Điểm báo 23/10: Cần giải pháp đồng bộ để quản lý giá thuốc, tránh gánh nặng thủ tục cho địa phương

Cần giải pháp đồng bộ để quản lý giá thuốc, tránh gánh nặng thủ tục cho địa phương; Công khai quy hoạch chưa minh bạch tạo cơ hội đầu cơ đất đai; Nhiều hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật; Mở rộng khái niệm trong dự thảo luật để xử lý hiệu quả tội phạm mua bán người;...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 23/10.

CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ ĐỂ QUẢN LÝ GIÁ THUỐC, TRÁNH GÁNH NẶNG THỦ TỤC CHO ĐỊA PHƯƠNG

Liên quan đến Luật Dược, sự cần thiết phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, theo đó đây cũng là nội dung được thảo luận sôi nổi tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15.

Điều 112 Dự thảo luật sửa đổi, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định về quản lý giá thuốc. Điều này sẽ tạo thêm áp lực cho chính quyền địa phương, đồng thời tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược. Theo ý kiến của một số đại biểu Khi quản lý về chuyên môn thì cần phân biệt các loại thuốc kê đơn và không kê đơn, nhưng khi quản lý về giá thì cần phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc. Do vậy, đề xuất quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện, đồng thời chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc. Bởi lẽ, tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.

CÔNG KHAI QUY HOẠCH CHƯA MINH BẠCH TẠO CƠ HỘI ĐẦU CƠ ĐẤT ĐAI

Liên quan đến triển khai Luật Đất đai 2024 sau hai tháng luật được thi hành. Hiện các chính sách mới của luật đã mang lại hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn tồn đọng một số vướng mắc như công tác đấu giá đất và điều chỉnh bảng giá đất.

Theo bài viết, tại một số địa phương đấu giá quyền sử dụng đất có tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá. Nguyên nhân là do việc lập, công khai quy hoạch khu vực phát triển nhà ở chưa bài bản, công khai, minh bạch, khiến các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai. Một số đối tượng tham gia đấu giá không có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ, thao túng giá, hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh. Vì vậy, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tổ chức thực hiện để hạn chế bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024.

NHIỀU HỆ THỐNG THÔNG TIN CÒN LỖ HỔNG BẢO MẬT

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn một số tồn tại như hệ thống thông tin còn lỗ hổng bảo mật. Đây là nội dung đáng chú ý trong dự án Luật Dữ liệu tại kỳ họp thứ 8, QH khóa 15.

Ở nhiều quốc gia, quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu giúp tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: một số bộ, ngành không có hoặc có nhưng chưa đầy đủ hạ tầng; dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh an toàn thông tin,… Do đó, Việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu là vô cùng quan trọng, nhằm mục đích tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Điều này cũng nhằm phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế - xã hội và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

MỞ RỘNG KHÁI NIỆM TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐỂ XỬ LÝ HIỆU QUẢ TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI

Khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã mở rộng hơn một số nội dung, trong đó có nội dung người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ cần yếu tố hành vi và mục đích là đã bị coi là mua bán người và như vậy, họ cũng được bảo vệ như người dưới 16 tuổi...

Với khái niệm “mua bán người” được quy định rộng hơn so với quy định của Bộ luật Hình sự sẽ làm cơ sở để hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự nhằm xử lý hiệu quả hơn loại tội phạm này và nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về phòng chống mua bán người. Đồng thời để bảo đảm tính nghiêm minh và tăng cường công tác phòng ngừa, khái niệm “mua bán người” trong dự thảo Luật còn có nội dung rộng hơn quy định của một số điều ước quốc tế, như: bổ sung mục đích vô nhân đạo khác, thủ đoạn khác. Một số ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” vào khái niệm mua bán người tại khoản 1 Điều 2 làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-bao-23-10-can-giai-phap-dong-bo-de-quan-ly-gia-thuoc-tranh-ganh-nang-thu-tuc-cho-dia-phuong-240481.htm