Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 14/9: Cần phân hạng chung cư trước khi mở bán để bảo đảm minh bạch
Huyện Mê Linh (Hà Nội) lùi thời gian đấu giá 32 thửa đất; Bình Định cưỡng chế công trình xây dựng trái phép sau nhiều năm lấn chiếm đất đai; Đồng Nai chuyển đổi gần 142 ha đất lúa để làm dự án Khu đô thị; UBCKNN yêu cầu Khải Hoàn Land phải làm rõ thông tin về 2 siêu dự án… là những tin tức xây dựng, bất động sản đáng chú ý.
Cần phân hạng chung cư trước khi mở bán để bảo đảm minh bạch
Vấn đề phân hạng chung cư đang thu hút sự chú ý với nhiều ý kiến từ các chuyên gia và cơ quan quản lý.
Theo Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, mục tiêu của việc phân hạng chung cư là nâng cao chất lượng và tiện ích sống, đồng thời làm căn cứ tính toán chi phí quản lý và vận hành chung cư.
Cũng theo ông Sinh, bên cạnh các tiêu chuẩn chung của cơ quan quản lý, cần khuyến khích các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện bình chọn và trao giải thưởng cho các chung cư có thiết kế đẹp, hiện đại, quản trị thông minh, và sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu đơn giản hóa quy trình và phân cấp triệt để cho địa phương, nhằm giảm thiểu thủ tục cho nhà đầu tư trong giai đoạn chuẩn bị dự án xây dựng nhà ở. Điều này nhằm đảm bảo rằng phân hạng chung cư được thực hiện một cách hiệu quả mà không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng việc phân hạng chung cư là cần thiết để người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm đúng giá trị, tránh tình trạng sản phẩm không tương xứng với giá tiền. Hiện tại, nhiều dự án chung cư gắn mác cao cấp hoặc siêu sang để thu hút vốn, nhưng thực tế chưa được phân hạng chính thức.
Một báo cáo giám sát của Ủy ban Pháp luật thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8 năm 2023 cho thấy, tính đến ngày 30/11/2022, chỉ có 07 chung cư được phân hạng tại một số tỉnh như Thái Nguyên, Hà Tĩnh, và An Giang. Các địa phương khác không thực hiện phân hạng theo quy định, dẫn đến tình trạng nhà đầu tư tự "phong hạng" cho chung cư, gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Savills Việt Nam cũng nhận định rằng căn hộ dưới 3 tỷ đồng hiện được xem là phân khúc bình dân tại TP HCM, với mức giá khoảng 42 triệu đồng/m2.
Ông Lê Hoàng Châu đề xuất cần có quy định bắt buộc chủ đầu tư phải đăng ký và công bố xếp hạng chung cư theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng trước khi mở bán căn hộ. Điều này nhằm tăng cường tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Hà Nội: Huyện Mê Linh lùi thời gian đấu giá 32 thửa đất
Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam vừa có thông báo về việc thay đổi thời gian tổ chức đấu giá 32 thửa đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, TP Hà Nội (đợt 6).
Theo đó, phiên đấu giá này sẽ được được dời sang 14 giờ ngày 18/9, thay vì ngày 12/9 như công bố trước đó. Địa điểm tổ chức vẫn là hội trường Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh.
Theo văn bản của UBND huyện Mê Linh gửi Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam, lý do của việc lùi thời gian đấu giá là “để tập trung công tác phòng, chống lũ, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân.
Các lô đất đấu giá có diện tích khoảng 73,5 - 187,5 m2, giá khởi điểm dao động 21,7 - 32,8 triệu đồng/m2. Mức tiền đặt cọc thấp nhất là 405 triệu đồng, cao nhất là hơn 1,2 tỷ đồng.
Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam cũng cho biết, về quyền lợi của khách hàng, đối với các khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá, hồ sơ của khách hàng được bảo lưu đến ngày xét duyệt điều kiện. Với các khách hàng chưa nộp khoản tiền đặt trước, thời gian nộp được tính đến 17 giờ ngày 16/9.
Trước đó vào tháng 6/2024, huyện Mê Linh đã đấu giá thành công 51 lô đất tại xã Liên Mạc. Các thửa đất có diện tính từ 95 - 263,2 m2. Mức giá khởi điểm khoảng 18,4 - 20,6 triệu đồng/m2, giá đấu trúng cao nhất được xác định là 38,8 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu về cho ngân sách là 169 tỷ đồng, cao hơn 47 tỷ so với dự kiến.
Theo ông Đinh Ngọc Thức, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh, trong 6 tháng đầu năm nay, huyện đã tổ chức thành công 10 phiên đấu giá đất, thu ngân sách 1.062 tỷ đồng. Trong năm nay, huyện dự kiến tổ chức đấu giá khoảng 500 thửa đất, tập trung chủ yếu ở 4 xã Kim Hoa, Liên Mạc, Tam Đồng và Tráng Việt.
Bình Định cưỡng chế công trình xây dựng trái phép sau nhiều năm lấn chiếm đất đai
UBND thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện cưỡng chế và tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép tại khu đất của hộ ông Lê Anh Tuấn, thuộc tổ 48, khu phố 5, phường Quang Trung.
Gia đình ông Lê Anh Tuấn đã lấn chiếm khu đất từ năm 2006 và xây dựng nhiều công trình trái phép, trong đó có 7 công trình kiên cố và dựng tạm. Đây là một trường hợp vi phạm kéo dài nhiều năm chưa được xử lý triệt để.
Lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế 3 công trình tạm với tổng diện tích gần 500m2 và một số công trình khác. Dự kiến, vào tháng 11 năm 2024, các công trình kiên cố còn lại sẽ tiếp tục bị cưỡng chế.
Trước khi thực hiện cưỡng chế, UBND thành phố Quy Nhơn đã nhiều lần vận động và giải thích cho hộ gia đình ông Lê Anh Tuấn về việc tự giác chấp hành quy định pháp luật. Tuy nhiên, gia đình ông vẫn không thực hiện.
Theo ông Đoàn Thanh Bình, Đội trưởng Đội trật tự đô thị thành phố Quy Nhơn: "Công trình này đã tồn tại nhiều năm và đã có nhiều lần khiếu kiện. Theo quyết định của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng, các quyết định của thành phố đều đúng và chúng tôi tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ba công trình được cưỡng chế đều là khung nhà tạm mục đích cho thuê. UBND thành phố Quy Nhơn đã giao Ban Quản lý dịch vụ công ích thành phố tiếp quản và rào chắn khu vực ngay sau khi cưỡng chế xong."
Việc cưỡng chế nhằm đảm bảo trật tự xây dựng và thực thi đúng quy định về quản lý đất đai trên địa bàn thành phố.
Đồng Nai chuyển đổi gần 142 ha đất lúa để làm dự án Khu đô thị
UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng gần 142 ha đất lúa để thực hiện Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa tại phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa. Quyết định này nằm trong tổng số 163 ha đất trồng lúa được chuyển đổi mục đích sử dụng để triển khai các dự án tại tỉnh.
Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa có quy mô sử dụng đất khoảng 293 ha, dự kiến phục vụ cho khoảng 31.600 người. Tổng mức đầu tư của dự án lên tới hơn 72.200 tỷ đồng (gần 3 tỷ USD). Dự án nhằm xây dựng một khu đô thị mới, hiện đại và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được thực hiện trong 12 năm, từ 2023 đến 2035, và được chia thành 5 dự án thành phần. Dự kiến, các thủ tục đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng sẽ hoàn tất vào cuối năm 2025.
Khu đô thị Hiệp Hòa sẽ bao gồm hai loại hình nhà ở: nhà thấp tầng (liền kề, biệt thự) với diện tích 345.482 m2, chiếm 11,8% tổng diện tích dự án, và nhà cao tầng (chung cư) với diện tích 102.797 m2, chiếm 3,5% tổng diện tích. Nhà ở xã hội dự kiến chiếm khoảng 20% diện tích đất ở, trong khi nhà ở tái định cư có diện tích khoảng 98.441 m2, chiếm 3,4% tổng diện tích dự án.
Khu đô thị hướng đến phát triển du lịch bền vững, kết hợp nhiều loại hình nhà ở và trung tâm thương mại dịch vụ, kỳ vọng sẽ làm nổi bật cù lao Hiệp Hòa trong không gian đô thị Biên Hòa.
Vào đầu năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Sau nhiều lần mời thầu, đến ngày 25/7, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký. Liên danh 5 nhà đầu tư, bao gồm Công ty TNHH Lan Anh - Phú Quốc, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời, Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Mặt trời và Công ty TNHH Đầu tư Biển đẹp Phú Quốc, là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án.
UBCKNN yêu cầu Khải Hoàn Land phải làm rõ thông tin về 2 siêu dự án
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã gửi công văn số 5521/UBCK-GSĐC yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land cung cấp thông tin làm rõ về hai dự án lớn: Khu đô thị Gò Găng và Khu đô thị mới Tân Quới.
Theo yêu cầu của UBCKNN, Khải Hoàn Land cần làm rõ vai trò của mình trong hai dự án này và cung cấp thông tin chi tiết về chủ đầu tư và tình trạng pháp lý của các dự án để đảm bảo minh bạch cho nhà đầu tư.
Ngày 5 tháng 9 năm 2024, Khải Hoàn Land đã phản hồi bằng văn bản thông tin về hai dự án. Theo thông báo, Khải Hoàn Land không phải là chủ đầu tư của các dự án này.
Đối với Dự án Khu đô thị Gò Găng, Khải Hoàn Land cho biết dự án này do Công ty TNHH Tập đoàn Khải Hoàn - Vũng Tàu thực hiện các thủ tục pháp lý từ năm 2016. Khải Hoàn Land chỉ hợp tác với Khải Hoàn - Vũng Tàu từ năm 2019 để cung cấp tài chính và nhận quyền phát triển một số phân khu khi dự án hoàn tất các yêu cầu pháp lý. Dự án có diện tích 1.389 ha, với 950 ha dành cho phát triển đô thị và khu dân cư có thể cao tối đa 15 tầng, trong khi khu sử dụng hỗn hợp có thể lên đến 60 tầng, dự kiến phục vụ tối đa 60.000 cư dân.
Đối với Dự án Khu đô thị mới và tổ hợp dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng Tân Quới, dự án này được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Bất động sản Khải Minh Land, không phải là công ty con của Khải Hoàn Land. Khải Hoàn Land chỉ hợp tác với Khải Minh Land để phát triển và phân phối sản phẩm của dự án. Dự án hiện đã được UBND tỉnh Vĩnh Long chấp thuận cho nghiên cứu lập quy hoạch và đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.