Điểm báo 3/11: Giành lại vỉa hè cho người đi bộ lại rơi vào cảnh 'ném đá ao bèo'?
Nền tảng tài chính vững mạnh góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn; Tránh gây sốc về chính sách khiến người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần; Giành lại vỉa hè cho người đi bộ lại rơi vào cảnh 'ném đá ao bèo'?; Điều hành linh hoạt, xuất khẩu gạo thắng lớn...là những tin có trong điểm báo sáng 3/11.
NỀN TẢNG TÀI CHÍNH VỮNG MẠNH GÓP PHẦN ĐƯA ĐẤT NƯỚC VƯỢT QUA KHÓ KHĂN
Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam trích dẫn ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trong phiên giải trình tại Quốc hội về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán NSNN năm 2024...
Trong 3 năm qua, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ, trình Quốc hội giảm nhiều loại thuế, tiền thuế đất. Theo đó, năm 2021 đã giảm được 132.400 tỷ đồng, năm 2022 giảm 233.000 tỷ đồng và năm nay dự kiến giảm khoảng 200.000 tỷ đồng. Nêu rõ đây là một nỗ lực rất lớn, Bộ trưởng cho biết sau khi giảm thuế vẫn phải đảm bảo cán cân tài khóa. Ngoài ra, về dự toán ngân sách năm 2023, đến ngày 30/10 thu ngân sách đã đạt 85%, tương đương 1.366.000 tỷ đồng.
TRÁNH GÂY SỐC VỀ CHÍNH SÁCH KHIẾN NGƯỜI LAO ĐỘNG Ồ ẠT RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN
Trên báo Lao động có bài viết nêu quan điểm của Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn khi cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cho rằng cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động.Theo đó, các phương án mà dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang thể hiện cơ bản hướng đến việc hạn chế người lao động hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để họ đảm bảo duy trì cuộc sống, như: Tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động. Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật...Ngoài ra, cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần.
GIÀNH LẠI VỈA HÈ CHO NGƯỜI ĐI BỘ LẠI RƠI VÀO CẢNH “NÉM ĐÁ AO BÈO”?
Theo bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị, đến thời điểm này, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, dừng đỗ phương tiện lại tái diễn tại nhiều khu vực. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị đánh giá, từ năm 2014 đến nay, Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè...Thế nhưng, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác trôi qua, chỉ được một thời gian, công tác quản lý trật tự đô thị lại rơi vào cảnh “ném đá ao bèo”. Do đó, nếu không có những biện pháp đủ mạnh, đúng và trúng thì mục tiêu giành lại vỉa hè cho người đi bộ tại Hà Nội còn cả chặng đường dài.
ĐIỀU HÀNH LINH HOẠT, XUẤT KHẨU GẠO THẮNG LỚN
Chủ trương tăng thêm 50.000ha lúa thu đông để tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo của Bộ NNPTNT đã mang lại cho nông dân một vụ mùa thắng lợi nhất trong lịch sử, trong khi xuất khẩu gạo cũng xác lập kỷ lục mới.
Theo bài viết trên báo Nông thôn ngày nay, với mức giá gạo xuất khẩu cao như hiện nay, 10 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 3,97 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước tín hiệu thị trường, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khá cao, 9 tháng năm 2023 đạt bình quân 553 USD/tấn, cao hơn bình quân của Thái Lan, Ấn Độ...Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã linh hoạt trong việc tổ chức vụ lúa hè thu, thu đông, chủ động tăng diện tích lúa thu đông ở những nơi đủ điều kiện canh tác. Cộng với việc số lượng giống lúa năng suất, chất lượng cao chiếm tới 85 - 90% đã tạo cơ sở cho việc chỉ đạo sản xuất, tạo ra sản lượng lúa gạo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.