Điểm chuẩn lớp 10 ở Hà Nội phân hóa, áp lực kỳ thi chưa giảm

Điểm chuẩn vào lớp 10 công lập tại Hà Nội năm học 2025-2026 ghi nhận xu hướng giảm ở nhiều trường, song không hẳn là dấu hiệu cho thấy áp lực kỳ thi giảm.

Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội vẫn là thử thách lớn với nhiều học sinh. Ảnh: Lê Nguyễn

Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội vẫn là thử thách lớn với nhiều học sinh. Ảnh: Lê Nguyễn

Sự phân hóa điểm chuẩn giữa các trường, cùng với những thay đổi về cách tính điểm, chương trình học và cơ cấu chỉ tiêu cùng sự phân bố của mạng lưới trường công lập khiến kỳ thi vào lớp 10 ở Thủ đô vẫn là thử thách lớn với học sinh.

Điểm đầu vào chênh lệch lớn

Theo bảng điểm chuẩn vào lớp 10 trường trung học phổ thông công lập năm học 2025-2026 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố, trong số 115 trường công lập không chuyên, có hơn 90 trường điểm chuẩn giảm so với năm học trước.

Mức giảm dao động từ 0,3 đến 8,4 điểm tùy trường, trong đó giảm nhiều nhất là Trường Trung học phổ thông Thọ Xuân, với tổng điểm đầu vào chỉ còn 10 điểm – tương đương trung bình 3,33 điểm/môn – trong khi năm trước là 30,75 điểm.

Các trường trung học phổ thông như Ứng Hòa A, Phúc Lợi, Thạch Bàn… cũng giảm trên 4 điểm. Nhiều trường nhóm giữa như Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan hay Vạn Xuân giảm từ 2 đến 3 điểm.

Ngược lại, một số trường có điểm chuẩn tăng so với năm trước. Đáng chú ý nhất là Trường Trung học phổ thông Đoàn Kết tăng 6,51 điểm – tức tăng trung bình 2,17 điểm/môn. Các trường Phan Đình Phùng, Kim Liên, Ngô Thì Nhậm cũng tăng nhẹ từ 0,3 đến 0,7 điểm.

Điểm nhấn quan trọng nằm ở sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm trường. Điểm chuẩn cao nhất là 25,5 điểm (trung bình 8,5 điểm/môn), thuộc về các trường trung học phổ thông Kim Liên và Lê Quý Đôn - Hà Đông. Trong khi đó, nhóm trường có điểm chuẩn thấp nhất chỉ là 10 điểm. Như vậy, chênh lệch giữa trường cao nhất và thấp nhất lên tới 15,5 điểm – mức giãn cách lớn nhất nhiều năm qua.

Trong nhóm 11 trường có điểm chuẩn dưới 13,5 điểm, phần lớn thuộc khu vực ngoại thành. Có tới 28 trường lấy điểm chuẩn dưới mức trung bình (dưới 15 điểm), cho thấy cơ hội vào lớp 10 công lập đã mở rộng, nhưng cũng đặt ra bài toán về sự chênh lệch chất lượng đầu vào giữa các trường.

Ở chiều ngược lại, để trúng tuyển vào nhóm 11 trường tốp đầu (điểm từ 23,75 trở lên), thí sinh phải đạt trung bình gần 8 điểm mỗi môn. Các trường như Yên Hòa, Việt Đức, Phan Đình Phùng, Nguyễn Gia Thiều… vẫn giữ vị trí trong nhóm dẫn đầu.

Đáng chú ý, một số trường vẫn yêu cầu điểm rất cao, thí sinh đạt 8 điểm/môn cũng có thể trượt nguyện vọng 1. Điều này cho thấy, dù điểm chuẩn chung có xu hướng giảm, việc cạnh tranh vào lớp 10 công lập – đặc biệt ở các trường nội thành tốp trên – vẫn rất căng thẳng.

Điểm chuẩn giảm không đồng nghĩa với giảm áp lực

Việc điểm chuẩn giảm ở nhiều trường khiến không ít phụ huynh, học sinh lo ngại về chất lượng dạy học bậc trung học cơ sở.

Ba bài thi vào lớp 10 công lập của Hà Nội đều tính hệ số 1- đây là điểm mới của kỳ thi năm nay. Ảnh: Lê Nguyễn

Ba bài thi vào lớp 10 công lập của Hà Nội đều tính hệ số 1- đây là điểm mới của kỳ thi năm nay. Ảnh: Lê Nguyễn

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điểm chuẩn đầu vào không phản ánh trực tiếp và đầy đủ chất lượng dạy học mà chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan, nhất là trong năm học 2025-2026 – năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội được thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ nhất, cách tính điểm xét tuyển năm nay đã thay đổi. Thay vì nhân đôi điểm toán và ngữ văn như các năm trước, Hà Nội áp dụng công thức điểm xét tuyển = điểm toán + điểm ngữ văn + điểm ngoại ngữ + điểm ưu tiên (nếu có) + điểm khuyến khích (nếu có), tất cả đều tính hệ số 1. Việc này kéo tổng điểm tối đa từ 50 xuống còn 30, nên điểm chuẩn giảm là điều dễ hiểu.

Thứ hai, đề thi năm nay thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, gắn với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Đề thi có độ phân hóa vừa phải, giúp học sinh trung bình làm bài tốt hơn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến phổ điểm “dịu” hơn, góp phần giảm điểm chuẩn ở nhiều trường.

Thứ ba, học sinh năm nay là lứa đầu tiên học hoàn toàn theo Chương trình giáo dục 2018, với nhiều đổi mới về phương pháp học, kiểm tra và chuẩn đầu ra. Do đó, biến động điểm số không hẳn phản ánh chất lượng dạy học, mà phản ánh quá trình chuyển đổi của hệ thống giáo dục.

Ngoài ra, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh tăng mạnh cũng ảnh hưởng. Năm nay, hệ thống các trường trung học phổ thông công lập không chuyên Hà Nội có gần 76.000 chỉ tiêu, tăng gần 5.000 chỉ tiêu so với năm trước. Một số trường trung học phổ thông như Lý Thường Kiệt, Đa Phúc, Thường Tín… được giao tăng chỉ tiêu, làm giảm tỷ lệ chọi, kéo điểm chuẩn hạ.

Thực tế, dù điểm chuẩn giảm, tuyển sinh lớp 10 Hà Nội vẫn là đề tài nóng nhiều năm nay. Việc chỉ được đăng ký 3 nguyện vọng – trong đó nguyện vọng 2 và 3 phải cộng thêm 1-2 điểm để xét – khiến phần lớn thí sinh chỉ có một cơ hội “thực sự” để vào trường mong muốn. Vì vậy, khoảng thời gian chờ điểm chuẩn với hầu hết gia đình thí sinh vẫn là áp lực.

Với những thay đổi về chính sách, công thức tính điểm và xu hướng giáo dục hiện đại, kỳ tuyển sinh lớp 10 Hà Nội đang dần chuyển mình. Tuy nhiên, sự phân bố chỉ tiêu, mạng lưới trường học và chất lượng dạy học vẫn còn khoảng cách giữa các khu vực. Đây là nguyên nhân khiến áp lực thi vào lớp 10 khó thể giảm trong thời gian ngắn.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/diem-chuan-lop-10-o-ha-noi-phan-hoa-ap-luc-ky-thi-chua-giam-708184.html