Điểm nhấn giáo dục: Bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên cho các địa phương
Bổ sung gần 66 ngàn biên chế giáo viên cho các địa phương; Cụ ông 82 tuổi nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Hòa Bình bác đề xuất mời giáo sư, phó giáo sư về trường chuyên... là những thông tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.
Bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên cho các địa phương
Bộ Chính trị đã quyết định tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 là 2,234 triệu, trong đó có 65.980 giáo viên bổ sung cho các địa phương.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quyết định nói trên.
Theo con số thống kê của cơ quan chức năng, trong số 2,234 triệu tổng biên chế trên cả nước, có 1,68 triệu viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó đã bao gồm 65.980 giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022-2026; 680 biên chế các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; gần 205.600 cán bộ, công chức cấp xã; hơn 1.300 biên chế công đoàn tạm giao cho các địa phương; 10.100 biên chế dự phòng (gồm 1.700 công chức và 8.400 viên chức).
Cụ ông 82 tuổi nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Sáng 27/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao tặng Bằng khen cho ông Nguyễn Huy Kỳ, thí sinh nhiều tuổi nhất kỳ thi Tốt nghiệp 2022 (82 tuổi) vừa thi đỗ tốt nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đến Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, nơi ông Kỳ theo học để tặng Bằng khen cho thí sinh cao tuổi nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vì tinh thần nỗ lực học tập. (xem chi tiết)
Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay ở 3 tỉnh từng dính tiêu cực thế nào?
Kết quả thống kê điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thấy tỉnh Hòa Bình đã có sự tăng tốc vượt bậc.
Năm nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 9.609 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, điểm trung bình đạt 6,289 điểm xếp hạng thứ 34 trong toàn quốc, tăng 28 bậc. Đối với môn Lịch sử của Hòa Bình trong hai năm 2021 và 2022 tăng từ 4,66 lên 6,27 (34,26%). (xem chi tiết)
Hòa Bình bác đề xuất mời giáo sư, phó giáo sư về trường chuyên
Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã không thông qua đề xuất mời giáo sư, phó giáo sư về dạy tại trường THPT chuyên của Sở GD&ĐT.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù đối với giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên; chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. (xem chi tiết)
Địa phương đầu tiên công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2022
Sở GD&ĐT Đà Nẵng vừa công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2022. Đây là địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT trước phúc khảo.
Theo đó, tỷ lệ tốt nghiệp chung của toàn Thành phố Đà Nẵng là 96,68%. Trong đó, học sinh lớp 12 trường THPT công lập là 99,3%; trường THPT ngoài công lập là 91,6%; Giáo dục thường xuyên là 83,7%.(xem chi tiết)
5 thành phố lớn kiến nghị công bố sớm phương án thi tốt nghiệp mới
Theo thông tin từ Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, tại hội nghị cụm thi đua số 1 bao gồm 5 sở GD-ĐT của 5 TP trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây (27 và 28/7), lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã đại diện đề xuất về việc tuyển thẳng vào lớp 10 và phương án thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH… Vì vậy, các Sở GD&ĐT đề nghị Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương quy định đối tượng tuyển thẳng vào lớp 10. Ngoài ra, cụm thi đua cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia đối với các môn ngoại ngữ như tiếng Nhật, Hàn, Trung Quốc tại 5 thành phố lớn vì ở những nơi này đã triển khai dạy học các môn nói trên.
Đặc biệt, kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT đối với học sinh theo học chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 (năm học 2022-2023 bắt đầu triển khai ở lớp 10) để các Sở GD&ĐT thuận lợi trong việc xây dựng các hoạt động giáo dục trong nhà trường.