Điểm chung của 3 ngân hàng Mỹ vừa sụp đổ: Đều do KPMG kiểm toán
Sau sự sụp đổ của SVB và việc FRB bán mình, các câu hỏi về chất lượng nghiệp vụ cũng như tính độc lập của KPMG đang gia tăng đáng kể.
Kể từ tháng 3 năm nay, Mỹ đã chứng kiến 3 ngân hàng liên tiếp sụp đổ: Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và First Republic Bank. Điều này đã “phủ bóng đen” lên KPMG - công ty kiểm toán lớn nhất trong ngành ngân hàng Mỹ và cũng là đơn vị phụ trách 3 nhà băng nói trên.
Theo trang tin Financial Times, đến cuối tháng 2 năm nay, KPMG vẫn đánh giá sức khỏe của 3 ngân hàng trên là ổn định và lành mạnh, và điều này đã khiến chất lượng nghiệp vụ của công ty này bị đặt vào vòng nghi vấn.
Nói về vấn đề này, bà Kecia Williams Smith - Giáo sư chuyên ngành kế toán tại Đại học A&T (North Carolina) - cho biết: “Công bằng mà nói, các kiểm toán viên khó có thể biết trước việc khách hàng sắp đồng loạt rút tiền. Bạn chỉ nên đặt câu hỏi rằng cách đánh giá rủi ro của các kiểm toán viên liệu có phù hợp và đầy đủ hay không”.
Điểm chung đáng chú ý
Theo các chuyên gia, để đánh giá chất lượng của KPMG, mọi người cần xem xét liệu các kiểm toán viên của công ty này có đủ độc lập với các ngân hàng hay không? Liệu họ có chú ý đúng mức tới các chỉ báo và có kỹ năng phù hợp để đánh giá chất lượng báo cáo tài chính trong môi trường lãi suất tăng hay không?
Ngoài ra, những câu hỏi về vai trò của KPMG trong hệ thống tài chính cũng cần phải giải đáp.
Theo dữ liệu từ Audit Analytics, KPMG đang chịu trách nhiệm kiểm toán cho hầu hết ngân hàng tại Mỹ, vượt trội hơn hẳn so với 3 cái tên còn lại trong nhóm “Big Four” là EY, Deloitte và PwC.
Kể cả khi so sánh trên khía cạnh giá trị tài sản của các ngân hàng được kiểm toán thì KPMG cũng là công ty chiếm tỷ trọng lớn nhất. Không chỉ làm việc với Wells Fargo, Citigroup, Bank of New York Mellon và hơn 30 ngân hàng niêm yết khác, KPMG thậm chí còn phụ trách cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo FT, khối khách hàng ngân hàng thực sự quan trọng với KPMG khi đem đến cho công ty này khoản tiền phí 325 triệu USD vào năm 2021 - tương đương 14% tổng doanh thu.
Ngoài ra, nhiều cựu nhân viên của KPMG hiện cũng nắm giữ chức vụ quan trọng trong ngành. Đặc biệt, bà Keisha Hutchinson - cựu trưởng nhóm kiểm toán của KPMG tại Signature năm 2020 - đã trở thành Giám đốc Quản lý rủi ro của ngân hàng này vào năm 2021, chỉ 2 tháng sau khi bà đặt bút ký báo cáo kiểm toán của Signature.
Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng các cơ quan giám sát sẽ chú ý tới trường hợp bổ nhiệm này vì theo quy định, thời gian nghỉ bắt buộc sẽ là 12 tháng trước khi một người được công ty mà mình từng kiểm toán bổ nhiệm vào vị trí quản lý.
Trả lời cho vấn đề này, KPMG khẳng định công ty vẫn tin tưởng vào các báo cáo kiểm toán về SVB và Signature. “Chúng tôi làm việc theo đúng các tiêu chuẩn nghề nghiệp”, người phát ngôn của hãng cho biết.
Làn sóng chỉ trích
Tuy vậy, sau khi đánh giá lại bởi các chuyên gia bên ngoài ngân hàng, báo cáo của Fed vào tuần trước lại tiết lộ một số điểm yếu trong hoạt động quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ của SVB.
Theo ông Jeffrey Johanns - giảng viên kiểm toán tại Đại học Texas kiêm cựu Giám đốc PwC - thông tin này đang khiến KPMG gặp chỉ trích khi một số người cho rằng đơn vị này phải nhấn mạnh cho nhà đầu tư biết những thiếu sót trên có khả năng ảnh hưởng đến kết quả tài chính của SVB.
“Khi ngân hàng có khiếm khuyết nghiêm trọng trong chức năng quản lý rủi ro thì làm sao họ có thể khẳng định rằng không có điểm yếu trong việc kiểm soát nội bộ?”, ông đặt câu hỏi.
Ngoài ra, trong vụ việc của SVB, khách hàng đã ồ ạt rút tiền do lo sợ ngân hàng này sẽ bán tháo số trái phiếu đang nắm giữ và có thể lỗ 15 tỷ USD - nguyên nhân là lãi suất cao khiến giá trái phiếu giảm mạnh.
Tuy vậy, luật pháp Mỹ vẫn cho phép các ngân hàng ghi nhận khoản trái phiếu này theo giá gốc miễn là họ có “ý định và khả năng” nắm giữ chúng cho đến ngày đáo hạn. Và chính việc KPMG đồng tình với “ý định và khả năng” của SVB đã khiến nhiều người chỉ trích đơn vị này, trong đó một nhóm nhà đầu tư nộp đơn kiện KPMG ra tòa.
Hiện tại, Ủy ban Giám sát Kế toán của Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường kiểm tra lĩnh vực dịch vụ tài chính.
Tháng trước, họ cho biết đợt kiểm tra tới sẽ tập trung vào việc liệu các ngân hàng có cần công khai rủi ro thanh khoản cũng như các sự kiện sau khi kiểm toán hay không. Ngoài ra, họ cũng sẽ đánh giá liệu các kiểm toán viên có đủ chuyên môn để giám sát các tổ chức tài chính phức tạp hay không.