Điểm sáng trong phong trào tăng gia sản xuất ở Kiên Giang

Ban CHQS huyện Tân Hiệp là đơn vị được Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang chọn làm điểm thực hiện mô hình tăng gia sản xuất theo Đề án 'Nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất, chế biến trong quân đội bảo đảm phù hợp, an toàn, bền vững giai đoạn 2021-2025 đến năm 2030' của Bộ Quốc phòng (gọi là Đề án QN-21). Với sự chủ động, sáng tạo, phát huy nguồn lực tại chỗ, qua gần 2 năm triển khai thực hiện, đơn vị đã có nhiều cách làm hay, mô hình tăng gia sản xuất phù hợp, phát huy hiệu quả.

Thượng tá Phan Thanh Phong, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tân Hiệp cho biết, để thực hiện hiệu quả Đề án QN-21, Ban CHQS huyện đã tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ; xây dựng kế hoạch; phân công từng bộ phận chuyên môn thực hiện. Đồng thời, đơn vị đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện xin chủ trương về kinh phí cũng như quy hoạch xây dựng khu tăng gia sản xuất tập trung.

“Với tổng diện tích gần 1ha, chúng tôi đã đầu tư hơn 650 triệu đồng để nuôi cá, gia súc, gia cầm, trồng rau, cây ăn trái theo hướng tận dụng tối đa diện tích đất, mặt nước; quy hoạch thiết kế và xây dựng nhà lưới khép kín để trồng rau xanh có hệ thống tưới tự động... vừa giúp giảm chi phí chăm sóc, lại nâng cao giá trị sản phẩm. Qua gần 2 năm, Ban CHQS huyện đã chủ động nguồn thực phẩm từ 60 đến 70% rau xanh, lợi nhuận gần 400 triệu đồng/năm, đưa vào ăn thêm cho bộ đội 5.000 đồng/người/ngày”, Thượng tá Phan Thanh Phong cho biết.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó tư lệnh Quân khu 9 kiểm tra khu tăng gia sản xuất Ban CHQS huyện Tân Hiệp.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó tư lệnh Quân khu 9 kiểm tra khu tăng gia sản xuất Ban CHQS huyện Tân Hiệp.

 Khu nuôi cá được quy hoạch bài bản của Ban CHQS huyện Tân Hiệp, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang.

Khu nuôi cá được quy hoạch bài bản của Ban CHQS huyện Tân Hiệp, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang.

Dẫn chúng tôi đi tham quan khu tăng gia sản xuất, Trung tá Hồ Văn Minh, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tân Hiệp cho biết, đơn vị còn quy hoạch khu vực cây ăn quả dưới nền đất trũng thấp, với 7 liếp trồng khoảng 100 cây các loại như: Bơ, vú sữa, mít, ổi, đu đủ… Các cây ăn quả đã và đang phát triển tốt, cho thu hoạch ổn định. Ngoài ra, tận dụng các khoảng đất trống, Ban CHQS huyện còn trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như: Bầu, mướp, đậu bắp…

“Ngoài trồng rau xanh, cây ăn quả, chúng tôi còn chú trọng phát triển chăn nuôi cá và các loại gia súc, gia cầm như: Heo, gà, vịt, dê... Từ những ao nhiễm phèn, đơn vị đã cải tạo nguồn nước quy hoạch thành 2 ao nuôi cá có độ sâu từ 1,5m đến 2m, thả nuôi các loại như: Cá tra, chép, rô phi, trê phi, trắm cỏ… số lượng khoảng 5 tấn và đang phát triển tốt. Đồng thời, hưởng ứng phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, đơn vị đã tận dụng các vật liệu sẵn có làm mới bể bạt nuôi cá chạch lấu, với diện tích 18m2 và đã thả nuôi 1.000 con cá giống đang phát triển tốt”, Trung tá Hồ Văn Minh bật mí.

Khu vực nuôi cá chạch lấu ở Ban CHQS huyện Tân Hiệp.

Khu vực nuôi cá chạch lấu ở Ban CHQS huyện Tân Hiệp.

Ngoài các mô hình trên, ấn tượng nhất với chúng tôi là mô hình chăn nuôi tập trung theo quy trình khép kín ở Ban CHQS huyện Tân Hiệp. Được biết, trên cơ sở chuồng chăn nuôi cũ, đơn vị đã cải tạo, nâng cấp khu chăn nuôi tập trung khá khoa học. Trong đó, khu chăn nuôi heo được chia thành nhiều ô khác nhau để tiện cho việc nuôi heo nái sinh sản, chăm sóc cho đến khi heo trưởng thành và có thể xuất chuồng. Ngoài ra, đơn vị còn xây dựng 1 chuồng gà, 1 chuồng vịt khép kín. Để giảm chi phí thức ăn, đơn vị đã tận dụng nguồn thức ăn dư thừa như rau xanh, chuối...

Khu chăn nuôi heo tập trung.

Khu chăn nuôi heo tập trung.

Thượng tá Phan Thanh Phong cho biết: “Cùng với việc lựa chọn những loại cây phù hợp để canh tác đạt hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ đơn vị cũng thường xuyên nghiên cứu, học tập các mô hình hiệu quả qua các phương tiện thông tin đại chúng, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Đồng thời, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo đàn gia súc, gia cầm luôn sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, ổn định. Nông sản tạo ra giúp tiết kiệm trên 30% so với giá thị trường; tăng gia sản xuất còn giúp cán bộ, chiến sĩ rèn luyện ý thức, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường. Từ kết quả đạt được trong tăng gia sản xuất, đơn vị đã trích một phần lãi thực hiện công tác chính sách, “đền ơn, đáp nghĩa” nhân các ngày lễ, Tết; sửa chữa nhỏ doanh trại…”.

Khu vực trồng rau trong nhà lưới ở Ban CHQS huyện Tân Hiệp.

Khu vực trồng rau trong nhà lưới ở Ban CHQS huyện Tân Hiệp.

Trong đợt kiểm tra mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó tư lệnh Quân khu 9 đánh giá cao việc triển khai tăng gia sản xuất theo Đề án QN-21 của Ban CHQS huyện Tân Hiệp; đồng thời đề nghị đơn vị tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện tốt mô hình tăng gia sản xuất tập trung kết hợp với Phong trào Thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi... đảm bảo hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ; góp phần xây dựng đơn vị nền nếp, chính quy, xanh, sạch, đẹp.

Bài, ảnh: ĐỨC VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/diem-sang-trong-phong-trao-tang-gia-san-xuat-o-kien-giang-804329