Điện ảnh vị AI
AI (trí tuệ nhân tạo) đang dần ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nghệ thuật. Điện ảnh không ngoại lệ. Phim do AI thực hiện bắt đầu được công chiếu rộng rãi và có mặt ở các liên hoan phim danh giá trên thế giới. Ở Việt Nam, điện ảnh vị AI đã manh nha nửa đầu năm 2024 với các dự án phim ngắn.
"Liên hoan phim trí tuệ nhân tạo" (AIFF) diễn ra hồi tháng 2 để lại nhiều dư âm đáng nhớ bởi có thể coi đây là sân chơi chuyên biệt đầu tiên tôn vinh các tác phẩm điện ảnh được thực hiện bằng công nghệ AI. Liên hoan do Runway AI - một công ty Mỹ chuyên nghiên cứu và sản xuất nền tảng AI - tổ chức.
AIFF năm nay quy tụ gần 3.000 tác phẩm trên thế giới. Xuất sắc chạm tay vào giải "Phim danh dự" là phim ngắn của đạo diễn người Pháp Leo Cannone. Thí sinh đến từ Việt Nam - đạo diễn Phạm Vĩnh Khương, nhận được nhiều lời khen ngợi của ban tổ chức với phim ngắn "Hay là chúng ta cứ như vậy một vạn năm".
Bộ phim do anh thực hiện bằng AI trên điện thoại thuộc thể loại "siêu tưởng", kết hợp giữa trường phái trừu tượng, chất chứa nhiều ẩn dụ. Những nhân vật kỳ ảo gửi gắm sự quan ngại của loài người đối với sự phát triển vượt bậc của công nghệ tương lai, đặt ra câu hỏi "Tại sao chúng ta nỗ lực chạy đua công nghệ, song lại ngờ vực tương lai phải đối đầu với nó?".
Mới đây, "ông trùm làm phim bằng điện thoại" này tiếp tục trình làng bộ phim "Bức tranh Đại Việt" dài hơn năm phút. Thước phim ca ngợi non sông, văn hóa Việt Nam, tự hào lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Dù phim có thời lượng ngắn, nhưng do kho tài nguyên hạn chế nên anh gặp khó khăn khi đặt lệnh cho AI.
Để tăng dữ liệu, Phạm Vĩnh Khương bổ sung ảnh do anh chụp hoặc mượn ảnh từ nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước. Những cảnh quay do app AI khác nhau tạo ra được kết hợp lại sao cho mượt mà, nêu bật cốt truyện. Với những gì đã làm được, chàng đạo diễn trẻ này được xem là gương mặt tiên phong của làng điện ảnh Việt Nam trong hành trình "AI hóa".
Nếu ở nước ta, AI vẫn còn là khái niệm mới mẻ thì trên thế giới, phim có sự đồng sáng tạo của AI đã ra mắt công chúng từ năm 2016. Đó là "Do you love me" và "Sunspring". Những năm gần đây, việc ứng dụng AI trong ngành công nghiệp điện ảnh ở các nước phát triển diễn ra sôi nổi. AI trở thành trợ thủ đắc lực ở hầu hết công đoạn làm phim: từ giai đoạn tiền kỳ như viết kịch bản, tuyển chọn diễn viên, dựng cảnh, đạo cụ cho đến quay phim, làm hậu kỳ, kỹ xảo, quảng bá phát hành, dự đoán doanh thu… Thậm chí, nó có thể thay thế vai trò đạo diễn cũng như diễn viên với công nghệ deepfake. Nhân vật phản diện Thanos trong series bom tấn "Avengers" hay nhân vật phụ trong web-drama "Bad Girlfriend" của Hàn Quốc hồi năm 2022 đều do AI xây dựng.
Sự đổ bộ ồ ạt và tác động ghê gớm của AI vào nền điện ảnh toàn cầu khiến các liên hoan phim lớn trên thế giới không thể nhắm mắt làm ngơ. "Liên hoan phim giả tưởng quốc tế Bucheon" lần thứ 28 diễn ra vào tháng 7 tới đã bổ sung thêm hạng mục "Cuộc thi quốc tế về phim do AI thực hiện". Đây là lần đầu tiên liên hoan phim danh tiếng của Hàn Quốc công nhận những bộ phim được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo. Việc đánh giá tác phẩm không chỉ nhìn nhận ở mặt công nghệ mà còn xem xét ở giá trị nghệ thuật và thông điệp tác phẩm.
Tương tự, "Liên hoan phim ngắn và châu Á" 2024 diễn ra từ ngày 4 đến ngày 17/6 tại Nhật Bản sẽ trình chiếu hàng loạt bộ phim do trí tuệ nhân tạo biên kịch, được gửi về từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý có bộ phim hoạt hình thử nghiệm của Áo mang tên "Vòng tròn ma thuật nhân tạo" và bộ phim hoạt hình Trung Quốc "Long môn".
