Điểm 10 môn Văn: Học sinh giỏi hay 'điểm của thầy'?

Mấy chục năm trước, điểm 9, điểm 10 môn Văn, chúng tôi thường xem như đó là điểm của… thầy. Nghĩa là có một cái ngưỡng vô hình như một thử thách để chỉ những học sinh thực sự xuất sắc, vượt trội mới có thể bước qua, đạt đến. Còn bây giờ, 9 điểm môn Văn vẫn có thể trượt đại học như thường.

1. Hàng xóm nhà tôi, một giảng viên đại học từng là học sinh giỏi Văn vừa than thở trên trang cá nhân: “Hồi xưa mình thi đại học được 8 điểm Văn. Ai cũng mang mình ra làm gương cho con. Có người còn đến nhà nhờ mình kèm thêm môn Văn cho con họ nữa. Bây giờ có cả điểm 10 môn Văn. Mình lâu rồi không dạy kèm môn Văn nhưng vẫn cảm thấy khó hiểu”.

Phổ điểm môn Ngữ văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Phổ điểm môn Ngữ văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Một người bạn khác từng là sinh viên khoa Văn băn khoăn: “Điểm 9 môn Văn từng là ước ao của bao nhiêu thế hệ học sinh 8X. Vậy mà giờ đây sao nó nhiều đến thế? Có những lớp gần như toàn điểm 9 và trên 9. Kinh khủng thật! Mình lạc hậu thật rồi”.

Đúng vào ngày các trường đại học công bố điểm chuẩn, một nhà báo nổi tiếng comment trên Facebook trả lời một người bạn: “Tôi và ông sinh thời này thì chỉ có ra chợ đầu mối rau quả đẩy xe hàng”.

Quả thật, mươi năm trở về trước, thi đại học môn Văn được 8 – 9 điểm thuộc diện hiếm, thậm chí có thể thành thủ khoa. Điểm 9, điểm 10 môn Văn, chúng tôi thường xem như đó là điểm của… thầy. Nghĩa là có một cái ngưỡng vô hình như một thử thách để chỉ những học sinh thực sự xuất sắc, vượt trội mới có thể bước qua. Còn bây giờ, 9 điểm môn Văn vẫn có thể trượt đại học như thường.

Phổ điểm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cho thấy, điểm trung bình môn Ngữ văn của cả nước là 7,23; cao hơn nhiều so với mức trung bình của năm ngoái (6,86). Đáng chú ý, học sinh tỉnh Trà Vinh đạt trung bình 8,094 điểm môn Văn, đứng thứ hai trong 63 tỉnh, thành, tăng 49 bậc so với năm ngoái.

Tất nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, cần phải phân biệt đây là điểm thi tốt nghiệp THPT và được dùng để xét tuyển đại học chứ không phải là điểm từ kỳ thi đại học được tổ chức riêng như trước kia nên so sánh sẽ khập khiễng. Mặt khác, học sinh thời nay có điều kiện học hành tốt hơn nên điểm cao cũng dễ hiểu. Nhưng điểm trung bình môn Văn cả nước lên đến 7,23 điểm, cá biệt có địa phương trên 8 điểm rõ ràng cần phải đặt ra những nghi vấn về cách học, cách chấm điểm, cách ra đề?

2. Ngữ văn là môn thi theo hình thức tự luận và có những đặc thù riêng. Chấm điểm Văn rất khó để rạch ròi theo kiểu phân năm rõ mười. Giữa đúng và sai, hay và dở cũng có những khoảng cách, ranh giới “mềm”, là thách thức đối với người chấm thi.

Một bài Văn hay có thể đúng với người này nhưng chưa chắc đã làm hài lòng người khác. Một bài Văn “đúng” chưa chắc đã hay, tùy vào cảm nhận của mỗi người. Nhưng nói như thế không có nghĩa là chấm bài thi Văn như “đẽo cày giữa đường”, tất cả phải dựa trên những tiêu chí khoa học.

Bên cạnh những kiến thức cơ bản, đầy đủ, trình bày mạch lạc, đúng trọng tâm, trọng điểm, học sinh cần phải có những sáng tạo khi làm bài. Sáng tạo trong cách sử dụng ngôn ngữ, phương pháp diễn đạt, các ý tưởng mới. Trên nền đáp áp có sẵn, người chấm còn đỏi hỏi năng lực cảm thụ văn chương, tuyệt đối không được máy móc, áp đặt suy nghĩ của mình đối với các quan điểm khác biệt được trình bày trong bài của thí sinh.

Thậm chí sự khác biệt, cá tính sáng tạo trong bài làm cần phải được khuyến khích để tìm ra những học sinh xuất sắc. Nếu không, nạn văn mẫu, tư duy kiểu mẫu vẫn tiếp tục đeo đẳng trong nhà trường.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Thanh Hóa. Ảnh minh họa

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Thanh Hóa. Ảnh minh họa

3. Điểm thi môn Văn cao liệu có phản ánh đúng chất lượng dạy và học văn trong nhà trường?

Câu hỏi này được đặt ra trong mấy năm trở lại đây, nhất là từ khi kết quả thi tốt nghiệp THPT được dùng để xét tuyển đại học. Đây là vấn đề nghiêm túc và cần phải có các nghiên cứu, đánh giá khách quan, xác đáng. Nhưng cũng vì điểm cao đột biến như thế nên đã có thêm rất nhiều các câu hỏi khác tiếp tục được đặt ra. Rằng điểm cao liệu có phải là cách để các trường phổ thông, các cơ sở đào tạo đại học, xa hơn nữa là ngành giáo dục làm “thương hiệu”? Đó là kết quả thật hay giá trị ảo?

Tại sao điểm đầu vào cao chót vót, sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ngày càng nhiều nhưng năng lực thực sự khi làm việc lại không được các nhà tuyển dụng, sử dụng lao động đánh giá cao? Liệu có hay không căn bệnh thành tích không những không được điều trị tận gốc mà ngày càng nặng thêm?

4. Mấy năm gần đây, vấn đề học Văn, thi Văn đã được nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học bàn luận sôi nổi. Một số chuyên gia cho rằng, việc ra đề chưa có tính phân loại cao hơn, việc chấm thi còn máy móc chấm theo đáp án có sẵn, chưa có những câu hỏi theo kiểu mở toang chân trời tư duy cho học sinh, sẵn sàng chấp nhận những cách làm bài không giống với đáp án nhưng mới mẻ, sáng tạo.

Với cách ra đề và chấm thi như hiện nay, học sinh trình bày đủ ý là có thể đạt điểm giỏi mà không tính đến các yếu tố khác như văn phong, diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ… Học văn thực chất là học tiếng Việt.

Nhiều người cũng lo lắng đặt ra câu hỏi, liệu trong tương lai môn Ngữ văn có chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm? Đến lúc đó, thay vì những bài nghị luận phát huy năng lực tư duy, cảm thụ văn học, người ta sẽ đưa ra những con số khô khốc về số lượng tác phẩm, tên tuổi, thân thế nhà văn để kiểm tra trí nhớ học sinh? Những kiến thức mà thời nay AI và Google có thể làm thay một cách dễ dàng. Đến lúc đó, điểm 9, điểm 10 môn Văn sẽ còn nhiều hơn nữa nhưng văn học rồi sẽ không còn đường chân trời.

Quang Duy

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/diem-10-mon-van-hoc-sinh-gioi-hay-diem-cua-thay-d201094.html