Điểm báo 17/9: Sau bão lũ cần cắt giảm các thủ tục rườm rà để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Sau bão lũ cần cắt giảm các thủ tục rườm rà để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất; Dự thảo luật chứng khoán sửa đổi cần hài hòa lợi ích để phát triển thị trường; Đánh thuế bất động sản có ngăn giá nhà tăng phi mã?; Gỡ vướng trong thi hành án tín dụng ngân hàng;...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 17/9.

SAU BÃO LŨ CẦN CẮT GIẢM CÁC THỦ TỤC RƯỜM RÀ ĐỂ HỖ TRỢ DN PHỤC HỒI SẢN XUẤT

Bão số 3 (Yagi), siêu bão có sức càn quét kinh hoàng đổ bộ vào Việt Nam, để lại những hậu quả rất nặng nề. Hàng vạn doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng đang hiện hữu. Sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh là yêu cầu cấp bách đang được đặt ra.

Thực tế cho thấy, Sau thiên tai, khó khăn của doanh nghiệp là rất nhiều. Mỗi doanh nghiệp lại có những khó khăn khác nhau. Vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ về tài chính như giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nhóm nợ, thì cần có thêm những chính sách khác về thị trường, vận tải, lao động… để giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Cần giảm bớt những thủ tục hành chính rườm rà trong những trường hợp cấp bách như việc chứng minh thiệt hại, việc xác nhận hồ sơ của nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau. Với những doanh nghiệp ở từng lĩnh vực cụ thể, cần có sự hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế.

DỰ THẢO LUẬT CHỨNG KHOÁN SỬA ĐỔI CẦN HÀI HÒA LỢI ÍCH ĐỂ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi vừa được Bộ Tài chính công bố có nhiều đề xuất mới nhằm bảo vệ nhà đầu tư, chặn các hành vi thao túng và bổ sung thêm quy định minh bạch thị trường. Tuy nhiên, một số đề xuất, theo các chuyên gia là đang “siết” thị trường, chưa phù hợp và có thể tạo ra những “ổ gà”,“ổ vịt” trong phát triển các thị trường vốn.

Cụ thể, các chuyên gia phân tích Trái phiếu là một kênh quan trọng của DN, do đó việc sửa đổi quy định liên quan tới phát hành trái phiếu cần thận trọng, bảo đảm tính ổn định; tránh tình trạng thắt chặt trái phiếu riêng lẻ, gây ra đứt gãy nguồn vốn cho DN. Bên cạnh đó, việc siết chặt các quy định về nhà đầu tư cá nhân có thể khiến thị trường trái phiếu DN bị thu hẹp. Điều này sẽ làm giảm cơ hội huy động vốn của các DN. Thay vì tăng cường các quy định, nên tập trung vào việc nâng cao nhận thức của nhà đầu tư và tăng cường công tác giám sát để hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Chính sách mới cần cụ thể hơn ở những góc độ như: hành vi thao túng dựa trên việc mua đi bán lại những cổ phiếu trong cùng một khoảng thời gian, xuất hiện các giao dịch chéo. Ngoài ra bổ sung thêm các quy định liên quan đến việc các nhà đầu tư chứng khoán bắt buộc phải xác định định danh điện tử thông qua căn cước công dân gắn chip.

ĐÁNH THUẾ BẤT ĐỘNG SẢN CÓ NGĂN GIÁ NHÀ TĂNG PHI MÃ?

Đánh thuế bất động sản được coi là giải pháp ngăn đầu cơ, giúp điều tiết thị trường bất động sản, từ đó khiến giá nhà bình ổn hơn tại các thành phố lớn.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khái niệm đầu cơ và đầu tư tại Việt Nam vẫn chưa được phân định rõ ràng. Hoạt động mua bán, chuyển nhượng không được kiểm soát, là nguyên nhân chính của tình trạng “sốt đất” diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro với thị trường bất động sản. Đánh thuế bất động sản sẽ khiến người dân hạn chế hoặc không còn nhiều động lực đầu cơ, kiềm chế đà tăng giá nhà đất. Bởi cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác, việc sở hữu bất động sản đầu cơ trở nên rủi ro hơn. Để sử dụng hiệu quả và minh bạch công cụ thuế, cơ quan quản lý Nhà nước thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản Việt Nam. Để làm căn cứ xác định đâu là ngôi nhà thứ 2, 3... và giá trị của bất động sản áp thuế. Điều này đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ và nguồn nhân lực.

GỠ VƯỚNG TRONG THI HÀNH ÁN TÍN DỤNG NGÂN HÀNG

Việc thi hành án tín dụng ngân hàng đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến khả năng thi hành bản án bị hạn chế, hiệu quả thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này đòi hỏi cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách thi hành án dân sự cũng như sự chung tay từ các bộ, ngành, đơn vị liên quan.

Từ trước đến nay, giá trị các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng chưa khi nào dưới 50%, có thời điểm lên đến 60% giá trị các vụ việc mà Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện. Dù công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các tổ chức tín dụng đã có chuyển biến tích cực, nhưng việc thi hành án tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến khả năng thi hành bản án bị hạn chế, hiệu quả thu hồi nợ của tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu. Có nhiều nguyên nhân, song Nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn mà các tổ chức tín dụng đang gặp phải là quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa rõ ràng, và cụ thể.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-bao-17-9-sau-bao-lu-can-cat-giam-cac-thu-tuc-ruom-ra-de-ho-tro-doanh-nghiep-phuc-hoi-san-xuat-236276.htm