"Cơn lốc" AI mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức với nền điện ảnh Việt Nam. Theo đạo diễn Huỳnh Phú, cái lợi dễ nhận thấy của trí tuệ nhân tạo chính là trở thành trợ lý đắc lực của nhà làm phim. "Tự viết kịch bản hay tuyển chọn diễn viên, AI gợi ý cho nhà sản xuất nhiều sự lựa chọn hấp dẫn và giảm bớt sai sót. Những thuật toán nhanh chóng của AI giúp chúng tôi rút ngắn thời gian tra cứu thông tin và giảm công sức sáng tạo rất nhiều. Hồi phác họa con chằn tinh 3D trong phim "Thạch Sanh", chúng tôi phải mất gần hai tháng mới xong. Bây giờ, AI chỉ mất vài tiếng. Làm nháp một cảnh nguy hiểm trong phim hành động, chúng tôi mất nhiều kinh phí mà chưa chắc thành công, trong khi nhờ AI, mức độ thành công được đo lường gần như 100% nhờ tính năng phân tích, phản biện, tạo ra sự hợp lý mà không tốn nhiều tiền".
Đồng quan điểm, đạo diễn Phạm Vĩnh Khương cho hay, nhờ AI đơn giản hóa nhiều công đoạn nên chi phí thực hiện sản phẩm của anh rất thấp. Giới chuyên môn dự đoán nếu dùng máy quay và cách sản xuất như truyền thống, "Bức tranh Đại Việt" phải ngốn ít nhất ba tỷ đồng. Nhưng nhờ trí tuệ nhân tạo, sản phẩm này chỉ tiêu tốn ba triệu đồng. Công nghệ AI mở ra giải pháp cho các nhà làm phim mới chập chững dấn thân vào điện ảnh, chưa có khả năng tiếp cận và thuyết phục các nhà đầu tư lớn rót vốn. Phạm Vĩnh Khương quả quyết: "Tôi tin, nếu sự tiên phong này sớm trở nên thịnh hành, nghĩa là tôi đã tìm ra giải pháp tiết kiệm ngân sách làm phim, để điện ảnh không còn là ngành xa vời với các bạn trẻ đam mê theo đuổi mà chưa đủ điều kiện để thực hiện ý tưởng".
Ở thể loại phim hoạt hình, số tác phẩm do AI thực hiện từ "A đến Z" ngày càng tăng. Bởi không cần người thật đóng, diễn xuất của nhân vật hoạt hình ảo do AI tạo sẽ diễn theo những gì nó hoạch định dựa trên việc tham khảo và chọn lọc thông tin từ nhiều nguồn. Trên YouTube, các clip hướng dẫn làm phim hoạt hình từ AI với đủ nội dung, thể loại ngày càng thịnh hành. Có chút kiến thức, ai cũng có thể dễ dàng tạo ra một thước phim đơn giản.
Phim Việt Nam vẫn bị đánh giá yếu kém nhất ở khâu kịch bản. Kịch bản có nội dung thiếu hấp dẫn, kịch tính hay tình tiết phi logic, thô vụng vẫn là căn bệnh nan y. Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo tỏ ra là tay biên kịch xuất sắc khi bộ óc thông minh của nó "học lỏm" rất nhanh từ kho dữ liệu khổng lồ sẵn có, để rồi phân tích và sáng tạo ra một hoặc nhiều phiên bản kịch bản. Người dùng có thể đặt ngược câu hỏi như "Kịch bản này hấp dẫn khán giả ở điểm nào?", "Phân khúc khán giả mà kịch bản này có thể chinh phục?"… để AI thẩm định lại kịch bản và tự nó bổ khuyết những điểm phi lý, chưa hấp dẫn.
Tuy mang nhiều cái lợi nhưng AI vẫn chưa được chào đón nồng nhiệt ở Việt Nam. Thực tế, ngoài đạo diễn Phạm Vĩnh Khương làm phim 100% AI thì hầu hết nhà làm phim nước ta chỉ thử nghiệm AI ở vài khâu phụ trợ. Đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư thỉnh thoảng dùng AI điều khiển cánh tay robot để quay vài cảnh khó, nguy hiểm. Một số người tận dụng AI nhằm thực hiện vài kỹ xảo đơn giản. Bởi họ quan niệm, AI vẫn là máy móc vô tri, vậy nên lạm dụng nó sẽ bào mòn chất xám, bản sắc, phong cách cá nhân của người sáng tạo. Chính đạo diễn Phạm Vĩnh Khương cũng thừa nhận: "Đúng là AI sẽ khiến nhiều người trong chúng ta trở nên lười biếng, ỷ lại nếu họ luôn thụ động giao phó hết cho AI trong việc sáng tạo nội dung. Lúc đó kẻ mất việc là những kẻ kiến thức lưng chừng, thiếu tính thẩm mĩ và sáng tạo".
Cảm xúc vẫn là yếu tố hàng đầu níu kéo con người đến với điện ảnh. Hiện nay, đây là điểm yếu cốt tử của AI. Nói như đạo diễn Huỳnh Phú: "Phụ thuộc hoàn toàn vào AI sẽ cho ra đời những tác phẩm điện ảnh khô cứng, không có hồn, khó truyền tải được những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Để khắc phục, bản thân nhà làm phim phải biết kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo, phải làm chủ được trí tuệ nhân tạo. Con người là nhân tố cốt lõi cho mọi vấn đề. Vì vậy bản thân nhà làm phim phải liên tục trau dồi, học hỏi để nâng cao trình độ cũng như nhanh nhạy nắm bắt dòng chảy cuộc sống và mở rộng nhân sinh quan. Chỉ có như vậy, anh mới cho ra đời những tác phẩm đỉnh cao và có giá trị nghệ thuật sâu sắc. Suy cho cùng AI cũng chỉ là công cụ phục vụ loài người. Công cụ ấy có phát huy hiệu quả hay không là do cách dùng của mỗi chúng ta".
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dien-anh-vi-ai-i732788/