'Điểm sáng' tín dụng ưu đãi ở vùng biên
Tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực; bảo đảm an sinh xã hội nơi vùng biên.
Đức Cơ là huyện nằm ở phía tây tỉnh Gia Lai, có vị trí quan trọng trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; với Quốc lộ 19 là trục giao thông chiến lược gắn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, trên tuyến hành lang biên giới Việt Nam - Campuchia.
Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đức Cơ đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực; bảo đảm an sinh xã hội nơi vùng biên.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều người dân thay đổi cuộc sống vươn lên thoát nghèo như hộ gia đình chị Rơ Lan H’Bim, làng Hrang, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ. Trước đây gia đình chị thuộc diện khó khăn và cuộc sống chỉ thay đổi khi chị H’Bim tham gia vào Hội Phụ nữ và được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH. Có vốn ưu đãi, vợ chồng chị H’Bim đã đầu tư trồng 400 cây cà phê trên diện tích đất do bố mẹ để lại. Khi cà phê đã cho thu hoạch, gia đình đã tích lũy được ít vốn và tiếp tục mua thêm đất trồng điều và cao su. Nhờ cần cù, chịu khó, đến nay mỗi năm gia đình chị H’Bim có nguồn thu ổn định gần 200 triệu đồng.
Nhớ lại thời điểm được vay vốn NHCSXH cách đây gần 5 năm, chị Rơ Lan H’Bim xúc động chia sẻ: “Lúc khó khăn nhất, gia đình tôi được tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn của làng hướng dẫn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện. Cầm số tiền lớn, hai vợ chồng cứ suy nghĩ mãi rồi quyết định trồng cà phê. Sau đó tích cực làm ăn rồi trồng thêm cao su và điều. Bây giờ kinh tế cũng đỡ hơn nhiều rồi”.

NHCSXH huyện Đức Cơ giải ngân vốn tại điểm giao dịch xã
Hộ gia đình anh Bưng, một thanh niên người dân tộc Bahnar, sinh sống tại làng Yit Rông 2, xã Ia Din, huyện Đức Cơ. Cách đây vài năm, cuộc sống rất khó khăn, vợ chồng Bưng được đoàn thanh niên xã bảo lãnh để vay vốn từ NHCSXH. Từ số tiền vay 30 triệu đồng, vợ chồng anh Bưng đã mua một con bò về để nuôi và trồng 2 ha cà phê. Để phát huy nguồn vốn vay của ngân hàng và vươn lên thoát nghèo, anh Bưng luôn tìm tòi kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trên các phương tiện thông tin đại chúng và tham gia nhiều lớp tập huấn do địa phương tổ chức. Từ những kiến thức tiếp thu được, anh áp dụng vào thực tế nên đàn bò và vườn cây của gia đình ngày càng phát triển. Từ một con bò ban đầu, đến nay, đàn bò của gia đình đã có gần chục con. “Nhờ có nguồn vốn vay ban đầu của NHCSXH mà gia đình giờ đã có của ăn, của để và có thêm nguồn vốn đầu tư tái sản xuất. Đến nay, không những thoát nghèo mà còn là một gia đình thanh niên làm kinh tế tiêu biểu của làng, của xã với thu nhập gần 300 triệu đồng/năm”, anh Bưng chia sẻ.
Việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới đã thu hút cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Đức Cơ chung tay vào cuộc. Qua đó, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một “điểm sáng” và là một trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.
Hoạt động tín dụng chính sách đã huy động các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương; nguồn vốn tín dụng chính sách tăng trưởng cả về khối lượng và chất lượng, đặc biệt nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH huyện Đức Cơ từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay tăng trên 10 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 448.950 triệu đồng, với 8.885 khách hàng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận một cách thuận lợi và kịp thời.
Lãnh đạo NHCSXH huyện Đức Cơ cho biết, kết quả trên là nhờ tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện tốt nội dung ủy thác, thường xuyên tham gia giao ban với NHCSXH để nắm bắt và tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc; tăng cường củng cố hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp lồng ghép chuyển giao khoa học, kỹ thuật cùng với giải ngân nguồn vốn vay giúp bà con biết cách đầu tư, tổ chức kinh doanh phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn. Nhờ vậy, các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Đức Cơ được triển khai sâu rộng và đi vào cuộc sống, thực sự mang lại hiệu quả, đem lại lòng tin cho người dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo của địa phương.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-sang-tin-dung-uu-dai-o-vung-bien-164300.html