Dư thừa hàng chục ngàn phôi sau khi làm thụ tinh trong ống nghiệm: Xử lý thế nào?

Ước tính hiện nay, cả nước có hàng chục ngàn trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) còn phôi dư trữ lạnh tại các bệnh viện. Tình trạng dư thừa phôi sau khi làm IVF đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam có cuộc trao đổi với bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Trung tâm IVF Bệnh viện Mỹ Đức, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM, về vấn đề này.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

PV: Thưa bác sĩ, vì sao lại có tình trạng dư nhiều phôi sau khi các cặp vợ chồng thực hiện phương pháp IVF?

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường: Bình thường mỗi tháng, phụ nữ có một nang noãn phát triển và rụng trứng. Theo phác đồ IVF cổ điển, bệnh nhân sẽ được tiêm hormone kích thích buồng trứng trong khoảng 2 tuần để có nhiều nang noãn phát triển, trước khi chọc hút trứng, thụ tinh với tinh trùng, tạo phôi.

Sau đó, phôi sẽ được cấy trở lại, mỗi lần 1-2 phôi vào buồng tử cung, gọi là chuyển phôi, để có thai. Phác đồ kích thích buồng trứng có thể lấy được nhiều trứng, làm được nhiều phôi, nên giúp tăng cơ hội có thai sau một lần thực hiện IVF.

Trước đây, trình độ của ngành IVF Việt Nam chưa cao, quy trình nuôi cấy phôi chưa được kiểm soát tốt, dẫn đến tỉ lệ thành công trên phôi chuyển vào buồng tử cung không cao. Đa số bệnh nhân phải chuyển phôi nhiều lần mới có thai.

Hoặc hết phôi vẫn chưa có thai, phải điều trị lại. Ở Việt Nam, chi phí cho một lần thực hiện IVF là khá cao so với thu nhập chung. Do đó, một số bác sĩ và người bệnh có khuynh hướng kích thích buồng trứng mạnh, dùng nhiều thuốc để tạo nhiều phôi, ngay cả ở những trường hợp khả năng có thai cao.

Hiện nay, trình độ ngành IVF Việt Nam phát triển, hiệu quả cao, do các trung tâm có hệ thống quản trị chất lượng tốt, tỉ lệ có thai trên phôi chuyển vào tử cung cao. Các trường hợp tiên lượng tốt chỉ cần chuyển ít phôi, 1-2 lần, đã có đủ con và đa số các cặp vợ chồng chỉ muốn có 1-2 con, dẫn đến số trường hợp còn dư phôi và số lượng phôi trữ lạnh không còn mục đích sử dụng ở các bệnh viện ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, kích thích buồng trứng nhiều cũng gây tăng chi phí thuốc, tăng nguy cơ hội chứng quá kích buồng trứng, tăng chi phí đông lạnh và lưu trữ phôi dư.

PV: Các cặp vợ chồng thực hiện IVF có 2 lựa chọn, một là hủy phôi sau một thời gian không cần dùng tới; hai là tiếp tục gửi để trữ phôi và trả phí. Theo bác sĩ, 2 phương án này khi được lựa chọn có các điểm khó thế nào? Vì sao?

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường: Theo quy định hiện hành, trong trường hợp sau IVF đã có con và còn phôi dư, các cặp vợ chồng có 4 lựa chọn: (a) Tiếp tục đóng phí lưu trữ nếu vẫn còn muốn chuyển phôi tiếp tục trong vài năm tới; (b) Hiến tặng cho "ngân hàng" phôi của bệnh viện để có thể tặng cho các cặp vợ chồng có nhu cầu xin phôi.

Việc này được thực hiện theo nguyên tắc vô danh; (c) Ngưng việc lưu trữ và tiến hành phối hợp cùng bệnh viện hủy phôi không còn mục đích sử dụng; (d) Hiến tặng cho các nghiên cứu y khoa nhằm cung cấp các kiến thức mới về sự phát triển phôi, cải thiện quy trình IVF.

Từ các lựa chọn trên thì cũng nảy sinh các vấn đề rất đáng lưu tâm:

Tiếp tục lưu trữ và sử dụng: Các cặp vợ chồng nên quay lại chuyển phôi sớm để có thai. Việc lưu trữ lạnh từ 1 năm trở lên có thể bắt đầu có ảnh hưởng đến chất lượng phôi, tùy thuộc thời gian trữ lạnh và điều kiện bảo quản. Thời gian lưu trữ kéo dài cũng tăng thêm chi phí bảo quản.

