Dịch tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh gia tăng
Theo thống kê của ngành y tế TP Hồ Chí Minh, trong những tuần gần đây số ca mắc tay chân miệng tại thành phố liên tục gia tăng. Từ đầu năm 2025 đến nay, TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 1.900 trường hợp mắc tay chân miệng.
Qua thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong tuần thứ 12 của năm 2025, Thành phố ghi nhận 348 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 84,4% so với trung bình của 4 tuần trước. Các quận, huyện có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao, gồm quận Bình Tân, Quận 8 và Quận 6. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2025 đến tuần thứ 12 là 1.917 ca.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tay chân miệng là ở dưới tay, chân, miệng thường nổi hồng ban mụn nước.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, số trẻ mắc tay chân miệng hiện nay tăng cao so với cùng kỳ năm 2024 và vượt qua mức trung bình của 5 năm qua. Trong 3 tháng đầu năm 2025, bệnh viện đã điều trị cho 142 trường hợp mắc tay chân miệng nhập viện, trong đó có 3 trẻ mắc bệnh nặng ở độ 3 và 4, chưa ghi nhận trường hợp trẻ tử vong do bệnh.
Các chuyên gia y tế cho rằng, hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc đặc trị. Bệnh dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, họng, nước bọt hoặc các nốt phỏng, hoặc tiếp xúc gián tiếp với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên các dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà...
Các biểu hiện ban đầu của bệnh bao gồm sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Một đến hai ngày sau khi sốt, trẻ sẽ xuất hiện các nốt loét ở lưỡi, lợi và bên trong má gây đau rát. Phát ban màu đỏ, phẳng hoặc gồ lên, kèm theo bọng nước tập trung nhiều ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, có thể xuất hiện ở mông và cơ quan sinh dục. Trẻ dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, vì vậy dễ mắc bệnh hơn trẻ lớn và người lớn. Nhà trẻ và trường mầm non là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và dễ phát triển thành ổ dịch.
Để phòng bệnh tay chân miệng, ngành y tế khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; đảm bảo vật dụng ăn uống được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.