Điểm sáng về hội nhập
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025: 'Xây dựng Lào Cai phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc'. Điều đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Lào Cai trong không gian phát triển của vùng, khu vực và chiến lược đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Lào Cai xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển 30 năm qua.
Khai mạc Hội chợ Thương mại biên giới Trung - Việt lần thứ 20, năm 2020. Ảnh: Đức Phương
Coi trọng mối quan hệ truyền thống
Khi tỉnh tái lập cũng là thời điểm Việt Nam bình thường hóa mối quan hệ với Trung Quốc. Ngay trong những ngày đầu tái lập, tỉnh Lào Cai đã coi trọng và có mối quan hệ chủ động với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nhằm đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có kinh tế. Ngày 18/5/1993, cửa khẩu đường sắt, đường bộ qua cầu Hồ Kiều chính thức được mở trở lại, tạo điều kiện cho người dân và phương tiện giữa 2 quốc gia trao đổi thương mại, giao lưu văn hóa. Sau đó, 2 tỉnh Lào Cai và Vân Nam đã khai thác tốt cặp cửa khẩu quốc tế; đến năm 1996 chính thức khai thông đường sắt liên vận Côn Minh - Lào Cai.
Đồng chí Phạm Kỳ, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung tỉnh Lào Cai cho biết: Về chính trị, ngoại giao, mối quan hệ tốt đẹp giữa tỉnh Lào Cai và Vân Nam được thiết lập rất sớm và liên tục nâng tầm, 2 bên thường xuyên tổ chức đoàn đại biểu cấp cao, đoàn các ngành, các địa phương gặp gỡ trao đổi, tìm hiểu, thiết lập mối quan hệ hữu nghị hợp tác. Có thời điểm, hoạt động trao đổi đoàn tới 120 cuộc mỗi năm với các nội dung giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, y tế, giáo dục, ngân hàng, tư pháp...
Thể hiện rõ mối quan hệ láng giềng thân thiện, hợp tác toàn diện, trong 20 năm trở lại đây, lãnh đạo cấp cao 2 tỉnh Lào Cai và Vân Nam liên tục sang thăm lẫn nhau, tổ chức hội đàm, hợp tác song phương và trong khuôn khổ hợp tác giữa các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), hợp tác các tỉnh giữa hai bên trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng mà tỉnh Lào Cai đóng vai trò cầu nối. Năm 2008, Lào Cai tham gia Nhóm công tác liên hợp giữa 4 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và tổ chức thành công phiên họp Nhóm công tác liên hợp đầu tiên tại tỉnh Lào Cai vào tháng 9 năm 2008. Gần đây nhất, ngày 18/5/2021, lãnh đạo tỉnh Lào Cai cùng lãnh đạo các tỉnh của Việt Nam trong nhóm hợp tác đã tham gia hội đàm theo hình thức trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có sự tham gia của cán bộ ngoại giao 2 quốc gia, trong đó tỉnh Lào Cai tiếp tục được ghi nhận là có vị trí kết nối quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế và nhóm hợp tác.
Nhờ coi trọng mối quan hệ hợp tác mà quá trình phân giới, cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc được đẩy mạnh, năm 2007, Lào Cai là tỉnh đầu tiên trên tuyến 7 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc hoàn thành việc cắm mốc giới trên thực địa và được Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ mừng công. Phát huy vị trí cầu nối tuyến hành lang kinh tế kết nối các tỉnh Tây Nam Trung Quốc và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng (Việt Nam) và các nước ASEAN, lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư giữa Lào Cai và Vân Nam liên tục được nâng lên, trong đó kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 3,2 tỷ USD, phấn đấu năm 2021 nâng lên 4,6 tỷ USD. Mối quan hệ giữa Lào Cai và Vân Nam đã trở thành hình mẫu hợp tác địa phương giữa các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc với tỉnh đối diện phía Trung Quốc.
Bên cạnh mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), ngay từ rất sớm, tỉnh Lào Cai đã chủ động mở rộng các mối quan hệ hợp tác mới với các tổ chức, địa phương nước ngoài, điển hình như với Vùng Aquitaine (Cộng hòa Pháp), Vùng Vancouver (Ca-na-đa), hợp tác giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Brest (Cộng hòa Bê-la-rút)…
Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế
Theo đồng chí Phạm Thanh Quang, Giám đốc Sở Ngoại vụ, quan hệ đối ngoại đã mở đường cho Lào Cai tăng cường hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế. Điển hình như việc hợp tác, trao đổi ngoại giao giữa lãnh đạo tỉnh với đại sứ quán các nước tại Việt Nam, trong đó Đại sứ quán Vương quốc Anh, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch... đã đến thăm và làm việc tại Lào Cai. Tỉnh Lào Cai cũng chủ động triển khai các buổi tiếp xúc, làm việc với cơ quan hợp tác quốc tế tại Việt Nam nhằm đẩy mạnh việc thu hút tài trợ nguồn lực phát triển cho tỉnh như với đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA)... Thông qua các tổ chức này, tỉnh Lào Cai có điều kiện mở rộng hợp tác với các địa phương, điển hình như sau khi tổ chức KOICA thực hiện Dự án Hạnh phúc trên địa bàn, tỉnh Lào Cai đã thiết lập và đẩy mạnh quan hệ với thành phố Gyeongsan (Hàn Quốc).
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang có 32 chương trình, dự án ODA được triển khai, trong đó có 14 chương trình, dự án chuyển tiếp của giai đoạn 2001 - 2005 và 18 chương trình dự án được khởi công mới. Điển hình là một số chương trình, dự án như nâng cấp các tỉnh lộ do Bộ Giao thông vận tải chủ quản sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với tổng giá trị dự án 70 triệu USD; Dự án giảm nghèo 6 tỉnh miền núi phía Bắc, giai đoạn I do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ quản sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) với tổng giá trị 110 triệu USD; Dự án Giao thông nông thôn III do Bộ Giao thông vận tải chủ quản sử dụng nguồn vốn ODA của WB và DFID với tổng giá trị dự án 130,75 triệu USD; Dự án Cơ sở hạ tầng nông thôn và Du lịch tỉnh Lào Cai, tổng vốn 22 triệu EUR, vốn vay Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); Dự án đường Bản Dền - Thanh Phú (Sa Pa) vốn ADB; đường Bắc Ngầm - Bắc Hà vốn vay Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC)…
Hợp tác quốc tế đã tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để Lào Cai thu hút nguồn ngoại lực phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 21 dự án vốn FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 540 triệu USD. Nhiều dự án có doanh thu lớn, phát huy hiệu quả cho kinh tế địa phương như với lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch, tiêu biểu là Dự án kinh doanh khách sạn cao cấp của Công ty TNHH Một thành viên khách sạn Victoria Sa Pa với doanh thu đạt khoảng 3 triệu USD/năm; Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái của Công ty Topas EcoLodge đầu tư vào Sa Pa đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm…
Những thành tựu của công tác đối ngoại tỉnh Lào Cai trong 30 năm qua, nhất là những năm gần đây khi tỉnh thực hiện Đề án “Mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020” đã tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/347748-diem-sang-ve-hoi-nhap