Hiến tặng: Các cặp vợ chồng không cần tiếp tục đóng phí lưu trữ và phôi sẽ được tặng cho các cặp vợ chồng khác. Tuy nhiên, việc hiến tặng cho bệnh viện để chuyển phôi cho các cặp vợ chồng có nhu cầu xin phôi ít được thực hiện, do quan niệm huyết thống và phải thực hiện theo nguyên tắc vô danh, nghĩa là hai cặp vợ chồng không được biết nhau.

Hủy phôi: Về kỹ thuật tương đối đơn giản, chỉ cần lấy phôi ra khỏi bình nitơ lỏng là phôi sẽ tự hủy sau đó. Tuy nhiên, quyết định hủy phôi có thể khó khăn, không dễ chấp nhận với nhiều cặp vợ chồng, do vấn đề tâm lý và quan niệm khác nhau về sự sống của phôi.

Việc lưu trữ lạnh phôi lâu dài mà không còn mục đích sử dụng, gây tốn kém chi phí cho các cặp vợ chồng, khó khăn cho các bệnh viện vì phải lưu trữ quá nhiều phôi của nhiều người trong thời gian dài. Phôi lưu trữ quá lâu cũng có thể giảm chất lượng. Và hầu hết các phôi dư này cuối cùng cũng sẽ bị hủy bỏ.

Hiến tặng cho nghiên cứu khoa học: Các cặp vợ chồng không cần phải đóng phí lưu trữ. Tuy nhiên, việc này cũng gặp phải một số vấn đề về tâm lý và đạo đức.

PV: Vấn đề đạo đức và tâm lý được nói tới ở đây, có nên được cân nhắc và chia sẻ hay chỉ đơn thuần là việc "có" hoặc "không", thưa bác sĩ?

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường đang tư vấn cho một trường hợp

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường đang tư vấn cho một trường hợp

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường: Hủy phôi là một quyết định khó khăn vì các cặp vợ chồng đã tốn kém, khó khăn mới có được các phôi này. Ngoài ra, tùy theo tâm lý, quan điểm và luật pháp ở các nước, mà vấn đề hủy phôi được nhìn nhận khác nhau.

Việc này là khá phức tạp và không có khái niệm đúng-sai rạch ròi. Với đa số các nước, luật pháp đều cho phép hủy phôi dư khi không còn mục đích sử dụng. Ở Việt Nam, theo quan điểm chung của xã hội, việc hủy phôi là có thể chấp nhận và luật pháp có quy định rõ về việc sử dụng các phôi dư.

Phôi chưa được nhìn nhận là một cá thể, trên quan niệm của cộng đồng và quan điểm của luật pháp. Thật ra, ngay cả sau khi người phụ nữ đã thụ thai, việc bỏ thai, phá thai muộn ở Việt Nam vẫn được chấp nhận và luật pháp cho phép, nếu người mang thai và gia đình không muốn tiếp tục thai kỳ.

Do đó, vấn đề tâm lý, đạo đức trong hủy phôi chưa phải là một vấn đề lớn, phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, quan niệm này có thể thay đổi trong tương lai khi xã hội phát triển hơn.

PV: Có số liệu nào về số phôi đang được lưu trữ hay không?

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường: Phương pháp IVF thành công ở Việt Nam từ năm 1998. Trữ lạnh phôi thành công từ năm 2000. IVF liên tục phát triển tại Việt Nam hơn 25 năm qua, số trung tâm IVF và số trường hợp thực hiện IVF liên tục tăng trong thời gian này.

Việt Nam hiện có hơn 60 trung tâm IVF, mỗi năm thực hiện khoảng 50.000 chu kỳ IVF mới. Trong đó có hơn 1/3 trường hợp là đã có thai, sinh con nhưng vẫn còn phôi trữ lạnh chưa sử dụng.

Như vậy, mỗi năm có thể có thêm 10.000 trường hợp dư phôi, trữ lạnh. Ước tính hiện nay, cả nước có hàng chục ngàn trường hợp còn phôi dư trữ lạnh tại các bệnh viện, mỗi trường hợp trung bình khoảng 2-3 phôi.

