Điện Biên có thêm 13 'Nghệ nhân ưu tú' trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể
ĐBP - Chiều ngày 23/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ Công bố và trao danh hiệu vinh dự Nhà nước 'Nghệ nhân ưu tú' trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba, năm 2022. Lần này, Điện Biên có thêm 13 cá nhân được phong tặng danh hiệu 'Nghệ nhân ưu tú'. Đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thừa ủy quyền, trao danh hiệu cho các nghệ nhân.
Thừa ủy quyền, đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao tặng danh hiệu cho các “Nghệ nhân ưu tú”.
Theo Quyết định số 1021/QĐ-CTN, ngày 9/9/2022 của Chủ tịch nước về việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”, tỉnh Điện Biên có 13 cá nhân được phong tặng.
Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp nhận 20 hồ sơ của cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba. Trong đó có 18 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và 2 hồ sơ xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố.
Trải qua 3 cấp hội đồng xét tặng: Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước, Điện Biên có 13 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Trong đó 9 nghệ nhân nắm giữ loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 2 nghệ nhân nắm giữ loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, 2 nghệ nhân nắm giữ loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, tiếng nói, chữ viết, thuộc các dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú, Dao. Tính đến nay, tỉnh Điện Biên có tổng số 41 nghệ nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Ghi nhận và vinh danh các cá nhân, UBND tỉnh quyết định thưởng tiền cho các “Nghệ nhân ưu tú” được phong tặng đợt này, với số tiền 13.410.000 đồng/nghệ nhân.
Các “Nghệ nhân ưu tú” hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng tỉnh.
Việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” là nguồn động lực để các nghệ nhân làm tốt công tác gìn giữ, truyền đạt và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh cho thế hệ trẻ bảo vệ và phát huy trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, góp phần cùng các địa phương trên cả nước xây dựng nền văn hóa “Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Tham dự buổi lễ, đồng chí Phạm Đức Toàn khẳng định, các nghệ nhân tại cộng đồng đóng vai trò quan trọng trực tiếp tham gia, lưu giữ, sáng tạo, truyền dạy văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng thời đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát huy hơn nữa vai trò của ngành trong tham mưu bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” đảm bảo kịp thời hơn nữa để ghi nhận sự đóng góp của nghệ nhân các dân tộc. Các cơ quan chuyên môn và địa phương thực hiện kịp thời, đúng, đủ, đảm bảo chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, để giúp các nghệ nhân có cuộc sống ổn định, yên tâm tham gia gìn giữ văn hóa. UBND cấp huyện cần tạo điều kiện cho các nghệ nhân phát huy vai trò chủ thể văn hóa; thường xuyên quan tâm, có chính sách khuyến khích các hoạt động văn hóa, thực hành, truyền dạy di sản; lựa chọn các cá nhân tiêu biểu để đề nghị xét tặng danh hiệu xứng đáng. Đối với các nghệ nhân, cần tiếp tục phát huy kiến thức, tâm huyết của mình trong sự nghiệp gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Tại buổi lễ, 8 “Nghệ nhân ưu tú” tình nguyện hiến tặng 17 hiện vật truyền thống dân tộc cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ, phát huy giá trị.