Loài kiến nhỏ nhưng độc tố mạnh gấp 15 lần nọc rắn hổ

Kiến ba khoang có độc không phải từ đốt mà do dịch tiết ra dính vào da, gây viêm da tiếp xúc tại chỗ. Đây là độc tố Pederin, mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ.

 Các bệnh nhân đến khám do tiếp xúc kiến ba khoang thường có tổn thương da bỏng rát, đỏ, có trường hợp tổn thương loét, bội nhiễm. Ảnh: Cooky.

Các bệnh nhân đến khám do tiếp xúc kiến ba khoang thường có tổn thương da bỏng rát, đỏ, có trường hợp tổn thương loét, bội nhiễm. Ảnh: Cooky.

Một nam thanh niên 25 tuổi ở Hưng Yên bị tổn thương da toàn thân sau khi tự ý bôi hỗn hợp thuốc làm từ 40 con kiến ba khoang để chữa ngứa. Đến khi các tổn thương da lan rộng, hình thành mảng trợt loét, rỉ dịch thì thanh niên này mới đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám.

Kiến ba khoang nhỏ nhưng cực độc

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Thu, Phó trưởng khoa khám bệnh, cho biết ngoài trường hợp trên, thời gian gần đây, đơn vị cũng tiếp nhận nhiều trường hợp viêm da tiếp xúc do côn trùng, trong đó có kiến ba khoang đến khám. Có ngày, bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca.

"Các bệnh nhân đến khám thường có tổn thương da bỏng rát, đỏ, có trường hợp tổn thương loét, bội nhiễm", bác sĩ Thu thông tin.

Bác sĩ Quách Thị Hà Giang, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới, cho hay loài côn trùng này có thân dài khoảng 1 cm, màu đỏ - đen đặc trưng. Chúng có độc không phải từ đốt mà do dịch tiết ra dính vào da, gây viêm da tiếp xúc tại chỗ. Kiến ba khoang chứa độc tố Pederin, mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ.

Bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường xuất hiện tổn thương ở cổ, mặt, lưng, tay, chân... Ban đầu, da chỉ hơi ngứa rát, căng lên, đỏ một vùng. Sau khoảng 6-12 giờ, vùng da bị viêm trở nên sưng đỏ, xuất hiện mụn nước to nhỏ không đều.

Từ 1 đến 3 ngày sau, mụn nước vỡ ra thành phỏng nước, phỏng mủ, gây đau rát dữ dội. Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị sốt, nổi hạch, sưng mắt hoặc khó đi lại nếu tổn thương ở vùng bẹn.

 Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tổn thương da ở nhiều vùng trên cơ thể. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng tổn thương da ở nhiều vùng trên cơ thể. Ảnh: BVCC.

Làm gì khi tiếp xúc kiến ba khoang?

Bác sĩ Giang nhấn mạnh rất nhiều bệnh nhân tự ý sử dụng các phương pháp điều trị không được kiểm chứng về mặt khoa học. Thay vì khỏi bệnh, họ phải nhập viện trong tình trạng tổn thương lan rộng, đau đớn, thậm chí nhiễm khuẩn huyết.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không dùng tay trần để bắt hay giết kiến ba khoang. Nếu lỡ chạm vào, hãy rửa ngay vùng da tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý để giảm tác động của độc tố. Khi xuất hiện dấu hiệu tổn thương nặng, cần đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Mông Tuấn Hùng, khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, người dân thường lầm tưởng tổn thương từ kiến ba khoang với bệnh zona nên tự đi mua thuốc điều trị. Không ít trường hợp bôi thuốc acyclovir vào các vết dị ứng dẫn đến loét da, tổn thương da nặng, phải nhập viện điều trị.

"Nếu vùng da đó bị phồng rộp, có biểu hiện viêm loét… người dân phải đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và chỉ định dùng thuốc thích hợp. Không nên tự ý mua thuốc điều trị bởi trong các loại thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid, chất giải độc tố…", bác sĩ Hùng nói.

Nếu điều trị đúng, chỉ trong khoảng 1 tuần vết thương sẽ khỏi. Nếu điều trị muộn hoặc sai, tổn thương sẽ lan rộng, gây loét da, việc điều trị sẽ khó khăn và kéo dài hơn.

Mọi người nên phòng bệnh bằng tránh tiếp xúc với kiến ba khoang, không đập nát chúng mà dùng giấy gói lại rồi vứt đi.

Quần áo, khẩu trang, khăn trải giường… đã bị tiếp xúc với kiến cần được giặt thật kỹ. Ngươi dân cũng nên tránh thu hút kiến bằng đèn sáng, đóng kín cửa sổ, cửa ra vào các phòng làm việc và phòng ngủ vào ban đêm.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/loai-kien-nho-nhung-doc-to-manh-gap-15-lan-noc-ran-ho-post1542059.html