'Điểm danh' các địa phương có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD
6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 7 địa phương có kim ngạch xuất khẩu đạt từ 10 tỷ USD trở lên.
Theo Tổng cục Hải quan, so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng địa phương xuất khẩu chục tỷ USD đã tăng thêm 1 là tỉnh Bắc Giang. Địa phương này đạt kim ngạch xuất khẩu 10,7 tỷ USD sau 6 tháng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là địa phương hiếm hoi đạt mức tăng trưởng dương.
Các địa phương còn lại duy trì được kim ngạch chục tỷ USD là TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng và Đồng Nai.
Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa sang tất cả các thị trường lớn đều giảm. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 44,2 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ, Trung Quốc đạt 25,6 tỷ USD, giảm 2,2%, xuất khẩu sang EU đạt 21,6 tỷ USD, giảm 10,1%, sang Nhật Bản đạt 11 tỷ USD, giảm 3,3%, sang ASEAN đạt 16,3 tỷ USD, giảm 8,7%, Hàn Quốc 10,9 tỷ USD, giảm 10,2%.
Đánh giá tổng thể, xuất khẩu đang giảm so với năm 2022 nhưng hai tháng gần đây (tháng 5 và tháng 6) đã có mức tăng trưởng so với tháng liền kề trước đó, kim ngạch xuất khẩu sau 6 tháng đã phục hồi được khoảng 88% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong bức tranh đó, xuất khẩu nhiều mặt hàng vẫn đạt được kết quả cao, trong đó xuất khẩu rau quả tăng tới 64% và xuất khẩu gạo tăng 34% so với cùng kỳ. Đây cũng là kết quả rất tích cực thể hiện sự phục hồi cũng như mở rộng thị trường rất là mạnh mẽ. Dù vậy, đa số các mặt hàng khác, đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp của chúng ta hiện nay xuất khẩu còn đang rất khó khăn.
Mặc dù vậy, xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp chủ lực vẫn tiếp tục khó khăn, đòi hỏi doanh nghiệp cần nỗ lực đáp ứng các điều kiện ngày càng cao của thị trường.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, mặc dù thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn, song đánh giá chung cho thấy, có một điểm tích cực, đó là việc lực lượng sản xuất của chúng ta cũng vẫn được duy trì rất tốt và vẫn tiếp tục là địa điểm thu hút đầu tư. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đang phát huy tốt việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để duy trì xuất khẩu vào các thị trường chính.
Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2023 là vô cùng thách thức và những giải pháp trong thời gian tới Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai bao gồm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) thông qua việc đào tạo và nâng cao hiểu biết để tận dụng hiệu quả các quy tắc xuất xứ; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa hình thức xúc tiến tại các thị trường để tham gia được vào thị trường mới.
Cùng với đó, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối của các chuỗi bán lẻ nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử… và nắm bắt các khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.