Điểm sạt trượt trên đường tỉnh 237: Hiểm nguy rình rập tại Còn Chè

Từ tháng 4/2024, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, tại vị trí Km27+400 đường tỉnh 237 (Khuổi Khỉn - Bản Chắt) đã xuất hiện các vết nứt rộng từ 10 đến 30 cm, hình thành cung sạt trượt đất kéo dài tại mái ta luy dương, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của 6 hộ dân sinh sống trong khu vực.

Khu vực xuất hiện điểm sạt trượt thuộc địa bàn thôn Còn Chè, xã Tam Gia, huyện Lộc Bình. Có mặt tại khu vực này vào một ngày trung tuần tháng 6/2024, theo quan sát của phóng viên, tại điểm thứ nhất đất sạt tụt xuống từ 20 cm đến 1 m, độ cao sụt trượt trên 7 m, chiều dài khoảng 80 m, cách đằng sau nhà của các hộ dân từ 10 - 25 m; điểm thứ 2 xuất hiện vết nứt rộng từ 10 đến 30 cm, phía trên ta luy dương cách điểm thứ nhất khoảng 40 m. Từ đây hình thành cung sạt trượt đất dài khoảng 120 m. Tại khu vực này hiện có 6 hộ dân đang sinh sống trên mái ta luy dương.

Vị trí sạt lở đất đã ăn vào đường giao thông lối lên nhà các hộ dân thôn Còn Chè

Vị trí sạt lở đất đã ăn vào đường giao thông lối lên nhà các hộ dân thôn Còn Chè

Gia đình chị Hoàng Thị Sláy là 1 trong 6 hộ có nhà ở trong cung sạt trượt cho biết: Điểm sạt lở đã ăn vào đường dẫn lên các nhà dân, không những thế phía trên đồi còn hình thành các vết nứt và đất tụt chúng tôi rất lo lắng. Khi xảy ra hiện tượng trên chúng tôi đã báo UBND xã, rất mong Nhà nước sớm có biện pháp xử lý nhằm bảo đảm an toàn cho dân.

Ông Hoàng Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Gia cho biết: Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND xã đã kiểm tra, xác minh tại vị trí sạt trượt, thực hiện các biện pháp giám sát thường xuyên tại khu vực cung sạt trượt. Cùng với đó, UBND xã khuyến cáo các hộ dân thực hiện các biện pháp phòng tránh, nhất là khi xảy ra mưa lớn thì phải di dời người, tài sản có giá trị ra khỏi nhà. UBND xã cũng đã chỉ đạo thôn, sử dụng nhà văn hóa thôn để sẵn sàng di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa lớn kéo dài tại khu vực. Cùng đó, UBND xã cũng xây dựng báo cáo gửi UBND huyện Lộc Bình và kiến nghị huyện có những giải pháp xử lý ban đầu tại khu vực sạt trượt tại thôn Còn Chè.

Ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Sau khi UBND xã báo cáo, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã tổ chức kiểm tra đánh giá mức độ nguy hiểm ban đầu của khu vực cung sạt trượt tại thôn Còn Chè. Đây là vấn đề rất cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng của người dân, do đó, huyện đã báo cáo sự cố tới Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh xin ý kiến chỉ đạo và biện pháp xử lý. Đồng thời, huyện đã thành lập tổ công tác và mời các chuyên gia địa chất tiếp tục kiểm tra thực tế hiện trường nhằm đánh giá toàn diện khu vực cung sạt trượt từ đó đề xuất tỉnh thực hiện biện pháp xử lý dứt điểm.

Theo ông Đào Hữu Nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh, khu vực xảy ra cung trượt có chiều dài lớn, rất nguy hiểm, qua kiểm tra thực tế, chi cục nhận thấy nguy cơ sạt lở đất tại khu vực rất cao và nguy hiểm khi xảy ra mưa lớn. Hiện chi cục đã tham mưu lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo. Về biện pháp kỹ thuật thì phương án xây dựng kè chống sạt lở tại khu vực cung trượt không khả thi, chỉ có thể thực hiện biện pháp hạ tải cung trượt bằng cách bóc hết lớp đất tại cung sạt trượt; sau đó phân tầng bậc thang tại cung sạt trượt để chống sạt trượt và tiếp tục theo dõi diễn biến sau khi xử lý bằng biện pháp hạ tải.

Hiện nay, diễn biến thời tiết rất phức tạp, do đó để bảo đảm an toàn cho người dân, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp cụ thể để giải quyết điểm sạt trượt này. Việc xử lý sớm sẽ hạn chế tối đa nguy cơ sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản cho Nhân dân.

TRANG NINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/diem-sat-truot-tren-duong-tinh-237-hiem-nguy-rinh-rap-tai-con-che-5012200.html