Điểm sáng trong thu hút đầu tư FDI của Long An
Để đầu tư hiệu quả, tỉnh Long An tập trung vào những ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logisctic gắn với cảng biển quốc tế và phát triển đô thị sinh thái.
Tháng 3/2023, UBND tỉnh Long An tổ chức đoàn công tác đến một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) nhằm quảng bá, mời gọi đầu tư, cho thấy sự năng động của chính quyền trong việc tìm kiếm sự quan tâm đầu tư từ các quốc gia phát triển. Động thái này cũng có ý nghĩa mang tính quyết định trong chiến lược của Long An nhằm duy trì vị trí tốp đầu về thu hút FDI ở khu vực ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sẵn sàng đón sóng đầu tư
Tình hình thu hút đầu tư tại Long An có nhiều dấu hiệu tích cực khi 3 tháng đầu năm nay, khoảng 350 DN và hơn 600 hộ kinh doanh cá thể được thành lập, tổng vốn khoảng 4.600 tỷ đồng. Sau các hoạt động xúc tiến tại 3 quốc gia châu Á và Australia, có 17 dự án FDI được cấp mới với tổng vốn 180 triệu USD.
Trong đó, nổi bật là dự án dịch vụ logistic của Công ty TNHH Lotte Eco Logis Long An, đang được gấp rút triển khai với tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc giai đoạn 1 là 306 tỷ đồng, tương đương hơn 13,4 triệu USD. Với diện tích hơn 79.000 m2, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý IV/2023, dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ sau một ngày nộp hồ sơ đăng ký.
Ông Lê Văn Thành - Quản lý phát triển dự án Công ty TNHH xây dựng và kỹ thuật Lotte Việt Nam cho biết, có nhiều lý do khiến Lotte tiếp tục chọn Long An để đầu tư dự án kho bãi thứ hai ở miền Nam, điểm sáng lớn nhất là thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư rất nhanh gọn.
“Lotte luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Theo đánh giá Long An còn nhiều tiềm năng, thị phần để phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam đang được quy hoạch thành trung tâm trung chuyển hàng hóa nên các tập đoàn nước ngoài rất quan tâm”, ông Thành nhận xét.
Sau những chuyến xúc tiến đầu tư ở nước ngoài của UBND tỉnh Long An, hàng loạt tập đoàn, DN lớn đã đến tìm hiểu, khảo sát địa điểm cho các dự án, nhất là lĩnh vực đô thị, thương mại dịch vụ… Ngoài một số tập đoàn như STS, Yushin, CJ, Lotte, Iraq, Coca-Cola…, Long An đã kết nối, ký kết khoảng 20 văn kiện ghi nhớ, hợp đồng hợp tác giữa DN của tỉnh với DN các nước. Hiện tỉnh đã tiếp nhận trên 10 tỉ USD vốn FDI của 40 quốc gia và vùng lãnh thổ; những đối tác hàng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Tại Lễ công bố báo cáo thường niên PCI năm 2022 vào đầu tháng 4, Long An tăng 6 bậc trong bảng xếp hạng PCI, nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số điều hành kinh tế xuất sắc. Trước đó, tính chung cả năm 2022, nguồn vốn FDI vào tỉnh này giảm đột biến, tới 2,9 tỷ USD so với cùng kỳ, dù số dự án tăng nhẹ.
Ông Trương Văn Liếp, quyền Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Long An cho biết, kết quả PCI năm 2022 của tỉnh dù được cải thiện về điểm số và thứ bậc, song để thu hút đầu tư trong năm 2023 vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là cải thiện chỉ số về gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý.
“Chỉ 35% DN tư nhân và 33% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dự định mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới, tức là có tới 2/3 số DN dự kiến không tăng thêm quy mô. Long An cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, những nỗ lực cải thiện chưa thực sự phát huy hiệu quả, vẫn còn những rào cản, điểm nghẽn, bất cập trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ”, ông Liếp cho biết.
Giải quyết điểm nghẽn về quy hoạch để hút FDI
Để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, Long An đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường tiềm năng khác như Mỹ, Singapore, Hong Kong và các quốc gia châu Âu. UBND tỉnh kỳ vọng thu hút những dự án lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giữ vững vị trí top đầu cả nước trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.
Ngoài việc giải quyết những điểm nghẽn về đầu tư, để tăng hấp lực cần nhất vẫn là bản quy hoạch mới, đầy đủ và khoa học. Chính vì vậy địa phương đã thuê đơn vị tư vấn Merkelia của Mỹ lập quy hoạch mới. Theo đó, Long An tập trung một số ngành nghề mũi nhọn, vẫn ưu tiên công nghiệp nhưng phải mang tính hiện đại, kết hợp các khu đô thị đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, để đầu tư hiệu quả, tỉnh Long An tập trung vào những ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logisctic gắn với cảng biển quốc tế và phát triển đô thị sinh thái. Long An khẳng định phát triển công nghiệp phải mang tính bền vững, không vì sự phát triển công nghiệp mà đánh đổi vấn đề môi trường.
Nhiều điểm sáng thời gian gần gây đã phần nào phản ánh sức hút đầu tư mạnh mẽ của Long An. Trong giai đoạn phát triển mới, địa phương tập trung chuyển đổi theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, chuyển dịch cơ cấu đầu tư thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và hướng tới không gian đô thị công nghiệp thân thiện với môi trường./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/diem-sang-trong-thu-hut-dau-tu-fdi-cua-long-an-post1015663.vov