Điểm đến của những người yêu văn hóa, lịch sử
Với thông điệp 'Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam', Bảo tàng tỉnh không ngừng nỗ lực hoàn thiện không chỉ về diện mạo mà còn về chất lượng nội dung và dịch vụ.
Hiện Bảo tàng tỉnh thường xuyên mở cửa để người dân tham quan, tìm hiểu lịch sử. Đây là nơi không chỉ giữ lại những ký ức xưa cũ mà còn truyền đạt những kiến thức mới mẻ qua các chương trình giáo dục, triển lãm, trở thành điểm đến thu hút, gắn kết cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Đa dạng hoạt động
Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Hữu An, chỉ riêng trong năm 2024, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, bổ sung 86 hiện vật vào bảo tàng. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức và phối hợp tổ chức 7 trưng bày, triển lãm trong và ngoài tỉnh, như: Triển lãm “Giới thiệu ẩm thực truyền thống ngày tết ở Phú Yên”; triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam”; triển lãm ảnh “Thành tựu KT-XH 35 năm tái lập tỉnh Phú Yên (1989-2024)”; phối hợp trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa tỉnh Ninh Thuận”; trưng bày chuyên đề “Công cụ truyền thống với đời sống người Phú Yên xưa”; trưng bày phục vụ Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Phú Yên lần thứ IV năm 2024; trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến tàu Không số”. Đồng thời, Bảo tàng tỉnh cũng đã bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hiện vật Phù điêu Kala trình cấp thẩm quyền xem xét và phù điêu này đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Không chỉ tập trung vào việc sưu tầm và trưng bày, Bảo tàng tỉnh còn chú trọng đến công tác kiểm kê và bảo quản hiện vật. Ngoài ra, chương trình giáo dục truyền thống của bảo tàng không ngừng được triển khai, đặc biệt là thông qua việc sử dụng di sản văn hóa để phổ biến kiến thức cho học sinh, sinh viên... Những nỗ lực này chính là bước ngoặt quan trọng giúp Bảo tàng tỉnh trở thành điểm đến lý tưởng cho những người yêu văn hóa, lịch sử trải nghiệm và hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử của Phú Yên.
Em Trần Ngọc Thảo Nguyên, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Khi đến Bảo tàng tỉnh, chúng em thường được các thuyết minh viên nhiệt tình hướng dẫn. Ở đây, em có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của địa phương qua các hiện vật, triển lãm và các chương trình giáo dục được tổ chức một cách sinh động và thú vị. Việc này giúp em có cái nhìn sâu sắc về di sản văn hóa của tỉnh nhà, góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước trong tâm hồn mình”.
Còn chị Nguyễn Thị Dung - một khách tham quan bảo tàng đến từ Quảng Nam bày tỏ: “Bảo tàng Phú Yên là điểm đến không thể bỏ lỡ khi ghé thăm xứ hoa vàng cỏ xanh. Tôi được khám phá những di sản văn hóa, lịch sử của địa phương được bảo tồn một cách chân thực và công phu. Đây không chỉ là nơi giữ gìn giá trị lịch sử mà còn là không gian tận hưởng và học hỏi cho mỗi du khách”.
Để bảo tàng trở thành địa chỉ hấp dẫn
Trong quá trình đưa bảo tàng gần với công chúng, Bảo tàng tỉnh gặp phải những thách thức đáng kể. Việc số hóa 3D hiện vật tiêu biểu gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, do công tác lập hồ sơ đề nghị phê duyệt Dự án số hóa 3D hiện vật tiêu biểu cần được điều chỉnh và bổ sung nhiều lần theo các quy định mới được ban hành trong năm. Việc này kéo dài quy trình tiến hành và ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Mặt khác, bảo tàng chưa có nhiều chương trình giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa.
Ông Nguyễn Hữu An cho biết: Trong năm 2025, việc xây dựng một địa chỉ đỏ, hấp dẫn khách tham quan đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đầu tiên, Bảo tàng tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động mừng Đảng và tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhằm tôn vinh các cột mốc lịch sử quan trọng của đất nước, đồng thời góp phần tạo nên không khí lễ hội sôi động và truyền thống văn hóa của dân tộc.
Tiếp theo, việc khảo sát, thu thập và trưng bày hiện vật theo đề cương trưng bày đã được UBND tỉnh phê duyệt sẽ giúp bổ sung kiến thức về di sản văn hóa, lịch sử và phong cảnh địa phương. Ngoài ra, việc tổ chức trưng bày chuyên đề đa dạng, phù hợp với các ngày lễ lớn trong năm và sự kiện văn hóa, du lịch sẽ thu hút đông đảo du khách, người dân đến tham quan, trải nghiệm.
Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp thực hiện các dự án: Trưng bày Nhà lưu niệm Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ; trưng bày Bảo tàng tỉnh giai đoạn 2; tổ chức biên soạn, xuất bản một ấn phẩm giới thiệu về hiện vật bảo tàng; thực hiện chương trình giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa; xây dựng hồ sơ sưu tập hiện vật “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc thiểu số tại Bảo tàng Phú Yên”. Đồng thời kiểm kê, bảo quản định kỳ và bảo quản trị liệu hiện vật bảo tàng; phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, bảo quản các hiện vật đang trưng bày tại các điểm di tích...
Năm 2024, khách tham quan Bảo tàng tỉnh đạt trên 20.000 lượt người, cao nhất từ trước đến nay. Đây là tín hiệu vui cho những người làm công tác gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh. “Để phát triển, đáp ứng xu thế thời đại, Bảo tàng tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm; tiếp tục sưu tầm bổ sung tư liệu, hiện vật; không ngừng đổi mới và làm phong phú thêm các hoạt động, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống để nơi đây thực sự là một địa chỉ đỏ tin cậy, hấp dẫn, thu hút nhiều khách đến tham quan, nghiên cứu”, ông An cho biết thêm.
Để phát triển, đáp ứng xu thế thời đại, Bảo tàng tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm; tiếp tục sưu tầm bổ sung tư liệu, hiện vật; không ngừng đổi mới và làm phong phú thêm các hoạt động, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống để nơi đây thực sự là một địa chỉ đỏ tin cậy, hấp dẫn, thu hút nhiều khách đến tham quan, nghiên cứu.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Hữu An
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/324643/diem-den-cua-nhung-nguoi-yeu-van-hoa-lich-su.html