Điểm hẹn Sài Gòn - Điểm hẹn chiến thắng
Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, Chiến dịch Hồ Chí Minh dưới mệnh lệnh 'Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng', với tốc độ 'một ngày bằng 20 năm', đã khép lại thắng lợi bằng sự kiện 5 giờ sáng ngày 30/4/1975, bộ đội ta trên các hướng ào ạt tiến vào nội đô Sài Gòn.
Sài Gòn ngày 30/4 cách đây 47 năm đã trở thành điểm hẹn lịch sử - điểm hẹn chiến thắng.
Bài liên quan
Tiến về Sài Gòn
Bài 2: Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng
Xe tăng ta tiến vào dinh Độc Lập sáng ngày 30/4/1975.
Buổi sáng lịch sử
Có lẽ trong lịch sử dân tộc Việt, hiếm có một buổi sáng nào lại ngập tràn những sự kiện lịch sử như sáng ngày 30/4/1975 ấy.
Theo những tài liệu như History - The Last days in Saigon - Những ngày cuối cùng của Sài Gòn, The Fall of Sài Gòn - Sài Gòn sụp đổ, 3 giờ 45 phút sáng 30/4/1975, Đại sứ Martin mặt trắng bệch cùng Polgar và mấy nhân viên nữa ra trước sân sứ quán rồi lên một chiếc trực thăng CH53 tháo chạy khỏi Sài Gòn.
Polgar chính là Thomas Polgar, chỉ huy cuối cùng nhóm tình báo Mỹ (CIA) ở Sài Gòn. Trước đó 25 phút, viên trùm CIA này đã gửi bức điện về Nhà Trắng, trong đó có những thừa nhận chua chát: “...Cuối cùng chúng ta đã thất bại. Thất bại này hình như buộc chúng ta phải đánh giá lại các chính sách mặc dù đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu là tiền của. Những ai không rút ra được bài học gì của lịch sử nhất định sẽ mắc lại những sai lầm của lịch sử. Hy vọng chúng ta sẽ rút ra được bài học và không bao giờ có một Việt Nam khác nữa...”.
Chuyện kể rằng, vợ chồng Graham Martin đã dùng dằng không muốn rời, đến mức Cố vấn Henry Kissinger đã phải gọi điện giục giã: “Tổng thống nhắc ngài phải rời ngay Sài Gòn, không được chậm trễ. Quân cộng sản đã bắt đầu tràn vào Sài Gòn”. Và không còn sự lựa chọn nào khác, 4 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, dòng điện tín ngắn ngủi đã được phát ra: “Lady 09 đã lên không trung cùng với Cottu”. Cottu là mật danh của đại sứ Graham Martin, Lady 09 là mật danh của chiếc máy bay trốn chạy.
Sau cú “chuồn thôi” của Đại sứ Mỹ, 5 giờ sáng ngày 30/4/1975, bộ đội ta trên các hướng ào ạt tiến vào nội đô Sài Gòn. Theo cuốn “Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” (NXB QÐND, 2005), cũng trong sáng ngày 30/4, từ Hà Nội, Bộ Chính trị điện chỉ thị cho mặt trận: “Tiếp tục tiến vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của địch”.
Và, “khi nghe đài phát thanh Sài Gòn thông báo Tổng thống chính quyền Sài Gòn yêu cầu ngừng bắn thì cán bộ, chiến sĩ ta hiểu rằng giờ toàn thắng đã đến và càng quyết tâm tiến nhanh vào chiếm Dinh Ðộc Lập, bắt toàn bộ bọn đầu sỏ chính quyền Sài Gòn”.
Trên hướng Tây Bắc, Trung đoàn 24 cùng một tiểu đoàn của Lữ đoàn 273 thiết giáp, từ 6 giờ 30 phút, đã nổ súng đánh chiếm ngã tư Bảy Hiền, sau đó đánh thẳng vào cổng 5 sân bay Tân Sơn Nhất. Đến 13 giờ 30 phút, ta làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất.
