Nhiều dự án, công trình giao thông quan trọng được khánh thành, khởi công trong 2020 đã góp phần cải thiện năng lực hạ tầng, tăng năng lực lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Những dự án giao thông đã góp phần cải thiện năng lực hạ tầng, tăng năng lực lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngày 11/10, dự cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đã chính thức được đưa vào sử dụng. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng (vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước). Công trình có tổng chiều dài 5,367 km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831 km, quy mô thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75 m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 100 km/giờ.
Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, là tuyến cao tốc thứ hai được xây dựng ở đồng bằng sông Cửu Long, sau tuyến Tp.HCM - Trung Lương. Dự án này điểm có đầu kết nối với cầu Vàm Cống (Cần Thơ), điểm cuối nối với tuyến tránh TP Rạch Giá (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), được đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, trong đó vốn vay Hàn Quốc hơn 4.500 tỷ đồng (200 triệu USD), còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách. Dự án quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 80 km/h, 4 làn xe, có dải phân cách cứng, kết cấu mặt đường láng nhựa.
Sau gần 4 năm thi công, sáng 11/1/2021, hầm Hải Vân 2 thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã chính thức được đưa vào sử dụng. Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2 dài 6.2 km, có tổng mức đầu tư 8.516 tỷ đồng, gồm nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại (hầm Hải Vân 1) và cải tạo đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân; mở rộng hầm lánh nạn thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với 2 làn xe và mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe.
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (Cần Thơ) đã được hợp long cuối năm 2017. Tuy nhiên, tháng 11/2017, các đơn vị đã phát hiện dầm ngang CB6 bị nứt với vết xé rộng hơn 4 cm, kéo dài ngang dầm khoảng 2 m, công trình phải dừng thi công để tiến hành sửa chữa. Ngày 19/5/2019, công trình đã được khánh thành với niềm vui của người dân đôi bờ sông Hậu.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư 2.031 tỷ đồng, được đưa vào khai thác từ 1/1/2021. Đến ngày 10/1, Bộ Giao thông Vận tải đã khánh thành giai đoạn 1 “Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất”. Dự án được khởi công vào tháng 6/2020, có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp với vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án bao gồm xây mới tuyến cao tốc và cải tạo mặt đường quốc lộ 1 là 12.188 tỷ đồng theo hình thức BOT, khởi công từ tháng 10/2015. Sau khi thông xe vào 29/9, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn giúp phương tiện di chuyển Hà Nội - Lạng Sơn từ 3,5 giờ xuống còn 2,5 giờ so với quốc lộ 1 cũ.
Sáng 5/1, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 – Dự án thành phần 3 đã chính thức được khởi công. Mục tiêu của Dự án là xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F, là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Ngày 28/5/2020, dự án đầu tư xây dựng cầu Thịnh Long trên địa bàn tỉnh Nam Định được thông xe. Dự án đưa vào khai thác đã hiện thực hóa ước mơ ngàn đời của người dân hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) về một cây cầu nối liền đôi bờ sông Ninh Cơ. Cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ dài 2.359,6m, điểm đầu giao cắt với QL21 (thuộc địa phận xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, Nam Định), điểm cuối giao cắt với TL490C (thuộc địa phận xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định). Dự án có tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước.
Cầu Mỹ Thuận 2 vượt sông Tiền Dự án quy mô lớn được Bộ Giao thông Vận tải khởi công đầu tiên vào cuối tháng 2/2020 là cầu Mỹ Thuận 2 thuộc dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đây là công trình có tổng mức đầu tư lên tới hơn 5.000 tỷ đồng, được triển khai xây dựng trên địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Khi đưa vào khai thác, cầu Mỹ Thuận 2 vượt sông Tiền sẽ kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km, gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 8.770 tỷ đồng (552,86 triệu USD). Tổng mức đầu tư sau đó tăng lên 18.002 tỷ đồng (868 triệu USD). Trong đó, vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng là 4.134 tỷ đồng (198,43 triệu USD). Dự án khởi công từ tháng 10/2011 và kế hoạch hoàn thành, đưa vào khai thác thương mại năm 2015. Tuy nhiên, sau nhiều lần lùi tiến độ, Bộ Giao thông cam kết sẽ đưa vào khai thác vào tháng 3/2021.