Điểm mới cơ bản của Luật Bảo vệ môi trường

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, gồm 16 chương, 171 điều (giảm 4 chương, tăng 1 điều so với Luật BVMT năm 2014). Luật có một số điểm mới cơ bản sau:

1. Quy định về cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường

Thời gian qua, cộng đồng dân cư (CĐDC) thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác BVMT, tiêu biểu nhất là thông qua việc hình thành các mô hình cộng đồng tham gia BVMT hiệu quả. Tuy nhiên, Luật BVMT năm 2014 chưa quy định CĐDC là một chủ thể trong công tác BVMT, vì vậy chưa đẩy mạnh, phát huy được vai trò quan trọng của CĐDC trong công tác BVMT. Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung CĐDC vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT, cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt của luật là bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành.

Nhằm tạo thuận lợi cho CĐDC phát huy được vai trò trong công tác BVMT, Luật bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và CĐDC về BVMT, qua đó giúp CĐDC có thể tham gia giám sát hoạt động BVMT thông qua công nghệ thông tin, tương tác các ứng dụng thông minh trên điện thoại di động.

Luật BVMT năm 2020 bổ sung nguyên tắc hoạt động BVMT phải được công khai, minh bạch; quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến chất lượng môi trường không khí, chất lượng môi trường đất, chất thải nguy hại, kết quả quan trắc chất thải; chủ trương của Nhà nước là khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, cung cấp thông tin về môi trường; trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh và của chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu sản xuất, kinh doanh tập trung, cụm công nghiệp trong việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường. Luật dành 1 điều quy định công khai thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của chủ dự án trong việc tham vấn CĐDC được quy định ngay từ khi lập báo cáo ĐTM. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm thực hiện tham vấn, đối tượng tham vấn, nội dung tham vấn chủ yếu, hình thức tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM; kết quả tham vấn CĐDC, cơ quan, tổ chức liên quan là thông tin quan trọng để chủ dự án nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo ĐTM của dự án.

2. Cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các bon trong nước

Luật BVMT 2020 đã bổ sung các quy định về thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon, trong đó xác định nội dung và trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành liên quan và địa phương về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bổ sung quy định về lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, thực hiện cam kết quốc tế về BĐKH và bảo vệ tầng ozon.

Đặc biệt, Luật đã chế định về tổ chức và phát triển thị trường các bon như là công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris về BĐKH.

(Còn nữa)

Minh Phượng (TH)

(Sở Tư pháp)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/288/163546/diem-moi-co-ban-cua-luat-bao-ve-moi-truong.htm