Điểm báo 29/11: Học thêm - bỏ tiền, bỏ sức để đổi sự yên tâm?
Học thêm - bỏ tiền, bỏ sức để đổi sự yên tâm?; Hà Nội: Cần biện pháp mạnh ngăn học sinh vi phạm giao thông; Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội: Cần mở rộng đối tượng cho vay; Giảm năm đóng bảo hiểm thì phải chấp nhận mức lương hưu thấp;... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng ngày 29/11.
HỌC THÊM - BỎ TIỀN, BỎ SỨC ĐỂ ĐỔI SỰ YÊN TÂM?
Có thể kể được hàng trăm lý do của việc phụ huynh cho con đi học thêm sau giờ chính khóa nhưng nguyên nhân nào cũng vẫn hướng về mục đích cao nhất, đó là sự yên tâm cho học sinh và phụ huynh. Thông tin đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng 29/11.
Nhiều phụ huynh bày tỏ, đi học nhà cô chủ nhiệm hay nhà cô giáo dạy bộ môn ở lớp, nguyên nhân chính không phải là để học, để củng cố, hiểu sâu kiến thức mà đa phần đều vì lý do khác, đó là để yên ổn cho con và yên tâm cho bố mẹ. Điều này có vẻ mơ hồ nhưng ít bố mẹ nào dám... tự tin không cho con đi học lớp cô chủ nhiệm dù biết hiệu quả thu về không đáng là bao nhiêu.
Nhiều phụ huynh cho hay, họ không muốn tính cụ thể số tiền con học thêm hằng tháng hết bao nhiêu vì nếu chi li ra thì rất sốt ruột. Dù đi học thêm vì nguyên nhân gì và hướng đến mục tiêu nào thì mặc nhiên, phụ huynh, học sinh đều coi học thêm là chuyện bình thường, là điều tất yếu. Và có một điểm chung nữa là mỗi buổi tối từ lớp học thêm trở về nhà, trừ thời gian vệ sinh cá nhân, ăn uống thì mỗi học sinh còn rất ít thời gian chuẩn bị bài vở hoặc thường đi ngủ rất muộn. Chính bởi thế, áp lực học tập qua mỗi ngày càng tăng lên...
HÀ NỘI: CẦN BIỆN PHÁP MẠNH NGĂN HỌC SINH VI PHẠM GIAO THÔNG
Chỉ trong 10 tháng năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 64.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT. Trong đó, các lỗi vi phạm chủ yếu là chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; không đội mũ bảo hiểm; không có giấy phép lái xe.
Quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức từ chính phụ huynh và các em học sinh. Nếu phụ huynh không giao xe có dung tích xi-lanh vượt quá quy định cho con em mình, không cho con điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và giám sát việc con đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông... chắc chắn những vi phạm về an toàn giao thông sẽ giảm đáng kể.
Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các học sinh, sinh viên vi phạm, CSGT cần gửi thông báo về nhà trường để có hình thức giáo dục, kỷ luật. Theo Nghị định số 100/2019, người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội mũ bảo hiểm, có đội nhưng không cài quai đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 200.000-300.000 đồng.
GÓI TÍN DỤNG 120.000 TỶ ĐỒNG PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI: CẦN MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG CHO VAY
Gói 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở công nhân là gói tín dụng do 4 ngân hàng thương mại nhà nước tự nguyện tham gia để thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân cũng như người có thu nhập thấp.
Các chuyên gia nhận định Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng hơn các đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này, bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/ năm và có ưu tiên cho “người mua căn nhà đầu tiên”.
Phát triển NOXH đang vướng quá nhiều điều kiện, thủ tục do đó cần thay đổi quan điểm, tập trung đẩy mạnh nhà ở giá rẻ thay vì phát triển NOXH. Muốn vậy, không nên khống chế giá, khống chế tỷ lệ lợi nhuận với nhà ở giá rẻ. Đặc biệt, không bắt DN phải chịu trách nhiệm về đối tượng mua nhà. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ NOXH cần được điều chỉnh với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết, giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính như tình trạng chỗ ở, mức thu nhập.
GIẢM NĂM ĐÓNG BẢO HIỂM THÌ PHẢI CHẤP NHẬN MỨC LƯƠNG HƯU THẤP
Với số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hạ xuống còn 15 năm, dự kiến nhiều lao động sẽ có cơ hội tiếp cận lương hưu, song cũng phải chấp nhận thực tế là thời gian đóng ngắn thì mức lương hưu sẽ giảm đi, thậm chí rất thấp. Vì thế, vẫn cần khuyến khích người lao động tham gia đóng với thời gian dài để có lương hưu cao...
Trước đây, người lao động phải đóng đủ tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu. Trong bối cảnh hiện nay, với tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao thì rõ ràng cơ hội để lao động tích lũy được 20 năm đóng tiếp theo là rất khó khăn.
Với số năm đóng bảo hiểm xã hội giảm xuống sẽ tạo cơ hội cho nhiều người lao động được tiếp cận lương hưu, song cũng phải chấp nhận thực tế là thời gian đóng ngắn thì mức lương hưu sẽ giảm đi, thậm chí rất thấp. Vì thế, vẫn cần khuyến khích người lao động tham gia đóng với thời gian dài hơn. Luật hiện hành quy định, để hưởng tỷ lệ lương hưu tối đa 75% thì lao động nam phải đóng đủ 35 năm bảo hiểm xã hội, với nữ là 30 năm. Vì thế, nhiều người không thể chờ được thời gian đóng để hưởng tối đa, và chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.