Điện ảnh TP.HCM được vay 200 tỉ đồng, lãi suất thành phố sẽ lo
Nghị quyết 98 hỗ trợ cho các nhà làm phim, nhà sản xuất phim góp phần phát triển điện ảnh TP.HCM.
Ngày 7-4, tọa đàm Phát triển điện ảnh TP.HCM trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần 1 đã diễn ra tại Trung tâm hội nghị Thiskyhall Sala, TP Thủ Đức.
Cần chính sách, cơ chế cho điện ảnh TP.HCM
Phát biểu tại chương trình, GS-TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông nhận định tầm quan trọng của văn hóa đối với dân tộc nói chung và TP.HCM nói riêng.
Qua đó, GS Phú cho rằng nền văn hóa cùng điện ảnh TP.HCM sẽ hội nhập nhanh và phát triển ngang tầm thời đại khi có cơ chế để cất cánh. Khi điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn sẽ là động lực đưa tâm thức con người lên, đưa kinh tế phát triển, đặc biệt là kinh tế du lịch.
Điện ảnh có sứ mệnh tiên phong, có sứ mệnh quảng bá đất nước. Còn nhớ phim “Đông dương” đã giúp thế giới biết vẻ đẹp kiều diễm của Hạ Long; phim “Người Mỹ trầm lặng” có một phân đoạn nhắc đến vẻ đẹp xưa của Sài Gòn; phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã giúp Phú Yên đón nhiều khách du lịch hơn.
"Những bộ phim lấy bối cảnh về hang động, phong cảnh sông núi hữu tình ở Quảng Bình, ở Ninh Bình... đều có sức hút rất mạnh mẽ” – GS Phú cho hay.
Cũng theo GS Phú, TP.HCM là một kho đề tài to lớn và phong phú cho điện ảnh, văn học nghệ thuật.
“Tôi hi vọng TP.HCM sẽ coi điện ảnh, văn hóa ngang với kinh tế và có đầu tư, có kế hoạch, đặc biệt có cơ chế phù hợp để phát triển và hội nhập.
Tôi nghĩ rằng TP.HCM nên cho điện ảnh tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Thành phố nên có cơ chế như thế nào để việc hợp tác quốc tế cho điện ảnh thoáng hơn, nhanh chóng hơn để không chỉ chúng ta mà thế giới sẽ cùng chúng ta làm phim về thành phố.
Tôi hi vọng các nhà văn, các biên kịch, đạo diễn sẽ dành sự yêu thương, rung động để làm nên những tác phẩm ngang tầm thời đại” – GS Phú bày tỏ.
“Tại Việt Nam, để phát triển điện ảnh, TP.HCM là một trong những vùng đất tốt nhất. Với điều kiện đó, lãnh đạo thành phố luôn luôn quan tâm và coi đó là trọng tâm. Khi chúng ta đặt trọng tâm và muốn điện ảnh phát triển, chúng ta phải đầu tư nghiêm túc, tiếp cận và khai thác tiềm năng sẵn có. Kêu gọi các nguồn lực bên ngoài, phối hợp với nguồn lực tại chỗ để phát triển nhanh nhất, bền vững nhất”.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
Nghị quyết 98 hỗ trợ cho điện ảnh TP.HCM
Tại hội thảo, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội điện ảnh TP.HCM cho biết thành phố đã có nhiều nghị quyết, quyết định để điện ảnh cả nước và thành phố phát triển.
"Nghị quyết đã có, tôi nghĩ bây giờ chúng ta cần đưa những nghị quyết đó trở thành hành động thực tế.
Để điện ảnh phát triển thì ngay bây giờ chúng ta phải vận dụng tất cả thế mạnh của mình. Đây là một ngành tốn kém song chúng ta sẽ có lại nguồn thu rất lớn. Việc đầu tiên là cần có phim trường, cần có chính sách thuế, bảo hộ cho phim Việt” – bà Dương Cẩm Thúy nói.
Bên cạnh chính sách thì vấn đề nguồn vốn cho các nhà sản xuất, làm phim cũng được quan tâm. Trước câu chuyện này, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM cho biết chính sách phát triển văn hóa được thành phố ưu tiên, trong đó có điện ảnh.
Ngày 21-6-2023 Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, trong đó nội dung cho các dự án vay vốn lãi suất thấp để đầu tư các dự án phù hợp, ưu tiên phát triển của thành phố trong đó có lĩnh vực điện ảnh, cụm rạp chiếu phim.
HĐND thành phố thông qua nghị quyết và triển khai Nghị quyết 98 này. Cụ thể, trong danh mục thành phố hỗ trợ có lĩnh vực xây dựng các cụm rạp chiếu phim có quy mô 1.000 chỗ trở lên.
"Công ty chúng tôi sẽ cho vay, TP cũng đã thông qua là sẽ hỗ trợ một dự án không lấy lãi, khoản vay hỗ trợ tối đa là 200 tỉ đồng trong bảy năm. Có thể vay nhiều hơn nhưng thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất cho 200 tỉ đồng. Với sự hỗ trợ này, thành phố đang tạo động lực cho các nhà làm phim đưa các sản phẩm của mình đến gần hơn với công chúng" - ông Thanh cho biết.
VĂN HÀ