Điểm sáng xuất khẩu

Gạo, rau củ quả… vẫn giữ được tăng trưởng dương trong khi hàng loạt mặt hàng khác sụt giảm. Đáng chú ý, thời gian qua, các doanh nghiệp, nhà sản xuất đang tích cực quy hoạch lại vùng trồng, tập trung mở rộng diện tích nông sản chất lượng cao, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.

Giá gạo xuất khẩu đạt mức cao trong thời gian qua. Ảnh: Quang Vinh.

Giá gạo xuất khẩu đạt mức cao trong thời gian qua. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Huỳnh Văn Khỏe - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh cho biết, trước đây công ty xuất khẩu sang EU chỉ 1-2 container/năm (khoảng 20 tấn/container), nhưng hiện nay đã tăng lên vài nghìn tấn/năm.

Xuất khẩu gạo tăng trưởng cao nhất trong 10 năm

Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang tăng mạnh so với cùng kỳ. Ghi nhận trong tuần cuối tháng 5/2023, giá gạo xuất khẩu tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 4/2023. Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 490 - 495 USD/tấn. Tính chung trong 4 tháng đầu năm, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2023 đạt 2,95 triệu tấn, trị giá 1,56 tỷ USD, tăng 43,6% về khối lượng và tăng 54,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và là mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm sản phẩm nông sản chủ lực.

Xuất khẩu gạo Việt Nam nhận điểm cao tại các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc và các thị trường tiềm năng như Chile, Singapore. Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng rất tốt nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá trị gia tăng cao.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, việc Trung Quốc thông báo mở cửa trở lại là tín hiệu tích cực cho các nhà xuất khẩu gạo. Trung Quốc cũng đã công bố cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) chính thức là cửa khẩu đủ điều kiện nhập khẩu lương thực vào Trung Quốc với 200 nghìn tấn/năm. Như vậy, cùng với cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Việt Nam có 2 cửa khẩu đường bộ được phép nhập khẩu lương thực vào Quảng Tây (Trung Quốc).

Gạo, mặt hàng chiến lược xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Gạo, mặt hàng chiến lược xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Tín hiệu tốt từ xuất khẩu rau quả

Không chỉ gạo, xuất khẩu rau quả cũng rất khả quan. Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm nay xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 804,647 triệu USD, tăng 58,7%. Tiếp đó là thị trường Hàn Quốc đạt 65,907 triệu USD, tăng 9,4%; Nhật Bản đạt 54,343 triệu USD, tăng 8,4%.

Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo các doanh nghiệp (DN) cần tận dụng lợi thế đang có để tạo sức bật cho ngành rau quả, nhất là khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Đây là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng rau quả của Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị rau quả Việt trên thị trường quốc tế.

Năm 2022, nhiều loại trái cây tươi như chuối, sầu riêng, chanh dây… đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, bưởi, chanh của Việt Nam cũng được nhập khẩu vào thị trường New Zealand; nhãn tươi được nhập khẩu vào Nhật Bản. Với những lợi thế như vậy, ngành rau quả đề ra mục tiêu, năm 2023 tăng trưởng ít nhất là 20% so với năm 2022 và dự kiến xuất khẩu rau quả có thể đạt giá trị tới 4 tỷ USD.

Riêng với thị trường Trung Quốc, theo khuyến nghị từ giới chuyên gia, DN ngành rau quả cần nghiên cứu khả năng đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với DN Trung Quốc trong lĩnh vực chế biến rau quả, một mặt nâng cao hàm lượng giá trị xuất khẩu, một mặt bắt kịp xu thế thị trường trái cây và rau quả chế biến không ngừng tăng trong những năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Duy Phú- Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) cho rằng, thị trường tỉnh Quảng Đông có nhu cầu nhất định đối với thủy sản, gạo, trái cây Việt Nam.

Hướng tới các vùng trồng chuyên nghiệp

Dù gạo hay rau củ quả đang đạt được những thành tích xuất khẩu nhất định, song cần lưu ý các thị trường xuất khẩu hiện nay ngày càng khó tính hơn, không phải hàng hóa nào cũng có thể xuất khẩu với giá cao. Việc quy hoạch lại vùng trồng, tập trung mở rộng diện tích nông sản chất lượng cao là điều mà các địa phương và DN đang hướng tới.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, việc cần làm hiện nay là đẩy mạnh liên kết để nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo. Bởi lâu nay gạo Việt Nam vẫn bán giá thấp. “Khi DN và nông dân cùng liên kết, chất lượng và giá trị của gạo Việt chắc chắn sẽ được nâng lên” - ông Bình nói.

Trong khi đó, ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) cho rằng, ngành lương thực thực phẩm luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và có nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực đang được nhiều nước quan tâm trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu đã mang lại nhiều cơ hội và lợi thế phát triển cho DN ngành sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam.

“Điều các DN sản xuất kinh doanh lương thực thực phẩm cần nhất trong lúc này là các chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất, các hoạt động xúc tiến thương mại, để giúp DN sớm phục hồi, vượt qua khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững” - ông Lữ lưu ý.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), Bộ Công thương và các đại sứ quán, hiệp hội ngành nghề cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, kiểm tra lại các thị trường, mặt hàng truyền thống để nắm bắt những gì cần thay đổi, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, cần đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu đến quốc gia mà nước ta có hiệp định thương mại tự do để ký kết các đơn hàng mới.

Ngày 26/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 583 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030; đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%. Phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice vào năm 2030. Định hướng chung của Chiến lược là chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường trọng điểm, truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo, các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư, các thị trường FTA.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/diem-sang-xuat-khau-5719029.html