Điểm báo 14/4: Hà Nội quyết tâm hồi sinh các biệt thự cũ
Hà Nội quyết tâm hồi sinh các biệt thự cũ; Cách nào 'gỡ khó' cho đấu giá đất?; Nguy cơ thiếu việc làm gia tăng; Cân nhắc kỹ việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 14/4/2023.
HÀ NỘI QUYẾT TÂM HỒI SINH CÁC BIỆT THỰ CŨ
Vấn đề bảo tồn biệt thự cũ tại Hà Nội đã được đặt ra cách đây nhiều năm nhưng do khó khăn, vướng mắc đến nay mới có một căn biệt thự trong danh sách hàng ngàn căn biệt thự của thành phố được tôn tạo một cách bài bản và quy mô. Để gìn giữ được các công trình kiến trúc quý giá này, Hà Nội vừa ban hành các kế hoạch với những hành động cụ thể, hy vọng tới đây sẽ có thêm nhiều tòa biệt thự cũ trên các tuyến phố Thủ đô được hồi sinh. Thông tin đáng chú ý trên trang nhất báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay.
Trên thực tế quản lý, sử dụng các biệt thự thời gian qua cho thấy, trong quá trình sử dụng, nhiều hộ ở đã lấn chiếm, tự hoạch định diện tích sân, vườn, lối đi chung và xây dựng, cải tạo trái phép, không phép, gây ra tình trạng xuống cấp hoặc biến dạng công trình. Nhà biệt thự do nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nên nhiều trường hợp không có hồ sơ quản lý, không cập nhật về tình trạng biến động, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại.
Theo các chuyên gia, để công tác bảo tồn có kết quả Hà Nội cần xem xét lựa chọn những biệt thự tiêu biểu, có giá trị về nghệ thuật kiến trúc để tu bổ, tôn tạo và bảo tồn. Khi các biệt thự đã được phục hồi nguyên trạng hình thức kiến trúc ban đầu, sẽ giao cho các đơn vị Nhà nước hoặc tư nhân sử dụng vào kinh doanh, du lịch.
Để làm được việc này, phải có quy định hết sức rõ ràng và cơ chế giám sát chặt chẽ; phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời cần có cơ chế để các tổ chức, cá nhân chung tay cùng thành phố bảo tồn biệt thự có giá trị, vì chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ khó thực hiện hiệu quả.
CÁCH NÀO "GỠ KHÓ" CHO ĐẤU GIÁ ĐẤT?
Đấu giá quyền sử dụng đất là nguồn thu chính của nhiều địa phương ngoại thành để đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, công tác đấu giá đất tại nhiều huyện của Hà Nội đang gặp khó khăn. Nguyên nhân chính là do thị trường bất động sản “đóng băng” và một số quy định pháp lý chưa thống nhất… Vậy, đâu là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác đấu giá đất?
Để tháo gỡ khó khăn cho công tác đấu giá đất năm 2023, một số địa phương đề xuất thành phố kiến nghị với Trung ương xem xét điều chỉnh một số chính sách. Cụ thể, một số huyện đề xuất thành phố Hà Nội cho địa phương thu hồi đất theo từng giai đoạn để triển khai đấu giá theo từng phần và không áp dụng chính sách dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các khu đấu giá để đồng bộ về cơ sở hạ tầng và tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Hay như tháo gỡ khó khăn vướng mắc về sự chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong đấu giá đất, hỗ trợ vốn vay để thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu đất đấu giá… Hy vọng với sự vào cuộc của các sở, ngành, công tác đấu giá đất năm 2023 trên địa bàn Hà Nội sẽ có nhiều khả năng đạt được chỉ tiêu đề ra.
NGUY CƠ THIẾU VIỆC LÀM GIA TĂNG
Dù đã bước sang quý II/2023, song theo nhận định của giới chuyên gia, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tác động của khủng hoảng kinh tế, cách mạng công nghệ 4.0..., thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thông tin đáng chú ý trên báo Đại đoàn kết.
Theo thống kê, cả nước có gần 118.000 lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp trong quý IV/2022. Sang quý I/2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng là gần 149.000 lao động bị mất việc. Giới chuyên gia cho rằng, thị trường lao động đang đứng trước 3 thách thức lớn là dịch Covid -19; lạm phát giá nguyên vật liệu tăng; kinh tế suy thoái.
Đề xuất giải pháp để thị trường lao động phục hồi, đại diện Vụ Thống kê dân số và lao động cho rằng cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN và NLĐ; phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho DN. Trong đó, có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các DN thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm. Cùng với đó đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực.
CÂN NHẮC KỸ VIỆC ĐÁNH THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VỚI GAME ONLINE
Trong khi đa phần các nước trên thế giới chưa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online thì Việt Nam đang tính đến việc đưa lĩnh vực này vào diện chịu thuế. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp quan ngại việc này nếu thực hiện sẽ gây ra nhiều hệ lụy tới sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành, đẩy nhiều doanh nghiệp vào khó khăn.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của những đối tượng chịu tác động về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt chủ yếu nhằm mục tiêu điều chỉnh hành vi người tiêu dùng. Game là một lĩnh vực nội dung số. Việc kiểm soát, điều chỉnh hành vi người dùng thì phải liên quan đến điều chỉnh và kiểm soát nội dung.
Các chuyên gia cho rằng, chính sách phải xuất phát từ cuộc sống và gắn với nhu cầu, mong muốn thực tiễn của doanh nghiệp và thị trường. Do đó, cần đánh giá chính xác cơ sở cơ quan thuế đề xuất bổ sung đưa game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, xem việc này thực sự hợp lý chưa khi cơ quan thuế cho rằng đây là mặt hàng có doanh thu lớn và mức lợi nhuận rất cao.
Thực hiện : Ngô Trang
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-144-ha-noi-quyet-tam-hoi-sinh-cac-biet-thu-cu