'Điểm nóng' của cuộc giám sát tối cao

8 dự án trọng điểm quốc gia đều chậm mốc tiến độ; các gói hỗ trợ phục hồi không giải ngân hết khiến hiệu quả chính sách không đạt mục tiêu kỳ vọng - là những vấn đề lớn sẽ được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ trong phiên thảo luận hôm nay về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia. Đây chắc chắn là 'điểm nóng' được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng.

Đối với Nghị quyết 43, hầu hết chính sách đã kết thúc (ngoại trừ chính sách đầu tư phát triển đang tiếp tục thực hiện do Quốc hội cho phép kéo dài đến 31.12.2024 và chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng áp dụng đến 30.6.2024). Việc giám sát ở thời điểm này không chỉ nhằm đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết, làm rõ nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ thực hiện các chính sách và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; mà còn từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và kịp thời xử lý vướng mắc của những chính sách trong thời hạn được kéo dài.

Nghị quyết 43 gồm nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất tổng thể, áp dụng trên toàn quốc. Báo cáo của Đoàn giám sát khẳng định nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết này cơ bản hoàn thành. Trong đó, tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; tăng trưởng năm 2023 là 5,05% - tuy không đạt mục tiêu Quốc hội giao song cũng là mức khá cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, giảm lãi suất cho vay đã góp phần hỗ trợ dòng tiền, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án đầu tư không bảo đảm thời hạn quy định (trong 2 năm 2022 - 2023). Một số chính sách người dân và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, chờ đợi thì kết quả lại khiêm tốn, như chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm chỉ đạt 3,05% kế hoạch; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 56%...

Từ kết quả giám sát, có 5 bài học quan trọng đã được Đoàn giám sát chỉ ra. Thứ nhất, việc phản ứng nhanh, ban hành kịp thời chính sách ứng phó với thực tiễn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là hết sức cần thiết. Thứ hai, ban hành chính sách cần gắn chặt với yêu cầu cân đối nguồn lực thực hiện. Thứ ba, cần đổi mới, nâng cao năng lực công tác dự báo để đề xuất, ban hành chính sách phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi. Thứ tư, Nghị quyết được triển khai khẩn trương, đồng bộ từ trung ương đến địa phương với quyết tâm cao, nhận thức và xác định đúng tầm quan trọng của các chính sách đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, bảo đảm thực hiện mục tiêu chính sách đã đề ra. Cuối cùng là cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách thành công.

Đối với các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, việc Quốc hội tổ chức giám sát ngay khi các dự án đang trong quá trình triển khai có ý nghĩa quan trọng trong việc đôn đốc, thúc đẩy Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ; và đặc biệt là phát hiện khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời, bảo đảm các dự án về đích đúng hẹn.

Kết quả giám sát cho thấy cả 8 dự án hiện đều chậm tiến độ so với yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, hoặc chậm so với các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ (gồm dự án sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Các nguyên nhân khách quan, chủ quan và địa chỉ chịu trách nhiệm đã được Đoàn giám sát nêu đầy đủ, chi tiết trong Báo cáo. Từ những khó khăn, vướng mắc được nhận diện qua những chuyến thực địa và làm việc với các đơn vị liên quan, Đoàn giám sát đã đề xuất 13 nhóm giải pháp, nhiệm vụ Chính phủ cần thực hiện để bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án này. Cả 8 dự án đều có ý nghĩa lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương nên không thể chậm trễ hơn được nữa.

Tuy là hai mảng nội dung khác nhau nhưng điểm kết nối đó là những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai Nghị quyết 43 có thể áp dụng cho việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, nâng cao năng lực cán bộ cả trong đề xuất, ban hành và thực thi chính sách; bài học về phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc là những bài học quan trọng nhất cần được các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/diem-nong-cua-cuoc-giam-sat-toi-cao-i372803/