'Điểm chạm' để tìm về nghệ thuật truyền thống
Hiếu Văn Ngư ra đời bởi nhóm bạn trẻ kết nối với nhau bằng niềm yêu thích, muốn khơi nét đẹp của nghệ thuật truyền thống. Điều phối viên dự án LỤC PHẠM QUỲNH NHI chia sẻ mỗi ngày trôi qua các thành viên đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi có thêm người đón nhận và tìm hiểu về di sản cha ông.
Sáng tạo, ứng dụng và kết nối
- Quỳnh Nhi có thể chia sẻ thêm về Hiếu Văn Ngư?
- Hiếu Văn Ngư ở đây hiểu đơn giản là con cá ham hóng chuyện, ham tìm hiểu về văn hóa. Được thành lập từ năm 2020, nhóm có 8 thành viên đều là thế hệ 9X hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, nghệ thuật, truyền thông, có người ở Thành phố Hồ Chí Minh, có người đang ở nước ngoài... Tất cả cùng chung mong muốn khơi nét đẹp của nghệ thuật Việt Nam thông qua chuyện kể, workshop, khóa nhập môn thưởng thức và các sản phẩm ứng dụng…, như một sự dẫn lối đưa đường cho những ai muốn tìm hiểu.
- Các hoạt động trên hành trình tìm về nghệ thuật truyền thống những năm qua của Hiếu Văn Ngư như thế nào?
- Tới giờ, nhóm đã thành công giới thiệu đến mọi người dự án Hát bội 101, đưa những nghiên cứu hàn lâm thành một phiên bản mà công chúng có thể dễ dàng tiếp cận. Với chủ đề Mô hình nhân vật trong nghệ thuật hát bội Việt Nam, Hiếu Văn Ngư đã chọn 15 kiểu nhân vật điển hình để mô tả về hóa trang, kỹ thuật diễn xuất; lưu trữ bằng những bức ảnh, thước phim và đưa lên nền tảng ichLinks (nền tảng trực tuyến lưu trữ khối lượng lớn thông tin về di sản văn hóa phi vật thể được chia sẻ giữa các nước thành viên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
Tiếp đến, Hiếu Văn Ngư tập trung lưu trữ và thực hiện các chiến dịch truyền thông về các loại hình diễn xướng Nam Bộ như hát bội, dân ca hướng đến khán giả trẻ với Phong hoa ca vịnh 3 hợp phần: Lưu trữ, truyền dạy và ứng dụng. Cái tên này lấy từ câu thơ trong bài Phú Gia Định: Chốn chốn phong hoa ca vịnh/Nhà nhà lịch sự vui chơi. Lớp học được triển khai với 30 học viên, cùng tìm hiểu, vận dụng sáng tạo các câu hò, điệu lý, lời ru chuyên chở điệu hồn, thanh âm của dân tộc. Sau thành công của hai hợp phần đầu tiên, tháng 5 vừa qua, nhóm đã tổ chức các hoạt động tiếp xúc, thực hành, sáng tác và trình diễn di sản. Thông qua dự án, nhóm mong muốn đưa những câu hò, điệu lý trở lại với nhịp sống vội vã, hiện đại ngày nay.
- Nhóm làm việc với di sản nghệ thuật dựa trên nguyên tắc nào?
- Hiếu Văn Ngư luôn làm việc với sự có mặt của các nhà nghiên cứu và người thực hành di sản. Ngay từ khi bắt đầu lên ý tưởng, nhóm đều tham vấn tất cả các bên, đồng thời, để họ tham gia lên kế hoạch thực hiện dự án. Mục tiêu của Hiếu Văn Ngư không chỉ là bảo tồn, đào sâu nghiên cứu mà còn là tư duy về ứng dụng văn hóa, nâng cao khả năng sáng tạo, ứng dụng và kết nối với truyền thống. Các thành viên cùng soi chiếu chất liệu truyền thống ở nhiều góc độ khác nhau, dựa trên chuyên môn và niềm yêu thích riêng. Ví dụ, với dự án Hát bội 101, cảm hứng diễn giải tuồng đến từ việc cả nhóm đi xem hát và có một số bạn cần nghe nhà nghiên cứu - cũng là thành viên nhóm - tóm tắt cốt truyện mới xem được. Vậy là chuỗi nội dung Hát bội 101 ra đời, để bóc tách những thứ có vẻ bí ẩn này.
