Điểm báo 29/11: Luật hóa dạy thêm

Luật hóa dạy thêm; Quản lý tiền điện tử: Hoàn thiện khung pháp lý thay vì né tránh; Cần chính sách hỗ trợ thuế, phí, lãi suất cho các sản phẩm, dịch vụ 'xanh'; Giá bất động sản còn tiếp tục tăng cao, doanh nghiệp cũng sụp đổ... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 29/11.

LUẬT HÓA DẠY THÊM

Một lần nữa, dạy thêm được đề cập trên nghị trường Quốc hội, khi các đại biểu thảo luận về Luật Nhà giáo. Lần này, câu chuyện không tập trung vào việc cấm hay không mà hướng tới yêu cầu dự thảo Luật Nhà giáo cần có cơ chế quản lý về dạy thêm.

Dạy thêm không xấu. Thực tế có trường hợp học sinh bị “phân biệt đối xử” nếu không học thêm với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy; có giáo viên tổ chức dạy vào những khung giờ gây mệt mỏi cho học sinh; có người cắt giảm nội dung chính khóa để đưa vào dạy thêm hay dạy trước chương trình... Dạy thêm mang lại thu nhập nhưng đa số giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, dạy tại nhà không đóng thuế thu nhập cá nhân. Do vậy, theo các chuyên gia, hợp pháp hóa dạy thêm là chủ trương đúng vì xã hội có nhu cầu, quan trọng là cần có một cơ chế quản lý sát sao và phù hợp hơn. Quy định rõ quản lý dạy thêm trong Luật Nhà giáo là cần thiết, không chỉ mang lại hiệu lực pháp lý cao hơn, mà còn đồng thời gắn với trách nhiệm, đạo đức nhà giáo mang tính luật định.

QUẢN LÝ TIỀN ĐIỆN TỬ: HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ THAY VÌ NÉ TRÁNH

Tiền điện tử, như Bitcoin không còn là khái niệm xa lạ ở Việt Nam. Quản lý tiền điện tử là bước đi cần thiết, quan trọng trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và tài sản kỹ thuật số hiện nay.

Nhiều giao dịch tiền ảo vẫn được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng. Đây là các giao dịch đáng ngờ cần được báo cáo, song do chưa có hành lang pháp lý, nên các giao dịch này là thỏa thuận dân sự, ngân hàng hiện không thể can thiệp. Giám sát, quản lý tiền mã hóa là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Muốn quản lý được dòng tiền này thì trước hết phải có khung khổ pháp lý. Xây dựng chính sách quản lý về tài sản ảo, tiền ảo là rất cấp thiết, chú trọng vào các vấn đề như: Công nhận tài sản ảo, tiền ảo; xây dựng chính sách thuế với tài sản ảo, tiền ảo; ngăn chặn rửa tiền thông qua tiền ảo, tài sản ảo; bảo đảm an toàn thông tin và dữ liệu cá nhân khi giao dịch tài sản ảo, tiền ảo...

CẦN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THUẾ, PHÍ, LÃI SUẤT CHO CÁC SẢN PHẨM, DỊCH VỤ "XANH"

Các chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam không chuyển sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp sẽ không đáp ứng được yêu cầu về thương mại và kinh tế toàn cầu. Để phát triển nền kinh tế xanh, cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển KT-XH, có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các sản phẩm, dịch vụ "xanh".

Nếu Việt Nam không chuyển sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp sẽ không đáp ứng được yêu cầu về thương mại và kinh tế toàn cầu. Cần thiết kế hệ sinh thái bao gồm áp dụng kinh tế tuần hoàn để chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, đưa nền kinh tế tuần hoàn vào trong chiến lược khí hậu của Việt Nam, giảm sử dụng nguyên nhiên vật liệu, tăng cường kết nối với thị trường toàn cầu. Đặc biệt, Nhà nước cần sớm ban hành chính sách định hướng thay đổi hành vi, nhất là tiêu dùng, sinh hoạt… đầu tư “xanh” như năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng...., khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ tài chính như thuế, phí, lãi suất, gồm cả chi phí xác nhận xanh, nếu có… cho các sản phẩm, dịch vụ “xanh”.

GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN CÒN TIẾP TỤC TĂNG CAO, DOANH NGHIỆP CŨNG SỤP ĐỔ

Nếu không có các biện pháp điều tiết hợp lý thì tình trạng giá nhà liên tục tăng sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm các vấn đề của thị trường bất động sản, tạo áp lực nặng nề lên các cơ quan quản lý Nhà nước, người dân có nhu cầu nhà ở và cả doanh nghiệp bất động sản…

Một trong những nguyên nhân chính khiến giá bất động sản tăng cao là do phương pháp định giá đất hiện nay. Có những dự án chỉ chênh 6 tháng về thời điểm định giá, giá đất đã cao gấp đôi. Trong khi đó, giá đất hiện đang chiếm tới 40% giá thành sản phẩm bất động sản.

Bên cạnh đó, nhiều dự án đã hoàn thiện nhưng chưa được định giá đất, nên chưa được mở bán ra thị trường. Nhiều dự án do “tắc” định giá đất, khiến chậm trễ trong khâu đầu tư xây dựng. Nghiêm trọng hơn, định giá đất cao khiến giá thành bất động sản tại Việt Nam đang cao hơn so với khu vực. Nếu không có sự can thiệp kịp thời từ phía các cơ quan chức năng và hệ thống luật pháp, giá bất động sản có thể tiếp tục “leo thang” mà không có điểm dừng. Đến khi giá cả vượt quá mức chấp nhận của thị trường, không còn ai có khả năng mua, các doanh
nghiệp bất động sản có thể phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-bao-29-11-luat-hoa-day-them-244552.htm