Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2025: Ưu tiên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ

Đây là kỳ họp đầu tiên sau khi Hội đồng Quản lý được kiện toàn với những quyết sách định hướng cho hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh đây là phiên họp đầu tiên của Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội sau khi được kiện toàn. (Ảnh: BHXH)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh đây là phiên họp đầu tiên của Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội sau khi được kiện toàn. (Ảnh: BHXH)

Ngày 1/4, Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiến hành phiên họp thường kỳ Quý I/2025 dưới sự chủ trì Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Bảo hiểm xã hội Bảo hiểm xã hội Nguyễn Văn Thắng.

Chỉ đạo phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh đây là phiên họp đầu tiên của Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội sau khi được kiện toàn. Tại kỳ họp này, Hội đồng tập trung lắng nghe, thảo luận và cho ý kiến về các báo cáo quan trọng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bao gồm công tác quyết toán năm cũ, phương án đầu tư tăng trưởng các quỹ cho năm mới, kế hoạch chi phí tổ chức và hoạt động, cùng nhiều vấn đề khác.

Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến việc Hội đồng sẽ tiếp tục thảo luận về việc kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội để phù hợp hơn với bối cảnh và yêu cầu mới.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đã trình bày một cách chi tiết các báo cáo quan trọng. Các nội dung chính bao gồm công tác quyết toán năm trước; phương án đầu tư quỹ-phương án mở tài khoản tiền gửi phản ánh thu, chi năm 2025; phương án gửi tiền có kỳ hạn theo phương thức chuyển tiền tự động. Mức chi tổ chức và hoạt động Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2025-2027 và công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.

Tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội cung cấp thêm thông tin và đánh giá về các nội dung được trình bày. Ông cho biết các báo cáo và nội dung của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được Văn phòng Hội đồng Quản lý tổng hợp và gửi sớm đến các Ủy viên Hội đồng để nghiên cứu, cho ý kiến.

 Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội cung cấp thêm thông tin và đánh giá về các nội dung được trình bày. (Ảnh: BHXH)

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội cung cấp thêm thông tin và đánh giá về các nội dung được trình bày. (Ảnh: BHXH)

Về công tác chi trả không dùng tiền mặt, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh từ năm 2022, Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội đã có chỉ đạo quyết liệt và ban hành Nghị quyết về việc tăng cường chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân (ATM)

Kết quả, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2024 đã đạt được con số ấn tượng là 80% người hưởng nhận chế độ qua phương thức này. Đặc biệt, tại khu vực đô thị, tỷ lệ này đã vượt 16% so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là một bước tiến lớn, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí quản lý mà còn mang lại sự thuận tiện tối đa cho người dân.

Kết luận chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội nêu rõ Hội đồng đồng ý với đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về nguyên tắc đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Đây là kênh đầu tư được đánh giá có độ an toàn cao nhất, phù hợp với tính chất của quỹ an sinh xã hội.

Tuy nhiên, việc phê duyệt chỉ là về mặt nguyên tắc và Chủ tịch Hội đồng Quản lý giao nhiệm vụ cụ thể cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam, căn cứ vào tình hình thực tiễn hoạt động đầu tư giai đoạn 2023-2024 và những diễn biến dự báo của thị trường tài chính năm 2025, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm quyết định cơ cấu, tỷ trọng và thời điểm đầu tư cụ thể. Quá trình này phải đảm bảo tỷ lệ đầu tư hài hòa giữa các loại tài sản (nếu có), quản trị rủi ro chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo thêm cần chủ động xây dựng kế hoạch gửi tiền tại các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối (trên 50%) và rà soát, theo dõi sát sao số tiền lãi sinh lời từ hoạt động đầu tư. Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện đầu tư và hiệu quả quản trị rủi ro theo quy định. Mục tiêu tối thượng của hoạt động đầu tư phải luôn là an toàn, hiệu quả và bảo đảm khả năng chi trả kịp thời các chế độ cho người tham gia khi có nhu cầu.

Hướng tới tương lai xa hơn, Bộ trưởng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần khẩn trương xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn, phù hợp với tinh thần của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2024 (dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/7/2025). Trong chiến lược này, ngành cần đề xuất cụ thể các tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ cho từng thời kỳ, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Về việc duy trì số dư tài khoản tiền gửi phản ánh thu-chi, Bộ trưởng yêu cầu thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo số dư trên các tài khoản luôn ở mức phù hợp với yêu cầu chi trả các chế độ đồng thời tối ưu hóa hiệu quả đầu tư các quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tránh lãng phí, thất thoát.

Ông cũng giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Văn phòng Hội đồng Quản lý phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính để hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ chế quản lý tài chính Bảo hiểm xã hội và Nghị định về đầu tư quỹ, nhằm xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn cho hoạt động này. Hội đồng Quản lý đồng ý về nguyên tắc xây dựng mức chi cho tổ chức, hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị Ngành Bảo hiểm xã hội phấn đấu giảm sâu hơn nữa mức chi. Trong quá trình thực hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần liên tục rà soát, đánh giá để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí, đảm bảo tiết kiệm tối đa, chống lãng phí triệt để.

Về chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định đây là vấn đề phức tạp, thường xuyên phát sinh vướng mắc, Bộ trưởng giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam "chịu trách nhiệm rà soát, thẩm tra kỹ lưỡng các chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn tồn đọng hoặc có dấu hiệu bất thường, báo cáo xin ý kiến Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội bằng văn bản trước khi trình các cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Mặt khác, ông cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội chủ động làm việc với các bộ, ngành liên quan để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm y tế, trong đó quy định rõ ràng, chặt chẽ về thời hạn thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng kéo dài từ nhiều năm qua.

Đối với hoạt động của Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội trong bối cảnh mới, Bộ trưởng thông tin: "Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về trình tự, thủ tục thành lập, chế độ làm việc, trách nhiệm, kinh phí hoạt động và bộ máy giúp việc của Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội. Thời hạn trình dự kiến trong tháng Năm tới"./.

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/quy-bao-hiem-xa-hoi-nam-2025-uu-tien-dau-tu-vao-trai-phieu-chinh-phu-post1024162.vnp