Điểm danh top 6 món chè ngon nhất Việt Nam
Chè là món ăn được rất nhiều người yêu thích. Vị thanh ngọt, mát lạnh của những ly chè thơm ngon, cùng với nhiều hương vị khác nhau sẽ đánh bay cái thời tiết nắng nóng oi bức. Dù bạn ở bất cứ đâu thì cũng đừng bỏ qua 6 món chè ngon nhất Việt Nam dưới đây. Đảm bảo những món chè này sẽ làm bạn ngất ngây cả ngày.
1. Chè hạt sen
Hạt sen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng chữa một số bệnh như: tiêu chảy, ăn kém, mất ngủ, chậm tiêu, khát do nóng sốt... Hạt sen rất giàu hàm lượng protein, magie, kali và phốt pho, trong khi đó hàm lượng mỡ bão hòa, natri và cholesterol lại rất thấp nên rất thích hợp với những người có chế độ ăn kiêng.
Chè hạt sen nấu đường phèn là món đơn giản nhất, không quá công phu. Cách chế biến khá đơn giản, chỉ cần luộc hạt sen thật mềm, đường phèn nấu tan sau đó cho hạt sen vào nấu cùng. Chè hạt sen không chỉ thanh mát mà còn rất bổ dưỡng, được nhiều người yêu thích.
2. Chè trôi nước
Chè trôi nước là món chè ngon nhất Việt Nam được nấu vào ngày tết Hàn Thực, những ngày rằm cúng đồ ăn chay ở chùa chiền. Chè trôi nước cho ta gợi nhớ đến câu thơ Hồ Xuân Hương năm nào: "thân em vừa trắng lại vừa tròn, bảy nổi ba chìm với nước non".
Ngày nay chè trôi nước được biến tấu nguyên liệu vừa thơm ngon lại mang màu sắc rất đẹp như: chè trôi lá dứa, chè trôi khoai lang tím... Nhưng phổ biến nhất và vẫn được người ăn yêu thích nhất là chè trôi truyền thống, không cầu kỳ, không nhiều công đoạn.
Khéo léo bọc viên nhân vào trong vỏ bánh và vo tròn, đun sôi nước và thả vào, chè trôi thường ăn trong nước đường có gừng, vừa thơm, vừa ngậy. Ngày nay chè trôi nước có mặt khắp các phố phường, trở thành món ăn vặt phổ biến.
3. Chè Thái
Chè Thái ngọt mát ngậy bùi phù hợp cho bạn trong những ngày hè oi bức. Thay vì đi ra ngoài thời tiết nóng bức để có thể thưởng thức món ăn này, các bạn cũng có thể tự làm chè Thái Lan sữa dừa tại nhà với quy trình nấu đơn giản. Xuất phát từ món ăn truyền thống của Thái Lan, chè Thái còn được gọi là “chong” hoặc chè giun hay chè bánh lọt theo cách gọi của người miền Nam.
Chè Thái gồm có các nguyên liệu đơn giản nên thực khách khá yên tâm khi thưởng thức như: thạch hạt lựu giòn giòn, thạch dừa non, trân châu dừa trong vắt, trân châu li ti quen thuộc kết hợp với sợi dài màu xanh thơm lừng mùi hương lá nếp đặc trưng của chè Thái; rồi sau đó chan lên nước cốt dừa trắng ngà, béo ngậy.
Chè Thái từ lâu đã trở thành một phần tinh túy của ẩm thực đường phố không thể thiếu vào mùa hè. Ly chè Thái được nhiều người ưa thích bởi có vị sầu riêng thơm nức.
4. Chè bà ba
Chè thưng hay còn gọi là chè bà ba được bán nhiều tại Sài Gòn và khắp các tỉnh thành của miền Tây sông nước. Đây vốn là một món ăn bình dị, thân thương, được nấu từ những nguyên liệu dễ tìm trong vườn nhà như chuối, khoai, nước cốt dừa,… tạo nên vị ngon riêng, khó lòng nhầm lẫn với các loại chè khác.
Những ai lần đầu nghe đến chè thưng hay chè bà ba đều có chung thắc mắc, chẳng hiểu vì sao món chè có tên gọi lạ như vậy? Có người cho rằng, chè bà ba xuất phát từ một phụ nữ tên Ba bán chè ở chợ Bình Tây. Tuy nhiên, người Nam Bộ lý giải rằng, món chè ngon này có tên gọi bà ba là do vị ngon của nó mộc mạc, dân dã như hình ảnh cô gái miền Tây mặc áo bà ba, đội nón lá.
