Dịch sốt xuất huyết 'có dấu hiệu bị phá vỡ quy luật'

Các chuyên gia cho rằng, dịch sốt xuất huyết ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm. Tuy nhiên, hiện nay quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng 3,5 lần so cùng kỳ năm 2022

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần 27 (7/7-14/7), Thủ đô ghi nhận 291 ca sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã. Tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Thành phố chưa ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết.

Thạch Thất là khu vực có nhiều ca sốt xuất huyết mới nhất trong tuần qua với 47 ca. Đây cũng là điểm nóng sốt xuất huyết trong thời gian qua của Hà Nội.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 1.114 ca sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tăng 3,5 lần. Toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã đã ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết.

Hà Nội ghi nhận thêm 22 ổ dịch sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện. Hiện toàn thành phố có 27 ổ dịch đang hoạt động. Riêng xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất đã phát hiện 160 bệnh nhân.

Hàng năm, dịch sốt xuất huyết thường bùng phát trong khoảng tháng 10-12. Tuy nhiên năm nay, số lượng ca bệnh lại xuất hiện sớm hơn dự kiến.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng điều trị tại Bệnh viện (Ảnh: Quỳnh Trần)

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng điều trị tại Bệnh viện (Ảnh: Quỳnh Trần)

Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.

Dự báo, số ca mắc mới sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt là tại khu vực ổ dịch cũ, xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp.

Dịch sốt xuất huyết 'có dấu hiệu bị phá vỡ quy luật'

Theo BSCKII Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Căn bệnh này không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân cần nhập viện để được theo dõi, điều trị từng triệu chứng và điều trị hỗ trợ kịp thời.

Nếu người mắc sốt xuất huyết chủ quan thì tình trạng có thể trở nên rất đáng báo động. Những biến chứng nặng có thể xảy ra khi bệnh nhân được phát hiện và điều trị muộn. Chúng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây nguy hiểm tính mạng.

Bên cạnh đó, BS Hưng cũng nhấn mạnh rằng, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể tái mắc nhiều lần. Do đó, người đã từng mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không được chủ quan.

"Một bệnh nhân có thể mắc 2 lần trong một mùa dịch. Thậm chí, họ có thể mắc đến 2 type khác nhau", BS Hưng nhấn mạnh.

TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương chia sẻ về dịch sốt xuất huyết

TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương chia sẻ về dịch sốt xuất huyết

TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho rằng, hiện nay thời tiết khá thất thường sẽ ảnh hưởng đến khả năng bùng dịch sốt xuất huyết. Trước đây, dịch sốt xuất huyết ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm nhưng với sự biến động của thới thiết, quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ.

"Dịch sốt xuất huyết hiện cũng đang có dấu hiệu "đảo chiều" so với năm 2022. Miền Nam có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó ở miền Bắc có dấu hiệu gia tăng", TS Dũng phân tích.

Để phòng chống sốt xuất huyết, Tiến sĩ Dũng khuyến cáo người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại… Muỗi đẻ trứng trong các đồ dùng chứa nước trong nhà, chỉ cần không có nước đọng thì không có muỗi.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên người dân không nên tự mua về phun. Người dân có nhu cầu diệt muỗi nên liên hệ các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương, không sử dụng các loại hóa chất không rõ ràng, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kháng thuốc ở muỗi.

Thúy Ngà

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/dich-sot-xuat-huyet-co-dau-hieu-bi-pha-vo-quy-luat-d192390.html