Diêm dân kỳ vọng vào các vụ muối mới

Thuận lợi trong tiêu thụ và giá bán, diêm dân Bạc Liêu phấn khởi và kỳ vọng vào các vụ sản xuất sau này.

Diêm dân Bạc Liêu vào vụ muối, (ảnh tư liệu).

Diêm dân Bạc Liêu vào vụ muối, (ảnh tư liệu).

Vụ sản xuất muối của diêm dân Bạc Liêu đang bước vào thời điểm cuối vụ khi trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, kéo dài. Năm nay, dù thời tiết không thuận lợi, nhưng bù lại, nhờ thuận lợi trong tiêu thụ và giá bán, diêm dân Bạc Liêu tiếp tục phấn khởi và kỳ vọng vào các vụ sản xuất sau này.

Theo đánh giá của nhiều diêm dân, giá muối thời gian qua giữ được giá ổn định, cao hơn so với niên vụ năm trước cũng nhờ vào việc tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình trăm năm nghề muối - Đời người” với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam” vào cuối quý I/2025 vừa qua. Sự kiện này được diêm dân Bạc Liêu nói riêng và diêm dân cả nước nói chung kỳ vọng về việc nâng cao giá trị hạt muối; mở rộng thị trường tiêu thụ và quan trọng là được các địa phương, bộ, ngành quan tâm hơn đến nghề muối nhiều hơn.

Từ đó, giúp diêm dân tiếp tục duy trì và phát triển nghề. Kết quả, giá muối niên vụ này đối với nhiều diêm dân Bạc Liêu đạt được như kỳ vọng. Nhiều diêm dân cũng hy vọng, thời gian tới, việc tiêu thụ sẽ được nhanh chóng, thuận lợi hơn, giá trị hạt muối sẽ ngày càng được nâng cao hơn, nhất là giá trị về kinh tế, giúp diêm dân gắn bó lâu dài với nghề làm muối.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Hải Trần Tuấn Kiệt cho biết là địa phương sản xuất muối trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu với 1.300ha nên giá cả và tình hình tiêu thụ muối trong mỗi vụ tại Đông Hải luôn được các cấp chính quyền và diêm dân quan tâm.

Đến nay, nông dân đã thu hoạch được nhiều đợt muối với giá cả ổn định và năng suất cao nhờ đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều diêm dân chú trọng đầu tư sản xuất theo hình thức muối trải bạt nên năng suất ngày càng tăng cao, giá bán tốt hơn so với muối được sản xuất trên sân đất truyền thống.

Ông Trần Văn Thưa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Diêm nghiệp Doanh Điền cho hay 1 ha sản xuất muối theo hình thức truyền thống sẽ cho năng suất trên 50 tấn; hơn 65 tấn đối với hình thức sản muối lót bạt… Sau Festival nghề Muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025 cho đến nay, giá muối đã tăng từ 200-300 đồng/kg (tùy loại muối). Theo đó, giá muối trắng có giá từ 1.200-1.300 đồng/ký; giá muối đen từ 1.000-1.100 đồng/ký.

Với gần 1.500ha, Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước. Năm 2024, nghề làm muối truyền thống tại Bạc Liêu thuận lợi, sản lượng toàn tỉnh đạt trên 76.000 tấn; trong đó, huyện Đông Hải trên 67.000 tấn và huyện Hòa Bình hơn 9.000 tấn), vượt hơn 300% so với kế hoạch, tăng gần 50.000 tấn so với niên vụ 2022- 2023. Năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình trăm năm nghề muối - Đời người” với chủ đề “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam.”

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, Festival là cơ hội để mọi người cùng nhau tôn vinh những giá trị của hạt muối, đồng thời khẳng định quyết tâm bảo tồn và phát triển nghề làm muối truyền thống, đưa muối Bạc Liêu nói riêng và muối cả nước nói chung vươn xa hơn nữa. Nghề làm muối cũng là nét văn hóa, thể hiện bản sắc của người dân Bạc Liêu.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cũng cho rằng, nghề làm muối đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng muối, các yếu tố cạnh tranh thị trường làm cho giá muối rất bấp bênh, thường xuyên xuống thấp… dẫn đến thu nhập từ nghề làm muối kém hơn so với những nghề khác, ảnh hưởng đến công tác gìn giữ, bảo tồn nghề làm muối truyền thống của Bạc Liêu.

Do đó, đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành để hỗ trợ cho nghề muối hướng đến đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ là muối ăn mà còn là muối làm đẹp, muối chữa bệnh, muối phục vụ sản xuất công nghiệp…

Bên cạnh những thuận lợi, trong giai đoạn hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, hiện tượng bất thường trong thời tiết diễn ra với tần suất ngày càng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con, đặc biệt tác động trực tiếp đến đời sống của bà con diêm dân. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống nghề làm muối ở Bạc Liêu vẫn còn nhiều khó khăn.

Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ đạo các địa phương như: huyện Đông Hải, UBND huyện Hòa Bình-hai địa phương sản xuất muối chủ yếu của tỉnh Bạc Liêu cần chú trọng xây dựng các giải pháp nhằm mở rộng diện tích làm muối, nâng cao chất lượng muối, đặc biệt, tập trung nâng đời sống cho bà con diêm dân trên địa bàn; xây dựng thương hiệu Muối Bạc Liêu và quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ để thương hiệu muối ngày càng bay xa.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho diêm dân ổn định cuộc sống; tăng cường hướng dẫn và chuyển giao những ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng muối, giúp cho bà con diêm dân an tâm gắn bó và tiếp tục trao truyền cho thế hệ sau về nghề làm muối.

Bài, ảnh: Chanh Đa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/diem-dan-ky-vong-vao-cac-vu-muoi-moi-20250508174700361.htm