Điểm sáng giáo dục từ xây dựng nông thôn mới

Ở nhiều địa phương đạt nông thôn mới, giáo dục có nhiều đổi thay và vươn lên trở thành điểm sáng.

Một lớp học của Trường tiểu học Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT.

Một lớp học của Trường tiểu học Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT.

Minh chứng sinh động

Những năm qua, ngành Giáo dục huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã đạt được những thành tựu cơ bản trong việc phát triển quy mô, mở rộng mạng lưới, hình thành hệ thống trường, lớp ở các cấp học.

Qua đó, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh trong huyện và phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã, thị trấn; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm chỉ đạo tích cực, hiệu quả.

Đến hết tháng 8/2024, huyện Gia Lâm có 83 trường công lập từ cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Huyện đã phấn đấu xây dựng 79 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 28 trường đạt mức độ 2, 51 trường đạt mức độ 1. Kết quả trên là một trong những minh chứng rõ nét, sinh động về chương trình nông thôn mới.

Trường THCS Thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) được xây dựng hệ thống phòng học và 12 phòng chức năng hiện đại, đúng tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT. Thầy Phùng Đắc Nam – Phó hiệu trưởng cho biết, cơ sở vật chất được nhà trường trang bị hệ thống hiện đại, màn hình chiếu 75inh ở tất cả các phòng học.

Tất cả các phòng học, phòng chức năng được trang bị máy chiếu đa vật thể. Đường truyền mạng cũng được phủ sóng 100% tất cả các lớp. Ngoài giờ học, học sinh có thể vào máy tính, ti vi của lớp để chuẩn bị các nội dung cho tiết học sau.

Các em cũng có thể kết nối giữa các phòng để tự xử lý nhiệm vụ theo nhóm. Nhờ đó, phong trào học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học dần được đẩy mạnh với nhiều kết quả nổi trội.

 Huyện Sóc Sơn tổ chức cắt băng khánh thành Trường THCS Mai Đình – Tiên Dược. Ảnh: Phòng GD&ĐT.

Huyện Sóc Sơn tổ chức cắt băng khánh thành Trường THCS Mai Đình – Tiên Dược. Ảnh: Phòng GD&ĐT.

Chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Năm 2021, xã Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội) được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã đã lựa chọn tiêu chí về giáo dục, phù hợp vùng quê hiếu học để tiếp tục chung sức, đồng lòng tập trung hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục.

Trường Tiểu học và Mầm non Kim Lũ đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. các nhà trường tiếp tục duy trì tinh thần đoàn kết, thống nhất, xây dựng đơn vị có chất lượng giáo dục toàn diện.

Hiện, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đi lớp luôn đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào lớp 6 đạt 100%.

Cơ sở vật chất trường lớp nâng cao; tạo môi trường thân thiện, an toàn tuyệt đối, bảo đảm cho trẻ luôn được bảo vệ trong sự kiểm soát của giáo viên và nhà trường. Giáo viên nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tại các nhóm, lớp, tạo uy tín với phụ huynh, thu hút trẻ đến trường.

Tính đến hết năm 2024, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có 18/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt 48% chỉ tiêu được giao; 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, vượt 28% mục tiêu.

 Một hoạt động ngoài giờ lên lớp của Trường tiểu học Việt Long, Trường tiểu học Bắc Phú và Trường tiểu học Tân Hưng (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT.

Một hoạt động ngoài giờ lên lớp của Trường tiểu học Việt Long, Trường tiểu học Bắc Phú và Trường tiểu học Tân Hưng (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT.

Ông Bùi Duy Cường - Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cho hay, phấn đấu trong giai đoạn 2025-2030, toàn huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 2 xã nông thôn mới thông minh và hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2025.

Một trong những kết quả nổi bật là giáo dục và đào tạo. Bà Trần Thị Thanh Huế - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn chia sẻ, hiện quy mô giáo dục tiếp tục được mở rộng, chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng cao. Ngoài ra, công tác đổi mới phương pháp giảng dạy ngày càng hiệu quả.

Kỳ thi học sinh giỏi và giáo viên giỏi cấp huyện, thành phố được tổ chức chặt chẽ, giữ vững thành tích về số lượng và chất lượng. Công tác quản lý giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, từ kỷ cương đến nền nếp, tạo nền tảng vững chắc cho toàn ngành. Công tác xã hội hóa giáo dục cũng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.

Theo ông Bùi Duy Cường, thời gian tới, huyện Sóc Sơn tập trung tháo gỡ những khó khăn bằng cách huy động nguồn lực xã hội, cải thiện chính sách hỗ trợ; đồng thời thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực còn yếu. Bên cạnh đó, huyện sẽ chú trọng đầu tư, phát triển các chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo. Qua đó, không chỉ nâng cao chất lượng sống cho người dân, mà còn tạo dựng một nền tảng bền vững để tiến xa hơn.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/diem-sang-giao-duc-tu-xay-dung-nong-thon-moi-post717178.html