Điểm tựa giảm nghèo bền vững ở Bình Gia

Bình Gia là một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn với tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trong bối cảnh đó, hợp tác xã (HTX) đang ngày càng khẳng định vai trò là một trong những lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.

Bình Gia có tiềm năng lớn về nông nghiệp, lâm nghiệp và du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, giá trị gia tăng chưa cao. Việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đời sống văn hóa, xã hội ở một số vùng còn nhiều khó khăn. Chính những yếu tố này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân.

HTX - "cánh tay nối dài" của người dân trong giảm nghèo

Trong bối cảnh đó, sự ra đời và phát triển của các HTX trên địa bàn huyện Bình Gia đã mang đến những chuyển biến tích cực, trở thành "cánh tay nối dài" giúp người dân vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Một trong những điểm nổi bật mà HTX đang làm là tổ chức người dân sản xuất tập trung hiệu quả. Điển hình như HTX Nông lâm nghiệp Kéo Coong, xã Tân Văn là một mô hình liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp mới tiêu biểu với mô hình trồng cây mắc ca đầu tiên của Lạng Sơn.

HTX tập hợp các hộ sản xuất nhỏ lẻ thành một tổ chức kinh tế có quy mô, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất mắc ca, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Với diện tích khoảng 30ha, nhiều hộ trồng mắc ca có thể có nguồn thu khoảng 150-200 triệu đồng mỗi năm. Mô hình này đang thu hút khoảng 250 hộ tham gia, và đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo khi người dân cùng hỗ trợ nhau làm kinh tế.

HTX dịch vụ vận tải Ba Sơn đầu tư cho chế biến sâu nông sản.

HTX dịch vụ vận tải Ba Sơn đầu tư cho chế biến sâu nông sản.

Ngoài ra còn có mô hình chăn nuôi lợn nái của HTX Nà Pái – Giao Thủy, xã Tân Văn, mô hình sản xuất và chế biến chè của HTX Chè dưới tán hồi xã Tô Hiệu; HTX Nuôi trâu sinh sản xã Vĩnh Yên… Điều này cho thấy, các HTX nông nghiệp ở Bình Gia đã triển khai nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Đặc biệt, nhiều HTX đã đứng ra liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định cho thành viên, người dân. Cụ thể như HTX dịch vụ vận tải Ba Sơn, xã Xuất Lễ đã tập trung đầu tư thiết bị chế biến, mở rộng liên kết sản xuất với người dân để sản xuất sản phẩm hạt mắc ca.

Ngoài đầu tư xây dựng xưởng chế biến và đầu tư hệ thống máy móc khép kín như: máy đập vỏ, máy sấy, giàn phơi, máy cắt hạt, máy đóng túi hút chân không… để chế biến ra sản phẩm hạt mắc ca đảm bảo chất lượng, HTX còn thiết kế logo, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm hạt mắc ca với tên gọi “Hạt macca Hải Đăng”. Cùng với đó, HTX còn được các cơ quan chuyên môn của của huyện, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ quảng bá sản phẩm thông qua các hội thảo, hội chợ thương mại và các gian hàng trưng bày.

Trung bình mỗi năm, sản lượng hạt mắc ca thành phẩm của HTX đạt trên 4 tấn, đem lại doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng, giúp tạo việc làm thường xuyên cho 4 đến 5 lao động tại địa phương. Ngoài ra, mô hình còn giúp bao tiêu đầu ra ổn định cho thành viên và hàng chục hộ dân, giúp người dân tránh được tình trạng bị ép giá, bấp bênh về thị trường.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn, nhiều HTX trong huyện không chỉ hỗ trợ thành viên sản xuất và tiêu thụ mà còn cung cấp các dịch vụ thiết yếu khác như cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) với giá cả hợp lý, tín dụng nội bộ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tập huấn kỹ thuật. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi để họ phát triển kinh tế.

