Điểm tựa cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình

Mô hình 'Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng' được kỳ vọng là điểm tựa cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình có nơi tạm lánh an toàn; đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

“Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Ảnh: Phương Liên

“Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Ảnh: Phương Liên

Giữa tháng 9/2023, xã Mường Và, huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La tổ chức ra mắt mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" tại trung tâm xã. Đây là nơi để nạn nhân đến tạm lánh và được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe khi không may bị bạo lực gia đình. Mô hình ra đời nằm trong kế hoạch xây dựng điểm các mô hình, hoạt động can thiệp của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Mô hình do UBND xã thành lập, quản lý; các thành viên là những cá nhân có uy tín cao trong cộng đồng, có kinh nghiệm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực ở cộng đồng. Ban quản lý có trách nhiệm truyền thông kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, phòng chống bạo lực gia đình; đón tiếp, đánh giá mức độ nguy hiểm của người bị bạo lực, hỗ trợ nạn nhân tại chỗ; giúp nạn nhân kết nối, chuyển gửi tới các dịch vụ liên quan... Hoạt động của “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” dựa trên 5 nguyên tắc: Kịp thời hỗ trợ, bảo vệ, chăm sóc nạn nhân; đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thời gian nạn nhân tạm lánh; bảo mật thông tin cho nạn nhân; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong công tác hỗ trợ, bảo vệ, chăm sóc nạn nhân; xác nhận thông tin vụ việc đảm bảo chính xác.

Xây dựng “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” như ở xã Mường Và là một trong những hoạt động do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khởi xướng, vận động xã hội hóa nhằm góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em - những đối tượng yếu thế, dễ là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới ngay từ cộng đồng. Đến với “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, nạn nhân bị bạo lực được tạm lánh, được chăm sóc y tế nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình; đồng thời, được tư vấn pháp luật để biết cách tự bảo vệ trước nạn bạo lực gia đình, hoặc vững tâm lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực gia đình. Đây cũng là nơi nạn nhân chia sẻ tâm tư để các thành viên có trách nhiệm hòa giải hiểu rõ tình hình, tư vấn có tình, có lý, giúp nhiều cặp vợ chồng hiểu rõ về nhau, hàn gắn rạn nứt để hòa thuận trở lại.

Bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em là một trong những hình thức biểu hiện của bất bình đẳng giới. Theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam cho thấy, cứ 3 người phụ nữ thì có 1 người (32%) đã bị bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục trong đời. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị. Đối với phụ nữ DTTS, tỷ lệ bị bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục do chồng/bạn tình gây ra trong đời là 29,4% và trong 12 tháng qua là 8,3%. Phụ nữ dân tộc Nùng có tỷ lệ bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục rất cao, lần lượt là 42,8% và 25,8%. Hơn một phần ba (34,9%) phụ nữ dân tộc Nùng cũng bị bạo lực tinh thần trong 12 tháng qua, thuộc nhóm bị bạo lực tinh thần cao nhất.

Báo cáo dẫn chứng trường hợp chị Hoa, người dân tộc Nùng có một cửa hàng nhỏ. Chồng chị khiếm thị và là người dân tộc Tày. Mặc dù trong gia đình, chị Hoa là người kiếm tiền, nhưng chồng chị lại là người kiểm soát tiền và còn đánh chị. Chị Hoa không thể nói với ai vì không ai tin rằng chị - một người ngồi xe lăn có thể bị người đàn ông khiếm thị đánh. Chị Hoa cũng bị chồng bạo lực tình dục. Chị không thể di chuyển nhanh và chị cảm thấy mình yếu thế trong tình dục. Việc này làm chị xấu hổ hơn khi nói về tình dục. Vì thế, chị chưa bao giờ nói về sự chịu đựng của mình với bất kỳ ai.

“Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh cộng đồng” tại thôn Ta Vây, xã Sơn Long, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Phương Liên

“Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh cộng đồng” tại thôn Ta Vây, xã Sơn Long, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Phương Liên

Bạo lực gia đình luôn là một chủ đề “nhạy cảm” với phụ nữ. Nhiều người e ngại, xấu hổ khi đề cập đến vấn đề này nên luôn trong trạng thái tự chịu đựng, đồng nghĩa với nạn bạo lực càng có cơ hội phát triển trong mỗi gia đình. Bởi vậy, những mô hình như “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” khi ra đời sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng cũng như phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo quy định của Điều 36 Luật Phòng chống bạo lực gia đình, “Địa chỉ tin cậy” là tổ chức, cá nhân có uy tín, khả năng và tự nguyện giúp đỡ người bị bạo lực gia đình. Tổ chức, cá nhân thông báo với UBND cấp xã về việc nhận làm địa chỉ tin cậy. UBND cấp xã lập danh sách và công bố địa chỉ tin cậy trong địa bàn quản lý; hướng dẫn, tổ chức việc tập huấn cho địa chỉ tin cậy về phòng, chống bạo lực gia đình. Khi tiếp nhận người bị bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy phải thông báo cho UBND cấp xã. UBND cấp xã có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ kinh phí cho địa chỉ tin cậy theo quy định của pháp luật.

Triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phấn đấu đến năm 2025, 1.000 địa chỉ tin cậy cộng đồng được củng cố, nâng chất lượng trên cơ sở hiện có hoặc thành lập mới.

Tuy vậy, với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của các cấp, các ngành mà hạt nhân là Hội Phụ nữ các cấp, đến cuối năm 2023, đã thành lập, củng cố được 1.462/1.000 địa chỉ tin cậy, vượt chỉ tiêu giai đoạn I đề ra; hỗ trợ, tư vấn cho 12.971 phụ nữ, trẻ em tại địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thông qua hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân; từng bước tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của toàn xã hội, huy động sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân trong phòng, chống bạo lực, góp phần thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em của Hội Phụ nữ các cấp.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/diem-tua-cho-phu-nu-va-tre-em-bi-bao-luc-gia-dinh-post479622.html