Điểm yếu khiến Gen Z khó giữ được việc làm

Chuyên gia cho rằng thế hệ Z thiếu kỹ năng mềm thiết yếu để hoàn thành tốt công việc. Đó là khuyết điểm khiến nhân viên trẻ khó làm hài lòng các nhà quản lý.

 Thế hệ Z bị tác động khá nhiều sau đại dịch.

Thế hệ Z bị tác động khá nhiều sau đại dịch.

Không chỉ hình thức làm việc, đại dịch Covid-19 cũng thay đổi một số khía cạnh quan trọng trong lực lượng lao động, đặc biệt là những yếu tố được các nhà tuyển dụng ưu ái.

Trước đây, phần lớn công ty đều săn đón những ứng viên được đào tạo tại các trường đại học nổi tiếng, từng làm tại doanh nghiệp có uy tín và sở hữu kiến thức chuyên môn dày dặn với vị trí ứng tuyển, hay còn gọi là kỹ năng cứng.

Tuy nhiên, ngày nay, tiêu chí sàng lọc lại rất khác khi kỹ năng mềm được yêu thích nhiều hơn.

“Đây là điều kiện thiết yếu và nhận biết cách một nhân viên tương tác với những người khác tại nơi làm việc. Nó bao gồm khả năng thích ứng, phục hồi, tư duy phản biện và tinh thần không ngừng tiếp thu. Tuy nhiên, chúng khá khó học và phát triển toàn diện”, Sarah McCann Bartlett, Giám đốc điều hành của Viện Nhân sự Australia, nói với News.com.au.

Thống kê từ Đại học Harvard, Quỹ Carnegie và Trung tâm Nghiên cứu Stanford cho thấy 85% thành công trong sự nghiệp đến từ việc trau dồi tốt các kỹ năng mềm.

Trong khi tiêu chí này được coi là tương lai của giới “cổ cồn trắng”, các nhà phân tích chỉ ra rằng không phải thế hệ nào cũng sở hữu chúng với mức độ như nhau.

Theo Bruce Tulgan, người sáng lập công ty đào tạo và nghiên cứu quản lý Rainmaker Thinking Inc, Gen Z (sinh năm 1997-2012) - hiện chiếm 30% dân số thế giới và dự kiến thu hút 27% lực lượng lao động vào năm 2025 - thiếu kỹ năng mềm cần thiết cho công việc.

 Việc thiếu nhiều kỹ năng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp của Gen Z. Ảnh: iStock.

Việc thiếu nhiều kỹ năng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp của Gen Z. Ảnh: iStock.

“Các nhân viên trẻ có ít kinh nghiệm, chưa thực sự trưởng thành và đủ kiên nhẫn được mài dũa theo thời gian. Họ ngày càng bộc lộ nhiều điểm yếu trong mảng này”, ông Tulgan nói.

Tara Salinas, giáo sư chuyên ngành kinh doanh tại Đại học San Diego, giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đại dịch đã làm thay đổi cách các thế hệ tương tác với nhau.

“Thế hệ Z được xem là công dân của thời đại số hóa. Họ thích trò chuyện trực tuyến, vì vậy khả năng giao tiếp hoặc kỹ năng thực hành xã hội có thể bị giảm sút”, Salinas nhận định.

Stacie Haller, cố vấn nghề nghiệp tại Resume Builder, cũng đồng ý với ý kiến này. Ngoài ra, Haller bổ sung thêm một chi tiết: sự ảnh hưởng của giáo dục từ xa cũng khiến Gen Z thiếu nền tảng để thành công hơn các thế hệ cũ ở những vị trí bắt đầu.

Gần 3/4 nhà quản lý nhận thấy Gen Z là nhóm khó cộng tác nhất, theo một cuộc khảo sát của Resume Builder với hơn 1.300 lãnh đạo doanh nghiệp.

Một trong những bất bình lớn nhất của nhiều cấp trên với nhân viên trẻ tại Mỹ (ở mức 39%) là chuyên môn kỹ thuật không đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, các nhà quản lý cần phải nhận thức được điều này khi tuyển dụng. Thêm vào đó, không ít ông chủ thường bỏ lỡ bức tranh toàn cảnh khi nói đến một số phàn nàn của họ về nhân viên Gen Z, đặc biệt là chuyên môn và đạo đức làm việc.

Việc thiếu kỹ năng có thể gây khó chịu cho các doanh nghiệp, nhưng đó cũng là một thách thức không kém đối với Gen Z.

Nhà nghiên cứu xã hội Claire Madden cho hay những người sinh năm 1996 trở về sau sẽ cần trau dồi bản thân nhiều hơn để trở nên nhanh nhẹn, thích ứng tốt với sự thay đổi vai trò, nhiệm vụ và xu hướng thị trường.

Mặt khác, Gen X - sinh từ năm 1965-1980 - lại có lợi thế về điểm này. Họ làm việc nhóm rất tốt, có thể phối hợp và truyền tải ý nghĩ vượt trội so với thế hệ kế nhiệm.

Theo trang web hướng dẫn nghề nghiệp Indeed, đó là nhờ nhóm nhân khẩu học này lớn lên với sự giám sát tối thiểu của cha mẹ, cùng với các giá trị về độc lập, cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/diem-yeu-khien-gen-z-kho-giu-duoc-viec-lam-post1446119.html