Trên hướng Bắc, trung đoàn 48 tổ chức nhiều mũi đánh vào cổng 1, 2 và 3, hình thành thế bao vây, phối hợp Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) làm chủ Bộ Tổng tham mưu Ngụy lúc 10 giờ 30 phút. Trên hướng Tây và Tây Nam, 5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Trung đoàn 24 cùng đặc công tiến công tiêu diệt địch ở ngã ba Đình Hưng Đông, sau đó chiếm cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y, đến 10 giờ 30 phút, đánh chiếm Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia và đưa một bộ phận sang hợp điểm ở Dinh Độc Lập.
Trên hướng Đông Nam, Binh đoàn hỗn hợp của Quân đoàn 2 chiếm Dinh Độc Lập lúc 10 giờ 45 phút, bắt toàn bộ Ngụy quyền Trung ương, buộc chúng tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
Thủy thủ tàu khu trục Mỹ USS Kirk đẩy các máy bay trực thăng xuống biển để lấy chỗ cho các trực thăng chở người di tản khác đáp xuống tháng 4/1975. Ảnh: Cor-bis Photo.
“Ðoàn xe tăng, cơ giới của Quân đoàn 2 tiến vào tới trước cửa Dinh Ðộc Lập. Xe tăng 843 do đại đội trưởng Bùi Quang Thận trực tiếp làm trưởng xe luôn dẫn đầu; kíp xe gồm: Thái Bá Minh, Nguyễn Văn Kỳ và Lừ Văn Thái. Tiếp sau là xe 390 do chính trị viên đại đội Vũ Ðăng Toàn chỉ huy; kíp xe gồm: Lê Ðình Phượng, Nguyễn Văn Tập và Ngô Sĩ Nguyên; riêng pháo thủ Ðỗ Cao Trường bị thương phải ở lại tuyến sau.
Xe 843 tiến đến trước hàng rào Dinh Ðộc Lập húc thẳng vào cổng phụ, bên cạnh cổng chính, xe bị mắc kẹt dừng lại. Ngay lúc đó, xe 390 lao lên, húc đổ cổng chính Dinh Ðộc Lập. Trung úy đại đội trưởng Bùi Quang Thận từ xe 843 cầm lá cờ Giải phóng, chạy lên cắm trên đỉnh nóc dinh Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn. Lúc đó là 11 giờ 30 phút, ngày 30 tháng 4 năm 1975” - theo cuốn “Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”.
Cuốn “Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” cũng ghi lại những chi tiết không thể nào quên: “Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn: “Tôi: Ðại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam - Việt Nam.
Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao chính quyền từ Trung ương đến địa phương lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam - Việt Nam”. Tiếp đó đồng chí Bùi Văn Tùng vinh dự thay mặt các đơn vị Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Ðộc Lập, dõng dạc tuyên bố: “...Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn... Thành phố Sài Gòn - Gia Ðịnh đã hoàn toàn giải phóng”.
Cắm cờ trên nóc phủ tống thống ngụy quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh: Vũ Tạo/ TXVN
Đất nước trọn niềm vui
Mảnh đất Sài Gòn đã trở thành điểm hẹn chiến thắng, kết thúc 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 30 năm chiến tranh lâu dài, gian khổ chống ngoại xâm của dân tộc ta mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước.
Cùng ngày 30/4/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã gửi điện tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn - Gia Định, trong đó nhấn mạnh: “Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn - Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc Ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, đưa Chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng”.
Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4/1975.