Để di sản được thực hành
- Làm việc với truyền thống, chọn những giá trị nghệ thuật cổ truyền vốn được nhiều người cho là khó nhằn, điều gì khiến nhóm tự tin hướng đi của mình sẽ tác động đến công chúng nhất là các bạn trẻ cùng yêu thích, đào sâu tìm hiểu?
- Nhóm tin rằng mình chính là điểm chạm, là cầu nối cho những ai chưa tiếp xúc, tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống, vô tình lướt qua hay theo dõi Hiếu Văn Ngư sẽ thấy nghệ thuật truyền thống thật thú vị. Chỉ cần thêm một khán giả, thêm một người cảm thấy yêu thích nghệ thuật truyền thống, từ đó lan tỏa ra đã là thành công rồi. Ví dụ, dự án Phong hoa ca vịnh chỉ gói gọn trong hơn 30 thành viên tham gia lớp sáng tác. Trong số đó, chỉ khoảng một nửa cho ra được tác phẩm đã là đáng mừng. Nhóm xác định cứ làm việc một cách bền bỉ, mang lại tác động có tính chất cá nhân nhưng chính những cá nhân đó sẽ là người tiếp tục thúc đẩy di sản truyền thống. Vì mục đích chính vẫn là làm sao để di sản được thực hành trong đời thực.
- Khi làm các dự án gắn với di sản, bản thân Quỳnh Nhi và các thành viên của Hiếu Văn Ngư thấy mình nhận được gì?
- Tiếp xúc với di sản nghệ thuật mỗi ngày, tất cả thấy mình “giàu” thêm về vốn văn hóa, và quan trọng hơn, mỗi ngày thức dậy mình đều biết tại sao thức dậy và mình sẽ làm gì tiếp theo cho di sản đó.
- Ngược lại, bạn có kỳ vọng gì ở các bạn trẻ đối với âm nhạc cổ?
- Tất cả những việc theo đuổi văn hóa hay âm nhạc truyền thống là chúng tôi làm cho mình, vì mình thích chứ chưa bao giờ nghĩ áp sự kỳ vọng lên người khác. Tuy nhiên, tôi cho rằng người Việt Nam khi hiểu về bản sắc của mình thì sẽ rất vững vàng khi ra nước ngoài. Điều này đến từ trải nghiệm của chính Nhi khi qua các nước như Canada, Trung Quốc… và nhận thấy nếu hiểu biết về văn hóa Việt Nam thì có thể đối đáp, trò chuyện, hòa nhập và vững chân nơi xứ người.
- Như bạn nói mục đích chính của nhóm là để di sản được thực hành. Điều này có giá trị như thế nào đối với sức sống của nghệ thuật truyền thống?
- Nhóm xem việc lưu trữ là một phần của tiến trình nhưng chú trọng nhất là thực hành. Đó là lý do Phong hoa ca vịnh bắt đầu bằng hoạt động online nhưng đến giai đoạn truyền dạy và ứng dụng, tất cả đều làm việc trực tiếp. Bởi vì đối với nghệ thuật truyền thống có những tương tác thực tế mà công nghệ không thể thay thế.
Trong dự án có một chị tham gia lớp sáng tác, mục đích là có thể học, ứng tác để hát cho con nghe bằng chính câu hát do mình sáng tác. Rất nhiều người đến với dự án bởi vì hồi nhỏ đã được nghe bà, mẹ, anh, chị hát ru. Câu chuyện đó đủ để thấy vì sao việc thực hành quan trọng. Chỉ cần một đứa trẻ được lớn lên bằng lời ru, sau này câu ru sẽ vẫn tiếp tục được sống ở nhiều dạng khác nhau, di sản đó sẽ còn nối dài. Bởi vậy mới nói, chính chúng ta - những con người của thế hệ hôm nay đang nắm trong tay quyết định truyền thống sẽ đi đến đâu.
- Cảm ơn Quỳnh Nhi!