Điểm sàn các trường đại học đào tạo ngành tài chính - ngân hàng hiện ra sao?
Hiện nhiều trường đại học tuyển sinh, đào tạo ngành tài chính - ngân hàng đã công bố điểm sàn để các thí sinh tham khảo. Từ thông tin một số trường công bố, điểm sàn hiện đang dao động ở từ 15 đến 21 điểm.
Hội đồng tuyển sinh Học viện Ngân hàng đã thông báo về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp là 21 điểm (đã bao gồm điểm ưu tiên, khuyến khích), mức điểm tương đương năm ngoái.
Bên cạnh đó, nhà trường công bố điểm chênh lệch giữa 8 tổ hợp sử dụng xét tuyển phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, gồm A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, tiếng Anh), D01 (toán, văn, tiếng Anh), D07 (toán, hóa, tiếng Anh), D09 (toán, tiếng Anh, sử), D14 (tiếng Anh, văn, sử), C00 (văn, sử, địa), C03 (toán, văn, sử), trong đó tổ hợp gốc là D01.

Bảng quy đổi tương đương mức điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển của Học viện Ngân hàng năm 2025
Theo Học viện, năm tổ hợp A00, A01, D07, D09, D14 không có chênh lệch điểm so với tổ hợp D01; tổ hợp C00, C03 có điểm trúng tuyển cao hơn so với tổ hợp D01 là 2,5 điểm trên thang điểm 30.
Theo đó, tổ hợp A00, A01, D07, D09, D14 không có chênh lệch điểm so với tổ hợp D01. Tổ hợp C00, C03 có điểm trúng tuyển cao hơn so với tổ hợp D01 là 2,5 điểm trên thang điểm 30.
Năm 2025, Học viện Ngân hàng dự kiến tuyển sinh 3.644 chỉ tiêu với 5 phương thức tuyển sinh, gồm xét tuyển thẳng; xét học bạ; xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế; xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực; xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tại Trường Đại học Tài chính - Kế toán, mức điểm nhận hồ sơ theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 đối với các ngành kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng và kinh doanh quốc tế là 15 điểm. Mức điểm nhận hồ sơ theo phương thức xét học bạ THPT đối với các ngành kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng và kinh doanh quốc tế là 18 điểm.
Học viện Tài chính cho biết, ngưỡng đầu vào (điểm sàn) nhận hồ sơ xét tuyển ở mức 19-20 tùy từng ngành, giảm 2 điểm so với năm ngoái. Trong số 37 ngành/chương trình, có 16 ngành lấy điểm sàn 20. Đây là những chương trình định hướng theo chứng chỉ quốc tế như ACCA (chứng chỉ kế toán và kiểm toán), ICAEW (chứng chỉ kế toán), CMA (chứng chỉ kế toán quản trị) và ICDL (chứng chỉ tin học). Điểm sàn các ngành còn lại là 19. Năm nay, cơ sở giáo dục đại học này sử dụng 4 tổ hợp xét tuyển truyền thống: A00, A01, D01 và D07 theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để xét tuyển và không có sự chênh lệch điểm xét tuyển, điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp này.
Một trường có tiếng ở phía nam cũng đào tạo về tài chính - ngân hàng đó là Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh. Ở phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhà trường công bố mức điểm sàn 18 điểm, đây cũng là mức điểm sàn của năm 2024. Điểm này đã bao gồm điểm ưu tiên tuyển sinh theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, áp dụng cho tất cả các ngành/chương trình sử dụng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Trong khi đó, Trường đại học Tài chính - Marketing cho biết, ngưỡng đầu vào xét tuyển đại học chính quy năm 2025 chung cho tất cả các ngành 15 điểm, bao gồm các ngành tài chính - ngân hàng và công nghệ tài chính. Mức sàn này là tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển từ kỳ thi THPT 2025, không môn nào dưới 1,0 điểm (áp dụng chung đối với kết quả thi theo đề thi của chương trình giáo dục phổ thông 2006 và chương trình giáo dục phổ thông hiện hành).

Điểm chuẩn ngành tài chính - ngân hàng có thể không cao hơn năm ngoái
Dự báo về điểm chuẩn các ngành liên quan đến tài chính, kế toán, ngân hàng, TS. Trịnh Thanh Huyền - Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế (Học viện Tài chính), thời điểm này khó dự đoán điểm chuẩn của các ngành/chương trình đào tạo. Năm nay, điểm trúng tuyển sẽ được quy đổi tương đương về một đầu điểm chung.
Theo bà Huyền, nhìn chung, điểm chuẩn các ngành, chương trình đào tạo liên quan tài chính, kế toán, ngân hàng có thể giảm hơn so với năm trước. Dù điểm chuẩn có thể giảm nhưng với cơ chế “nước nổi thì bèo nổi”, nên nếu có thì sẽ giảm chung. Vì vậy, vị tiến sỹ khuyên thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn năm ngoái của các trường để sắp xếp thứ tự nguyện vọng phù hợp nhất.
Vị chuyên gia cũng tư vấn, thí sinh nên chia nguyện vọng thành 3 nhóm. Nhóm 1 là nhóm mong muốn được vào học nhất nhưng có độ chênh so với điểm thi của mình. Nhóm 2 là nhóm an toàn và nhóm 3 là nhóm thấp hơn so với điểm thi để đảm bảo cơ hội trúng tuyển đại học năm nay.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) từ ngày 16/7 đến 17h00 ngày 28/7.
Nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục cũng lưu ý, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần đọc kỹ hướng dẫn, tham khảo tài liệu chính thống từ các trường hoặc các kênh truyền thông uy tín để hiểu rõ quy trình. Khoảng thời gian sau khi hoàn tất đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh nên đăng xuất rồi đăng nhập lại để kiểm tra xem hệ thống đã ghi nhận nguyện vọng chưa, tránh lỗi do mạng hoặc gián đoạn kết nối. Bên cạnh đó, các em cần chú ý nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng đã đăng ký. Thời gian nộp lệ phí bắt đầu từ 29/7 và kết thúc lúc 17h ngày 5/8.