Điện ảnh viết tiếp khúc tráng ca Thành cổ Quảng Trị

Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám (1945-2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2025), bộ phim truyện điện ảnh 'Mưa đỏ' do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện là một tác phẩm chiến tranh cách mạng mang tầm vóc lớn, truyền cảm hứng sâu sắc về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Hình ảnh trong bộ phim “Mưa đỏ“. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Hình ảnh trong bộ phim “Mưa đỏ“. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Tái hiện một lát cắt hào hùng của lịch sử dân tộc

Lấy cảm hứng từ sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, Mưa đỏ khắc họa một thời kỳ máu lửa, nơi hàng vạn thanh niên ưu tú đã “xếp bút nghiên” lên đường, dâng trọn tuổi xuân cho lý tưởng độc lập - tự do của Tổ quốc. Với tinh thần tri ân sâu sắc, bộ phim không chỉ là sản phẩm nghệ thuật mà còn là một bản hùng ca sống động góp phần nhắc nhở thế hệ hôm nay về giá trị của hòa bình.

Được thực hiện công phu với sự chuẩn bị kéo dài nhiều năm, Mưa đỏ được ghi hình trực tiếp tại Quảng Trị - mảnh đất thiêng liêng gắn liền với lịch sử dân tộc. Từ dòng sông Thạch Hãn, những trận địa chiến đấu, chiến hào, trạm phẫu, sân bay dã chiến cho đến hệ thống công sự phòng thủ... tất cả được phục dựng tỉ mỉ, chính xác từng chi tiết dưới sự cố vấn sát sao của các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, giúp tái hiện một không gian chiến tranh vừa chân thực vừa ám ảnh.

Phim kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảnh quay thực địa và kỹ xảo điện ảnh hiện đại, khán giả như sống giữa không khí 81 ngày đêm khốc liệt, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Không dừng lại ở mô tả chiến sự, Mưa đỏ còn tái hiện cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris, phản ánh toàn diện một giai đoạn lịch sử đầy cam go nhưng rực rỡ của dân tộc.

Đại tá Đào Văn Phê, một người lính may mắn sống sót trở về từ chiến trường Thành cổ Quảng Trị, đồng hành cùng dự án với vai trò cố vấn xúc động chia sẻ: “Đồng đội chúng tôi ngã xuống không đếm xuể… Họ ra đi ở tuổi mười tám, đôi mươi, không được sống đến ngày giải phóng. Tôi cảm ơn ê kíp vì đã khắc họa sống động tinh thần của họ, để thế hệ trẻ hôm nay hiểu rằng, đất nước này được xây bằng máu và nước mắt”.

Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Trọng Can cũng bày tỏ niềm tin khi bộ phim ra rạp: “Ê kíp rất lắng nghe ý kiến của chúng tôi. Tôi tin rằng, những câu chuyện về chiến tranh, dù đau thương, vẫn luôn là ngọn lửa để thế hệ trẻ gìn giữ niềm tin và lòng tự hào dân tộc”.

Với sức mạnh của hình ảnh, là nhịp cầu cảm xúc để mỗi người, đặc biệt là người trẻ, hiểu, biết ơn và tiếp bước, Mưa đỏ không đơn thuần là một bộ phim chiến tranh, đó là lời tri ân, là bản anh hùng ca viết bằng ngôn ngữ Nghệ thuật thứ bảy, một lời ru của đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Tri ân thế hệ đã hy sinh cho hòa bình, độc lập dân tộc

Chia sẻ về quá trình quay khắc nghiệt nhưng đáng nhớ trong những ngày mưa gió miền Trung, đạo diễn Đặng Thái Huyền cho biết: Tôi được tiếp cận với kịch bản của nhà văn Chu Lai vào khoảng thời gian 2012-2013. Tôi đã đọc một mạch và nước mắt không thể ngừng rơi. Có một chi tiết khiến tôi vô cùng xúc động, kể cả khi phim đang trong quá trình quay, là lúc các chiến sĩ vượt sông dưới làn pháo kích của địch, khi chới với giữa dòng, những người chiến sĩ chỉ có thể gọi “mẹ ơi, chị ơi”!

