnh trên địa bàn, khống chế số ca biến chứng nặng và tử vong.

Trong đó, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện thực hiện nghiêm túc các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện; đảm bảo dự trữ đầy đủ thuốc điều trị, dịch truyền, thiết bị… phục vụ công tác thu dung điều trị người bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề xuất UBND TPHCM công bố dịch sởi, triển khai chiến dịch tiêm vaccine, bảo vệ nhóm nguy cơ cao như trẻ mắc bệnh nền.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, đã có vaccine phòng bệnh sởi, có một thời gian dài gần như không có ca sởi ở TPHCM. Giai đoạn vừa qua, TPHCM bị đứt gãy nguồn cung ứng vaccine do đại dịch Covid-19 và sau đại dịch, dẫn đến khoảng trống miễn dịch nên số ca mắc sởi ở TPHCM tăng.

Ông Châu cho rằng cần tập trung kiểm soát dịch sởi trong cộng đồng bằng cách nâng cao độ bao phủ vaccine đạt trên 95%; tạo miễn dịch cộng đồng bằng cách tiêm vaccine bù ngay cho trẻ trong độ tuổi và tiêm bổ sung cho trẻ quá độ tuổi; tiêm cho trẻ bị bệnh mãn tính không có chống chỉ định. Ngoài ra, cần phòng ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện, bảo vệ nhóm nguy cơ cao.

Đông Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dich-soi-o-tphcm-trang-dem-cham-con-nam-vien-2024083016265719.htm