Khó có thể diễn tả hết nỗi vui sướng hân hoan, xúc động đến nghẹn ngào của toàn dân tộc trong giờ phút khắc ghi chiến thắng ngày 30/4/1975 ấy, khi hai miền Nam Bắc đã thực sự thống nhất, non sông đã thu về một mối, đất nước trọn niềm vui. Ngày đó, khắp nơi đâu đâu cũng treo cờ Tổ quốc, người dân đổ ra đường reo hò, đã có rất nhiều những giọt nước mắt đã rơi - vì niềm vui sướng, cảm xúc trào dâng đến hạnh phúc tột cùng.
Còn với những vị tướng tài ba đã góp công lớn cùng quân đội ta làm nên chiến thắng vĩ đại ấy, dòng cảm xúc cũng nghẹn ngào không kém. Hồi ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh - đã kể lại cảnh các đồng chí trong Sở Chỉ huy Chiến dịch vào trưa ngày 30/4/1975: “Mọi người ngồi quanh chiếc máy thu thanh và khi nghe giọng nói của Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh nói lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện, tất cả chúng tôi đều nhảy lên, reo lên, ôm hôn nhau, công kênh nhau.
Tiếng vỗ tay, tiếng cười, tiếng nói ríu rít, vui náo nhiệt. Các anh Lê Đức Thọ, Phạm Hùng ôm chầm lấy tôi. Tất cả đều nghẹn ngào, xúc động... Anh Đinh Đức Thiện mắt đỏ hoe, nói bây giờ nếu có nhắm mắt cũng yên lòng”...
Đại tướng Lê Đức Anh thì kể lại: “Ngày 30/4 và 1/5, chúng tôi ở sở chỉ huy cánh Tây - Tây Nam tại một địa điểm phía Nam huyện Đức Hòa, Long An. Khi nghe các nơi báo cáo: “Xong rồi!”, trong cơ thể có một cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái biết bao! Và, lúc bấy giờ mới thấy thấm mệt, có thể nói mệt rã rời sau bao ngày đêm toàn bộ cơ thể luôn căng ra như dây đàn.
Tối hôm đó, khi anh Phạm Hùng và anh Văn Tiến Dũng cho người xuống gọi tôi lên họp, tôi nói, giờ cho tôi ngủ chút đã mệt quá! Và tôi đã ngủ một giấc tới 9 giờ sáng. Trên đời này, ai vừa trải qua những thử thách nghiệt ngã, những ngày tháng căng thẳng, thì hẳn sẽ hiểu và cảm thông cho giấc ngủ ngon lành, không gì cưỡng nổi của những người lính chúng tôi ngay khi vừa kết thúc cuộc chiến tranh”.
Mỹ tiến hành di tản người Mỹ Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Đặc biệt, trong cuốn “Tổng hành dinh trong ngày toàn thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi tưởng lại những cảm xúc ấy trong buổi trưa ngày 30/4/1975: “Các đồng chí lãnh đạo ra cả ngoài hành lang. Tiếng cười nói rộn ràng, vui vẻ. Phấn khởi, nghẹn ngào, xúc động đến trào nước mắt… Không ai chú ý đến nghỉ ngơi, cơm nước. Được sống trong giờ phút lịch sử của dân tộc, ai cũng muốn được ghi lại hình ảnh kỷ niệm vô giá này”.
Còn với riêng vị Đại tướng Tổng Tư lệnh, buổi chiều ngày 30/4 ấy: “Mặt trời đã khuất bóng sau rặng cây xà cừ trên đường Hoàng Diệu. Hà Nội đã lên đèn. Còn lại một mình trong phòng làm việc với niềm vui náo nức, mà sao nước mắt tôi cứ trào ra. Giá như còn Bác… Tôi lên xe đi một vòng quanh Hà Nội. Cả một rừng cờ hoa dậy lên tự lúc nào. Người đi chật phố, chật đường, vui như trảy hội. Đêm nay, Thủ đô đốt pháo hoa mừng toàn thắng. Đêm nay, Hà Nội, cả nước vui với Sài Gòn, vui với miền Nam”.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/diem-hen-sai-gon--diem-hen-chien-thang-post190493.html