Điểm chuẩn xét tuyển đại học nhiều ngành phân hóa sâu
Mùa tuyển sinh năm 2023 đang bước vào giai đoạn kết thúc. Các trường đại học đã công bố điểm chuẩn xét tuyển. Nhìn vào bối cảnh chung của những mùa tuyển sinh gần đây có thể thấy, đa phần học sinh có xu hướng lựa chọn các ngành nghề đang 'hot' nên điểm chuẩn luôn rất cao. Trong khi những ngành nghề khác, điểm chuẩn không mấy dao động so với những năm trước đây. Tuy nhiên, những thí sinh (TS) chưa trúng tuyển cũng không nên quá lo lắng, vì các trường đại học còn rất nhiều đợt xét tuyển trong thời gian tới.
ĐIỂM CHUẨN NGÀNH CAO, NGÀNH THẤP
Nhiều trường đại học đã chính thức công bố điểm chuẩn năm 2023. Qua thống kê cho thấy, điểm chuẩn ở hầu hết các ngành không mấy dao động, thậm chí giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, ở một số ngành điểm chuẩn tăng rất cao. Ở nhóm ngành Khoa học tự nhiên điểm chuẩn dao động từ 22 đến 26 điểm; các ngành Khoa học xã hội có điểm chuẩn từ 23 đến 25 điểm, đặc biệt có ngành gần 28 điểm. Ở nhóm ngành Sư phạm điểm chuẩn khá cao, nhiều ngành có điểm chuẩn trên 28 điểm.
Nhận định điểm chuẩn trong mùa xét tuyển năm nay, nhiều cán bộ quản lý ở bậc THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho rằng, điểm chuẩn ở nhiều ngành đã có sự chênh lệch sâu, điểm chuẩn nhiều ngành tăng, trong khi có nhiều ngành giảm. Nguyên nhân của vấn đề này là do đề thi tốt nghiệp THPT năm nay có sự phân hóa sâu sắc ở hầu hết tất cả các khối, số lượng TS đạt điểm cao ở các môn thi đã giảm so với các năm trước. Bên cạnh phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT thì nhiều trường đã áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất là phương thức xét tuyển học bạ. Ngoài ra, điểm chuẩn năm nay phân hóa sâu cũng là do xu hướng chọn ngành nghề của TS chưa thật sự đồng đều, vẫn còn tâm lý chạy theo số đông.
Nhiều ngành nghề có điểm chuẩn cao chót vót không chỉ năm nay mà rất nhiều năm qua như: Báo chí, Luật, Sư phạm, Quản trị kinh doanh... Trong khi đó, nhiều ngành nghề xã hội cũng đang rất cần, nhưng lại khan hiếm về nguồn tuyển như: Quản trị nguồn nhân lực, Môi trường, Lâm nghiệp... thì điểm trúng tuyển thấp, số lượng TS trúng tuyển khá khan hiếm.
Liên tiếp nhiều năm nay, hầu như năm nào cũng có nhiều trường hợp TS có điểm thi rất cao nhưng vẫn bị trượt nguyện vọng 1. Tuy nhiên, con đường vào đại học của TS vẫn còn ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến 17 giờ ngày 6-9, là thời hạn cuối cùng TS xác nhận nhập học, đây cũng là mốc thời gian để các trường tính toán đưa ra quyết định có xét tuyển bổ sung hay không.
Hiện tại, nhiều trường đại học, đặc biệt là một số trường đại học địa phương cũng đã thông báo xét tuyển bổ sung đợt tiếp theo. Chính vì vậy, TS phải thường xuyên theo dõi thông tin tuyển sinh từ các trường để có những điều chỉnh phù hợp.
VẪN CÒN CƠ HỘI CHO TS TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Trường Đại học Tiền Giang cũng đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho 17 ngành đào tạo đại học. Theo đó, điểm chuẩn trúng tuyển từ 15 đến 17,5 điểm. Cụ thể, điểm chuẩn ngành Kế toán 17,5 điểm; Quản trị kinh doanh 16 điểm; các ngành: Tài chính - Ngân hàng, Luật, Công nghệ thực phẩm, Nuôi trồng thủy sản, Chăn nuôi, Công nghệ sinh học, Bảo vệ thực vật, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Cơ khí, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Văn hóa học, Du lịch, cùng có điểm chuẩn trúng tuyển 15 điểm.
Theo quy chế tuyển sinh, từ ngày công bố điểm thi TS trúng tuyển phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại tài khoản cá nhân trên Website http://thisinh.thitotnghiep.edu.vn trước 17 giờ ngày 6-9. Sau khi xác nhận nhập học, TS đến Trường Đại học Tiền Giang để làm thủ tục nhập học. Ngày 25-8, Trường Đại học Tiền Giang sẽ xét và công bố kết quả trúng tuyển, sau đó sẽ thông báo các ngành còn chỉ tiêu để xét tuyển bổ sung.
Có thể thấy, con đường vào đại học hiện nay vẫn luôn rộng cửa đón TS. Tuy nhiên, TS cần bình tĩnh căn cứ vào năng lực, sở trường của bản thân để chọn cho mình ngành học phù hợp.