Đặc biệt, sự phát triển của HTX đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà còn trong các hoạt động dịch vụ liên quan như chế biến, đóng gói, vận chuyển, kinh doanh thương mại. Thu nhập ổn định từ HTX giúp các thành viên cải thiện đời sống vật chất, có điều kiện chăm lo cho gia đình và đầu tư phát triển sản xuất. Và với những gì đang làm được, huyện tự tin có thể giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 26,45% đầu năm 2022 xuống dưới 9,5% vào cuối năm 2025.

Bài học kinh nghiệm từ mô hình HTX

Trong những năm qua, huyện Bình Gia đã xuất hiện nhiều HTX hoạt động hiệu quả, trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo. Ví dụ như các HTX chuyên về trồng và chế biến na, bưởi, các HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Thành công của các HTX này đến từ sự năng động, sáng tạo của ban quản trị, sự tham gia tích cực của các thành viên, việc áp dụng khoa học kỹ thuật phù hợp và xây dựng được mối liên kết bền vững với thị trường.

Bài học kinh nghiệm cho thấy, để HTX thực sự phát huy vai trò trong giảm nghèo, cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ các cấp chính quyền về chính sách, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, bản thân các HTX cần không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực quản trị, mở rộng liên kết và chú trọng đến chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

Một trong những hỗ trợ đắc lực đó chính là những khóa đào tạo, bồi dưỡng về nguồn nhân lực của Trường Bồi dưỡng cán bộ (Liên minh HTX Việt Nam). Đơn vị này đã hỗ trợ các HTX và người dân phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua hoạt động tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.

Mắc ca là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Mắc ca là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Các khóa học này giúp nâng cao năng lực cho các thành viên, giúp họ sản xuất ra được những sản phẩm chất lượng và có giá trị cạnh tranh. Nhiều HTX cũng được tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực như sản xuất, chế biến, bao gói và tiêu thụ sản phẩm, giúp các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Như trong năm 2024, Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn đã giới thiệu 2 HTX để Viện Phát triển kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam khảo sát triển khai dự án hỗ trợ máy móc, phân bón trồng cây dược liệu tại huyện Bình Gia; hỗ trợ 4 HTX tham gia trưng bày gian hàng tại các hội thảo, hội nghị. Điều này giúp các HTX có thêm nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động.

Nhờ sự hỗ trợ của các ban ngành, trong đó có Liên minh HTX Việt Nam, các HTX huyện Bình Gia đã có những bước phát triển đáng kể trong sản xuất. Các sản phẩm của HTX ngày càng đa dạng và chất lượng hơn, được thị trường đón nhận và đánh giá cao. Điều này đã góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát huy vai trò của HTX trong giai đoạn mới

Trong giai đoạn phát triển mới, huyện Bình Gia xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. HTX tiếp tục được kỳ vọng sẽ là một trong những lực lượng chủ chốt để thực hiện mục tiêu này.

Để phát huy tối đa vai trò của HTX, huyện xác định tiếp tục củng cố và phát triển mô hình HTX. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX hiện có, khuyến khích thành lập các HTX mới ở những lĩnh vực có tiềm năng, chú trọng phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Ở thời đại công nghệ, huyện xác định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX tỉnh để có những cơ chế, chính sách hỗ trợ các HTX tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, tạo điều kiện và khuyến khích các HTX liên kết với doanh nghiệp, các tổ chức khoa học, các HTX khác để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Song song những HTX hoạt động hiệu quả, trên địa bàn huyện vẫn còn những HTX hoạt động cầm chừng, chưa thể mở rộng sản xuất do thiếu vốn, thiếu kỹ năng, thiếu năng lực. Do đó, nâng cao năng lực quản trị và điều hành thông qua tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX là hết sức cần thiết trong thời điểm này.

Với những nỗ lực không ngừng, cùng với sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và sự chủ động, sáng tạo của chính người dân, các HTX ở huyện Bình Gia sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình, trở thành điểm tựa vững chắc trong công cuộc giảm nghèo bền vững.

Quang Am

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/diem-tua-giam-ngheo-ben-vung-o-binh-gia-1105714.html