Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 30 địa phương

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện 30/34 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Dù đã có vắc xin, tỷ lệ tiêm phòng còn thấp, nhiều hộ chăn nuôi vẫn chủ quan, làm gia tăng nguy cơ dịch lan rộng trong mùa mưa bão.

Thông tin tại Hội nghị Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và quản lý kiểm soát giết mổ đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng nay (23/7), tại Hà Nội, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), thông tin, từ đầu năm đến ngày 22/7/2025, cả nước đã xảy ra 636 ổ dịch tại 30/34 tỉnh, thành phố, số lợn mắc bệnh là 42.349 con, số lợn chết, buộc tiêu hủy là 43.375 con. Hiện nay, còn 256 ổ dịch tại 26 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

 Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 30 địa phương.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại 30 địa phương.

Trong hai tháng 6 và 7/2025, bệnh dịch tả lợn châu Phi gia tăng tại các tỉnh phía Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội…) và duyên hải miền Trung (Quảng Ngãi, Quảng Trị…).

Bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là tái phát các ổ dịch cũ, phát sinh ở loại hình chăn nuôi quy mô nhỏ (bình quân 50 - 60 con/ổ dịch) tại các hộ gia đình nơi có điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học.

Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân do chăn nuôi nhỏ lẻ còn khá phổ biến, chiếm tỷ lệ cao, không bảo đảm an toàn sinh học.

Bên cạnh đó, hiện tượng người chăn nuôi giấu dịch, khi đàn vật nuôi có dấu hiệu nghi mắc bệnh thường không thông báo cho chuyên môn thú y, chính quyền địa phương để được hỗ trợ điều trị, xử lý mà bán chạy lợn, vứt xác ra môi trường làm dịch bệnh lây lan rộng.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân vứt xác lợn chết do dịch bệnh ra sông, mương… ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và tạo cơ hội lây lan virus. Hành động này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và làm tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, mà còn vi phạm quy định của Luật Thú y. Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng. Trước tình hình dịch tả heo châu Phi được dự báo sẽ tiếp tục phát sinh và lây lan, các địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để sớm khống chế và dập tắt các ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, chỉ trong 10 ngày đầu tháng 7/2025, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 83 cơ sở, ở 42 thôn, thuộc 11 xã, phường, với 529 con heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, với tổng trọng lượng gần 29,5 tấn.

Ông Trần Phước Hiền- Phó chủ tịch UNBN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch bệnh, tuy nhiên, tại địa phương vẫn còn một số hộ gia đình lại đem heo ốm, chết vứt ra đường, kênh, mương, sông..., gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ, từ đầu năm 2025 đến nay Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 52/148 xã, phường của tỉnh Phú Thọ. Đến thời điểm hiện tại đã có 546 hộ dân có số lợn dính dịch tả Châu Phi, tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy trên 228 tấn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, việc kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ động vật và thực hiện tái đàn lợn nuôi tại các địa phương cần thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả: "Bộ chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, tập trung nguồn giống và thức ăn, cử các đoàn công tác đến các địa phương để chỉ đạo, đối với các địa phương thì phải chủ động hóa chất, vệ sinh môi trường, chuẩn bị cho thay thế đàn và dịch tả lợn châu Phi là bài học kinh nghiệm để chúng ta phải xử lý triệt để ngay và luôn".

PV

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/dich-ta-lon-chau-phi-bung-phat-tai-30-dia-phuong-d60095.html