“Nói về bộ phim lúc này vẫn còn quá sớm, nhưng chúng tôi coi đây là một nén tâm nhang để tri ân những anh hùng đã ngã xuống. Thực hiện phim giữa thời tiết khắc nghiệt, mưa triền miên, nhưng toàn bộ ê kíp và các cơ quan binh chủng phối hợp không hề nản chí... Hơn cả một kỷ niệm, đó là miền cảm xúc sẽ theo chúng tôi đi đến hết cuộc đời”.

Vượt qua hơn 1.000 ứng viên để giành vai chính, Đỗ Nhật Hoàng, người đóng nhân vật Cường, chia sẻ: “Em thực sự rất lo lắng vì đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay trong sự nghiệp của mình, không chỉ lớn về quy mô và nội dung, mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về lịch sử và lòng yêu nước. Là một người trẻ sinh ra trong thời bình, em từng băn khoăn liệu mình có đủ khả năng để hóa thân vào một nhân vật sống giữa khói lửa chiến tranh hay không. Nhưng nhờ sự tin tưởng, động viên từ ê kíp và đạo diễn, em đã tìm thấy niềm tin vào bản thân và không còn lý do gì để nghi ngờ chính mình nữa”.

Đối với Hạ Anh, người đảm nhận vai Hồng, cô gái lái đò trong Mưa đỏ, đây là một dấu mốc đặc biệt trong hành trình diễn xuất của nữ diễn viên sau nhiều vai diễn truyền hình ấn tượng.

“Ngay từ buổi casting đầu tiên, em đã xúc động mạnh khi đọc những trích đoạn trong kịch bản. Và em thật sự vỡ òa khi nhận được vai diễn này. Ông ngoại em cũng là liệt sĩ hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị, nên việc được góp mặt trong Mưa đỏ với em là cơ hội được kết nối với ông, với những người đã nằm lại nơi đây. Em trân trọng và biết ơn vì được là một phần của dự án đầy ý nghĩa này”, Hạ Anh chia sẻ.

Lần đầu tiên thử sức với điện ảnh, Steven Nguyễn vào vai Quang, một người lính phía bên kia chiến tuyến. Nam diễn viên cho biết: “Em đã ấp ủ mong muốn tham gia một bộ phim chiến tranh từ rất lâu. Khi tìm hiểu về nhân vật Quang, em nhận ra đây không chỉ là hình ảnh của một người lính phía đối phương, mà còn là đại diện cho những tổn thương sâu sắc mà chiến tranh để lại. Em hy vọng sự góp mặt nhỏ bé của mình có thể truyền tải thông điệp về tình yêu nước đến khán giả trẻ, để mỗi người hiểu rằng, tự do, độc lập và hòa bình hôm nay không phải là điều hiển nhiên”.

Mưa đỏ vừa là tiếng gọi từ lịch sử, vừa là bản hùng ca bất tử được viết nên bằng ngôn ngữ điện ảnh chân thực, lay động và đậm chất nhân văn. Bộ phim kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng, khơi dậy trong thế hệ trẻ hôm nay tinh thần tìm hiểu lịch sử, trân trọng sự hy sinh của cha ông, hun đúc lòng yêu nước, và trên hết là thức tỉnh nhận thức về giá trị thiêng liêng của hòa bình, được đánh đổi bằng máu xương của bao thế hệ.

Mưa đỏ do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất; NSƯT Đặng Thái Huyền đạo diễn; Giám đốc sản xuất Kiều Thanh Thúy; Tổng điều hành sản xuất Nguyễn Trí Viễn. Phim quy tụ nhiều gương mặt sáng giá như: Hứa Vĩ Văn, Đỗ Nhật Hoàng, Hạ Anh, Phương Nam, Lâm Thanh Nhã, Đình Khang, Hoàng Long, Nguyễn Hùng, Trần Gia Huy… cùng hàng trăm diễn viên quần chúng. Các nhân vật trong phim như Cường, Tạ, Bình, Tú, Sen, Hải, Tấn… đều đại diện cho một thế hệ thanh niên sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cao cả.

THẢO NGUYÊN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/dien-anh-viet-tiep-khuc-trang-ca-thanh-co-quang-tri-156854.html