Điểm dừng chân trên cung đường lên Bạch Mã, tại sao không?
Không biết bao giờ Bạch Mã mới có cáp treo; mà cũng chưa chắc đã có ...Trong lúc đó, du khách biết và tìm đến với Bạch Mã ngày mỗi nhiều, để đảm bảo sức khỏe cho khách, giảm bớt nỗi ám ảnh say xe do leo đèo leo dốc, có thể nghiên cứu để thiết kế 1- 2 trạm dừng trên tuyến đường lên Bạch Mã hay không?
Danh tiếng lịch sử cùng cảnh sắc, khí hậu quá tuyệt vời của Bạch Mã khiến ngày càng có nhiều người tìm đến trải nghiệm. Tuy nhiên, cũng vì cái sự tuyệt vời, danh tiếng ấy mà chuyện đầu tư, trong đó có đầu tư xây dựng tuyến cáp treo lên Bạch Mã- một trong 7 khu nghỉ dưỡng trên cao tại Đông Dương được kỹ sư Girard (Pháp) phát hiện từ năm 1932- được cân nhắc rất cẩn trọng. Và cho đến bây giờ, lên Bạch Mã vẫn chỉ là một con đường độc đạo dài chừng 20 cây số từ chân cho đến đỉnh.
Con đường khá hẹp, độ dốc lớn và nhiều quanh co khúc khuỷu. Nó là cả sự hào hứng đầy kích thích cho những người trẻ, khỏe và thích mạo hiểm; nhưng lại là nỗi âu lo, “đày ải” với người thể trạng yếu, sợ nguy hiểm, không chịu được say xe, đặc biệt là với chị em phụ nữ và các cháu nhỏ. Tôi đã từng vô tình được gặp một nhóm khách du lịch Hàn Quốc lên thăm Bạch Mã. Xe lữ hành đưa họ một lèo từ cổng vườn cho đến bãi đỗ xe tại biệt thự Phong Lan thì dừng để khách vào nghỉ ngơi, ăn uống tại nhà hàng phía đối diện. Từ trên xe bước xuống, một số chị Hàn mặt mày tái nhợt; có chị ôm ngực ngồi ngay bên vệ đường nôn thốc vì không thể nén nổi sau khi bị “quay” trên quãng đường gần hai chục cây số đèo dốc.
Say xe là cả nỗi cực hình mà “đoạn trường ai có…say rồi mới hay”. Tôi, mặc dù là đàn ông con trai, nhưng là một người đã từng nhiều lần qua cái “đoạn trường” ấy nên rất thấu hiểu. Đến mức mà cứ có việc phải đi đâu xa, chỉ cần bước lên ô tô, ngửi thấy cái hơi xăng là đầu đã váng vất, cổ họng đã nôn nao khó chịu. Sau này nhờ có tham gia khóa học Judo, nhào lộn liên tục, lại bước vô nghề làm báo, theo xe đi công tác nhiều nên quen. Thế mà có đợt đi Bà Nà khi nơi này chưa có cáp treo, và gần đây đi thăm cao nguyên đá ở Hà Giang, đèo dốc quá nhiều, cơn say xe vẫn quay về hành hạ. Những lúc như thế, chỉ mong xe dừng lại để được nghỉ ngơi chút, hít thở chút rồi tiếp tục hành trình thì sẽ rất đỡ. Nhưng mong là một việc, được hay không lại là việc khác: Đường hẹp và dốc, xe không thể dừng; công việc gấp, không có thời gian để dừng; hoặc xe nhiều người, không tiện làm phiền cũng không thể dừng…Vậy là đành phải chấp nhận cho cơn say xe hành hạ đến cuối hành trình.
Trở lại với Bạch Mã, như đã nói, hiện chỉ có một con đường độc đạo dẫn lên đỉnh nên du khách muốn trải nghiệm, khám phá thì không có lựa chọn nào khác là con đường này. Phương tiện được phép lên núi là ô tô 16 chỗ trở xuống, nhưng phải giảm tải (xe 16 chỗ chỉ được phép chở 12 người). Các phương tiện trên 16 chỗ, mô tô, xe máy đều không được phép. Chỉ trừ 2 năm dịch bệnh Covid-19, còn thì hầu như năm nào, cứ hễ hè đến là tôi đều lên chơi Bạch Mã. Khi thì với bạn bè, khi thì với đồng nghiệp, hay anh chị em trong gia đình. Và lần đi nào cũng có người bị say, phải cho xe tạm dừng để “nghỉ lấy sức”. Đường hẹp, quanh co và dốc, gặp mùa du lịch, xe lên, xe xuống liên tục, thấy khá bất an và phiền toái. Những lúc như thế lại chợt nghĩ, không biết bao giờ Bạch Mã mới có cáp treo; mà cũng chưa chắc đã có vì chắc gì được ủng hộ, phê duyệt? Trong lúc đó, Bạch Mã vẫn hoạt động, du khách biết và tìm đến với Bạch Mã ngày mỗi nhiều, để đảm bảo sức khỏe cho khách, giảm bớt nỗi ám ảnh say xe do leo đèo leo dốc, có thể nghiên cứu để thiết kế 1- 2 trạm dừng trên tuyến đường Bạch Mã hay không? Nếu thiết kế được 2 trạm, thì toàn tuyến có cự ly chừng 5-7 Km sẽ có 1 điểm dừng (gộp luôn cả điểm dừng tại nhà Bảo An đang hiện hữu), sẽ đỡ vất vả rất nhiều cho những người say xe, sợ đèo dốc. Mà điểm dừng nghỉ đó còn tạo điều kiện cho du khách ngắm cảnh, check-in, cảm nhận sự khác biệt của khí hậu Bạch Mã ở từng cao độ khác nhau… Và khi các điểm dừng chân đã trở nên quen thuộc, nhiều khách ghé vào, thì cũng có thể nghiên cứu để triển khai một số dịch vụ, truyền thông để quảng bá Bạch Mã, quảng bá du lịch, văn hóa Huế, kêu gọi bảo vệ môi trường… Như vậy là một công mà được nhiều việc, thiết nghĩ khá hữu lý và thú vị. Lẽ dĩ nhiên, sẽ có một ít diện tích đất rừng phải chuyển đổi công năng, song thiển nghĩ sẽ không đáng kể và đơn vị quản lý chắc chắn sẽ nghiên cứu, đề xuất tại những tọa độ hợp lý, ít gây tổn hại nhất.
Rất nhiều người đã và đang tỏ ra rất sốt ruột, thậm chí cả phê phán khi Bạch Mã “ngủ yên”, không được đầu tư. Theo chúng tôi, đó là sự sốt ruột, sự “phê phán” ít nhiều ưu tư, yêu thương với Huế. Chắc chắn Bạch Mã sẽ không “ngủ quên”, chắc chắn Bạch Mã rồi sẽ được đầu tư, vấn đề là Bạch Mã đang chọn lựa mô hình, hướng đầu tư thế nào phù hợp nhất, ít tổn hại môi trường sinh thái nhất. Song, trong thời gian chờ đợi, thì một vài động thái nho nhỏ để đáp ứng, phục vụ nhu cầu tối thiểu của du khách như vài điểm dừng nghỉ, luôn để mắt quan tâm chất lượng tại những điểm dịch vụ hiện có, thiết nghĩ là những việc không thể không làm.