PV: Dưới góc nhìn y khoa, theo bác sĩ, nên tư vấn cho các gia đình thế nào về tình cảnh đã đủ con mà vẫn còn trữ phôi lâu năm?

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường: Theo tôi, một cặp vợ chồng đã có đủ con sau IVF, còn phôi dư, không còn mục đích sử dụng, thì việc lưu trữ tiếp chủ yếu do tâm lý và cảm xúc. Việc lưu trữ lạnh lâu dài, khi không còn mục đích sử dụng, gây tốn kém chi phí cho các cặp vợ chồng, khó khăn cho các bệnh viện vì phải lưu trữ quá nhiều phôi của nhiều người trong thời gian dài.

Phôi lưu trữ quá lâu cũng có thể giảm chất lượng. Và hầu hết các phôi dư này cuối cùng cũng sẽ bị hủy bỏ. Nếu một cặp vợ chồng có thể gặp khó khăn khi quyết định hủy phôi dư, do vấn đề đạo đức hay quan điểm, việc này nên được cơ sở y tế tư vấn và thảo luận với các cặp vợ chồng trước khi bắt đầu thực hiện IVF.

Trong trường hợp các cặp vợ chồng không thể chấp nhận việc hủy phôi dư, bác sĩ cần tư vấn và chọn lựa phác đồ phù hợp, chỉ tạo ra phôi để đủ chuyển phôi có thai, không tạo ra phôi dư, nếu không cần thiết.

PV: Còn có vấn đề phái sinh khác nữa đang tồn tại hay không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường: Kích thích buồng trứng là một phác đồ tương đối an toàn, ít ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không sử dụng thuốc quá liều và sai nguyên tắc. Các trường hợp thực hiện IVF cần hiểu việc tiêm thuốc liều cao hơn mức cần thiết có thể có tác dụng phụ, tăng nguy cơ quá kích buồng trứng, tăng chi phí điều trị, chi phí lưu trữ phôi và khó khăn khi quyết định xử lý các phôi dư.

Những phụ nữ lớn tuổi, buồng trứng suy yếu, dù có tăng liều thuốc thật cao thì cũng không thể tăng số trứng lên được. Các bác sĩ và cơ sở y tế nên tư vấn trước cho các cặp vợ chồng về khả năng dư phôi không còn mục đích sử dụng và các phương án xử lý trước khi thực hiện IVF. Phác đồ tiêm thuốc nên được điều chỉnh phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Gần đây, phác đồ IVF mới, không kích thích buồng trứng phát triển ở Việt Nam và các nước đã làm thay đổi đáng kể tình hình này. Không tiêm thuốc nên an toàn, loại trừ hoàn toàn các biến chứng của kích thích buồng trứng.

Không cần tiêm thuốc, không cần theo dõi, không mất thời gian đi lại nhiều, giúp giảm chi phí và thuận tiện hơn, giảm áp lực phải tạo nhiều phôi trong một lần thực hiện IVF. Không tạo quá nhiều phôi, nên ít khi có phôi dư và số phôi dư cũng ít đi, giúp giảm chi phí lưu trữ phôi, giảm gánh nặng và hệ lụy của lưu trữ phôi dư không còn mục đích sử dụng.

Xu hướng IVF không kích thích buồng trứng về lâu dài sẽ làm giảm đáng kể vấn đề lưu trữ và hủy phôi không còn mục đích sử dụng. Các bác sĩ cũng có nhiều phương án lựa chọn phù hợp cho từng đối tượng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của bác sĩ!

Thụ tinh trong ống nghiệm là biện pháp hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng hiếm muộn bằng cách cho trứng và tinh trùng kết hợp ở ngoài cơ thể. Phôi thai được tạo thành sau khi trứng và tinh trùng kết hợp thành công sẽ được chuyển lại vào buồng tử cung của người phụ nữ. Phôi sau đó làm tổ, phát triển thành thai nhi như trong các trường hợp thụ thai tự nhiên

Đinh Thu Hiền (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/du-thua-hang-chuc-ngan-phoi-sau-khi-lam-thu-tinh-trong-ong-nghiem-xu-ly-the-nao-2025033113563531.htm