Thông thường, món chè ngon của Nam Bộ này được nấu từ nước cốt dừa, hạt sen, đậu xanh, đậu phộng, khoai lang, khoai mì, mộc nhĩ,… Khi ăn, vị béo ngọt của nước cốt dừa hòa quyện vào vị bùi của hạt sen, của khoai, của đậu… tạo nên vị ngon rất riêng cho chè bà ba.
Không chỉ là món ăn vặt ngon, chè thưng còn có tác dụng giải nhiệt, thanh lọc cơ thể nhờ thành phần đậu xanh. Bên cạnh đó, hạt sen trong chè cũng giúp ngủ ngon, tăng cường sức khỏe. Vì thế, đây là món ăn vặt miền Nam vừa ngon vừa bổ mà nếu có dịp, bạn nên thử một lần để cảm nhận trọn vẹn hơn vị ngon của món chè.
5. Chè bột lọc thịt heo quay
Người ta bảo, du lịch Huế thì chỉ có rủ nhau đi ăn là tuyệt nhất. Nào bún bò Huế, cơm hến, bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bún nghệ, bánh canh, rồi vô vàn các loại chè Huế... Đồ ăn Huế đa dạng và ngon thật tình. Nhưng vượt qua mọi giới hạn ẩm thực, nàng Huế thơ mộng vẫn muốn thách thức người ta với một món ăn cực kỳ độc đáo: chè bột lọc heo quay.
Chè bột lọc heo quay thực chất là những viên bột lọc bọc nhân heo quay. Vỏ bột lọc mỏng và trong suốt nên có thể nhìn ngay thấy phần nhân bên trong. Phần nhân bao gồm thịt heo quay rim với mộc nhĩ cùng nhiều loại gia vị để tạo hương thơm và vị mặn ngọt hòa quyện. Riêng phần nước ăn cùng bột lọc heo quay cực kỳ ấn tượng bởi vị ngọt nhẹ, thơm hương thơm của lá nếp quyện với mùi của vài lát gừng nhỏ.
Không phải ai cũng dễ dàng hài lòng với món chè này, bởi cái thứ thịt rim mằn mặn ai lại đi ăn với nước chè ngọt thơm lá nếp. Nhưng cũng có người lại mê đắm sự quyện hòa giữa hai vị mặn ngọt, giữa mùi thơm hấp dẫn của thịt heo quay rim cùng mộc nhĩ với hương thơm dịu nhẹ của gừng và lá nếp.
Cắn một miếng bột lọc heo quay, qua miếng vỏ bọc dẻo dẻo dai dai là đến ngay phần nhân thịt heo lạ lạ. Thích nhất vẫn là uống từng ngụm nước chè ngọt thơm thơm, đang khát mà uống thì còn gì tuyệt bằng.
6. Chè chuối
Có lẽ chè chuối là món chè đơn giản, dễ nấu nhất mà người miền Tây nào cũng nấu được. Bởi nguyên liệu làm món chè ngon của Nam Bộ này chỉ gồm có chuối chín, đường, nước cốt dừa và thêm chút bột bán là đủ. Với chè chuối, bạn không cần phải có tay nghề hay kinh nghiệm gì cả, chỉ cần làm đúng công thức là ra ngay món chè ngon.
Món chè chuối hay còn gọi chuối chưng này muốn ngon phải chọn được chuối xiêm vừa chín tới. Vì nếu chuối chín ép hay chưa kịp chín khi nấu sẽ có vị chát, mất đi độ ngọt thanh tự nhiên. Khi nấu, bạn nên cắt chuối thành từng khoanh tròn vừa ăn. Còn nếu thích, bạn có thể để nguyên trái chuối to.
Món ăn vặt miền Nam này trước kia chỉ có chuối là nguyên liệu chính. Tuy nhiên sau đó, người ta đã khéo léo cho thêm khoai lang, bí rợ vào để món chè được phong phú và màu sắc hơn. Khi nấu, bạn có thể thêm các nguyên liệu này để món ăn thêm đa dạng. Còn nếu chỉ nấu chuối không thì món chè chuối vẫn rất ngon và hấp dẫn.
Với chè chuối, người miền Nam thường không ăn kèm với nước đá bởi nó sẽ làm mất đi độ ngọt đặc trưng của chuối và nước cốt dừa. Thay vào đó, bạn có thể ăn nóng lúc chè vừa chín hoặc đợi khi chè nguội và đông lại. Lúc này, vị ngọt béo của món chè càng đậm đà hơn.